Cần theo dõi chặt chẽ
Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo giàn khoan Hải Dương 981 đã được kéo tới khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E và hoạt động từ ngày 28/12 đến 10/2/2016, đồng thời cấm các phương tiện đường thủy tiến vào khu vực 2.000m xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ cho hay, đây không phải là lần đầu tiên giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc dịch chuyển trên Biển Đông mà trong suốt thời gian qua, giàn khoan này được dịch chuyển nhiều lần.
Trong lần này, theo thông báo của phía Trung Quốc thì vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 đang nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
"Còn theo các cơ quan chức năng thì giàn khoan này đang hoạt động cách đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) về phía Đông khoảng 70 hải lý.
Hành động của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không gây căng thẳng trên biển.
Do vậy, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, cảnh giác cao và không được lơ là, đồng thời, thông tin kịp thời để có những phản ứng rõ ràng về việc này", TS Trục nói.
Ông nhận định, nếu như căn cứ tất cả những động thái mà Trung Quốc đã làm trong các năm trở lại đây, đặc biệt từ đầu 2015 đến giờ thì việc nước này không chỉ đưa giàn khoan xuống thăm dò mà khai thác có thể có nhiều khả năng.
"Trung Quốc đã từng tuyên bố ngang ngược rằng sẽ tiến hành khai thác trong vùng biển họ coi là của họ mà các nước đang khai thác.
Đây có thể là tín hiệu đầu tiên, vì vậy, chúng ta phải hết sức lưu ý để chuẩn bị, đồng thời, có phản ứng cụ thể, tránh bị động", TS Trục nêu.
Trung Quốc sẽ còn làm gì?
Về những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra, ông Trục cho rằng, ngoài vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 thì có thể Trung Quốc sẽ có những động thái khác nữa, nhằm tạo thêm căng thẳng với các nước xung quanh.
"Những động thái khác ngoài việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hoàn toàn có thể xảy ra bởi đây là chủ trương, tính toán, chiến lược của nước này rồi.
Trong tình hình hiện nay, khi Mỹ và một số nước khác đang quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, có những hoạt động cụ thể hơn, việc này đã và đang tạo ra những tranh chấp căng thẳng hơn.
Từ đó khiến tình hình Biển Đông sẽ còn nóng lên, phức tạp hơn nhiều trong thời gian sắp tới", TS Trục dự báo.
Trước một số ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 là có sự lựa chọn thời điểm, ông Trục thấy rằng, việc lựa chọn thời điểm là có nhưng trong thời điểm hiện nay thì vấn đề này chưa hoàn toàn thích hợp.
"Không phải bây giờ Trung Quốc mới hành động như vậy mà từ nhiều năm trở lại đây, nước này đã có không ít hành động ngang ngược, thậm chí, ngay trong năm 2015, một số hành động Trung Quốc gây ra còn nghiêm trọng hơn việc giàn khoan này.
Còn tất nhiên, tại sao dư luận lại đặt ra câu hỏi đó, bởi vì, Trung Quốc trong lịch sử quá trình họ tiến hành hoạt động bánh trướng lãnh thổ, gây hại đến quyền, lợi ích các nước thì rõ ràng đều có tính toán hoàn cảnh chính trị.
Bất cứ một hoàn cảnh chính trị, ngoại giao nào có lợi, Trung Quốc đều lợi dụng và chính điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi", TS Trục nhận định.
Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ cũng cho biết thêm, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, các bước đi của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng hơn, để từ đó, có động thái, phản ứng rõ ràng, cương quyết, chủ động hơn.
"Đặc biệt, chúng ta cần phải kịp thời lên tiếng một cách thích hợp để bạn bè trong khu vực, quốc tế hiểu rõ vấn đề, tránh bị hiểu sai, bị lợi dụng...", nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ nói thêm.
Cùng trao đổi với chúng tôi, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cũng cho rằng, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ hoạt động, di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.
Nếu phát hiện vi phạm, gây ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam thì cần lên tiếng, phản ứng mạnh mẽ để nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế biết rõ thông tin.
Trước đó, giàn khoan Hải Dương 981 từng hạ đặt trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 1/5/2014, Việt Nam phát hiện giàn khoan này và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.
Một ngày sau, giàn khoan Hải Dương 981 đã hạ đặt trái phép sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Hàng chục tàu của Trung Quốc cũng đi cùng để bảo vệ.
Sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 16/7/2014, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.