“Rổ rá cạp lại”
Nói chuyện với anh Nguyễn Tuấn Nghĩa (SN 1974, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tôi không cảm nhận được ở anh cái sự “điên” như nhiều người vẫn nhắc. Mà ở đó là một sự hiểu biết sâu xa về lẽ đời và cái “mùi” của cuộc sống mà anh chị đã trải qua.
Trải lòng về những năm tháng ấy, có lúc anh cười, có lúc anh lại lắc đầu trầm tư suy nghĩ. Năm lên 10 tuổi, anh Nghĩa bị tai nạn và bị ảnh hưởng vùng não. Học hết lớp 12, anh tự “quẳng” mình vào đời và trải qua hết nghề này, nghiệp nọ kiếm sống. Nhưng cuộc sống dường như không công bằng với anh nên anh vẫn sống dựa chủ yếu vào sự trợ cấp từ phía gia đình.
Trước khi tới với chị Mùi, trong 3 năm anh Nghĩa đã trải qua… 4 đời vợ. Anh nhớ lại, anh quen chị Mùi vào khoảng năm 2006. Thời gian đó, nhà anh ở phố Hàng Ngang (Hà Nội), thỉnh thoảng anh vẫn ra sông Hồng, đoạn chân cầu Long Biên để tập thể dục và ngồi thiền. Mỗi lần ra đó anh đều bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ tầm 40 tuổi cứ lúi húi nấu ăn cho các con ngay dưới chân cầu. Ba đứa con của chị: đứa lớn tên Minh (là con nuôi) ngồi trên võng, đứa con gái tên Thủy (SN 1999) chơi quanh quẩn bên mẹ, còn đứa con út tên Phả (lúc đó mới hơn 1 tuổi) bò chơi ở cầu không ai trông.
Anh sợ tai nạn xảy ra với đứa trẻ, anh thấy cám cảnh cho người mẹ ấy… và trong anh Nghĩa lúc đó có một sự “rung động” tới kì lạ. Và lúc này anh đã nguyện cầu, anh chỉ cần bên cạnh mình là một người sống hoang dã, bụi đời, họ không cần gì và bản thân anh cũng không cần gì ở cuộc sống này.
“Lúc tôi tới với Mùi là khi người chồng của Mùi là anh Trung còn sống. Tôi nghĩ mình có khả năng cảm hóa được con người, giúp họ sống lâu hoặc ít nhất anh ấy có thể có cách hiểu tích cực hơn để cho Mùi một cuộc sống mới. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế chứ không nhận thấy những khó khăn trước mặt và cũng không biết chồng Mùi là người nghiện ngập, thậm chí tôi cũng không quan tâm tới suy nghĩ của gia đình vì thực tế Mùi hơn tôi 10 tuổi. Lúc ấy Mùi còn một nách ba con”, anh Nghĩa tâm sự.
Mặc cảm về mình, chị Mùi ban đầu nghĩ, Nghĩa tới với mình chỉ là yêu thương đùa cợt chứ không phải xuất phát từ tình yêu. Nhưng bản thân anh Nghĩa lại khác, anh muốn hi sinh, muốn được làm nhiều điều cho người mẹ bất hạnh ấy vì chí ít anh cũng có thể cho mẹ con cô ấy một mái nhà chứ không phải cuộc sống tạm bợ, “màn trời chiếu đất”.
Và họ trở thành vợ chồng từ năm 2006. Minh được cho một gia đình khác, còn Thủy thì về sống cùng nhà ngoại ở Hải Dương.
Chữ tình của “mẹ điên”
Nói về nguyên nhân dẫn tới cái sự “điên” của chị Mùi, anh Nghĩa kể: Ngày đó, Mùi buôn bán hoa quả ở chợ Long Biên, rồi bán thuốc ở Quảng Ninh. Hàng ế, không có tiền trả tiền phòng nên không dám về phòng, chồng lại nghiện ngập lấy hết tiền rồi còn cả bị truy nã… bao nhiêu cái khổ đổ dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ ấy. Lúc ấy, Mùi đang mang thai thằng Phả sắp đến ngày sinh. Mùi nằm ngoài đường tưởng như đã chết may được người tốt đưa vào viện mới được mẹ tròn con vuông. Bấy nhiêu cái cực, bao nhiêu cái phải suy nghĩ khiến đầu óc Mùi mất dần sự tỉnh táo.
Nhiều người thương vì Mùi sống “hoang dã”, có lần thấy anh Nghĩa cởi trần, mặc quần đùi để tắm và tập thể dục, chị cũng bắt chước theo, thậm chí có lúc còn trần truồng. Anh Nghĩa cũng nhiều lần nhắc nhở nhưng những sự nhắc nhở của anh không thắng nổi cái “lì” trong chị. Và chị vẫn sống như thế trong rất nhiều năm tháng sau đó.
Theo anh Nghĩa, chị Mùi còn có cái “tật xấu” là không cần tiền. Nhiều người hàng xóm cho tiền, Mùi mang ra sông ném đi. “Tôi cũng bảo cô ấy là phải quý trọng đồng tiền vì có lúc còn cho con, cho cháu và cho những người khó khăn hơn. Đồng tiền còn có giá trị là vật trung gian để đổi lấy nhiều thứ khác. Từ đó Mùi mới biết quý trọng đồng tiền”, anh Nghĩa nói.
Khoảng tháng 9/2006, anh Nghĩa vào điều trị tại bệnh viện tâm thần, Mùi lại trở về với cuộc sống “hoang dã” ở cầu Long Biên và khắp các chợ tạm. Đầu năm 2007, Mùi biết tin tức chồng mình, Mùi chủ động tới thăm anh, mang thức ăn kiếm được hàng ngày tới chia sẻ cùng chồng. Thậm chí, hết giờ thăm, chị còn đứng ở cổng để đợi anh cùng về. Và tất nhiên vẫn trong bộ dạng của một người có cái đầu trọc, có khi là áo may ô, quần đùi có khi chẳng mặc gì. Cái tình của “mẹ điên” khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Chợt đứa con gái út chạy ra hỏi: “Bố ơi, hôm nay bố cho con ở nhà nhé”. Thấy bố lặng yên nhìn mình và chỉ nói một câu, nó chạy vào chỗ mẹ đang nằm ngủ và khoe rối rít: “Mẹ ơi, bố bảo bố đang nói chuyện”. Đứa bé ấy là Nguyễn Đức Hạnh (SN 2009), con chung của anh Nghĩa và chị Mùi. Thời điểm Đức Hạnh ra đời cũng chính là lúc người ta biết chắc một điều chị Mùi không bị nhiễm HIV như những nghi vấn trước đó.
Thấy tôi băn khoăn trước câu hỏi của bé Đức Hạnh, anh Nghĩa cười: “Tối nào tôi cũng đạp xe từ nhà ra cầu Long Biên tập thể dục, những hôm trời ấm thì cho con gái đi cùng. Còn về phần mẹ nó thì thỉnh thoảng vẫn đi ăn xin ở các chợ. Mùi thật thà và cũng hay chuyện. Mọi người hỏi nhà ở đâu thì Mùi bảo hiện tại đang sống cùng chồng trẻ ở chung cư nhưng vì đói nên phải đi ăn xin…”.
Nhưng tới nay, cả Phả, cả Đức Hạnh đều chưa một ngày được tới trường. Anh Nghĩa bảo, anh tự dạy học cho các con, tương lai các con là do anh tự đầu tư. Cũng có người bảo nên cho con đi học, kinh phí đóng góp họ sẽ lo toàn bộ để chúng nó khi ra đời cũng bằng chúng bằng bạn. Nhưng anh Nghĩa cũng chỉ cảm ơn…
Khi tôi hỏi cả Phả và Đức Nghĩa có muốn đi học không thì cả hai đều lắc đầu. Nhưng sau cái lắc đầu ấy lại là cái cúi đầu ngậm ngùi. Anh Nghĩa cũng có nói, có lần anh hỏi Phả có thích đi học không thì Phả bảo không nhưng những ngày sống cùng mẹ trong trại tâm thần, Phả lại bảo anh Nghĩa mua sách về cho mình học.
Và ẩn sâu trong đôi mắt thơ ngây của Phả là một nỗi buồn, một niềm trắc ẩn của đứa trẻ lên 10 nhưng đâu có được mấy ngày được sống trọn vẹn với tuổi thơ. Thậm chí như anh Nghĩa bảo, anh thương cả hai đứa con nhưng nếu nói không có sự so sánh thì chỉ là lý thuyết vì dù sao, ở Phả vẫn có sợi dây ngăn cách ở cái gọi là không cùng huyết thống...
Còn nữa...