"Mẹ điên" không còn sống cảnh “hoang dã” nơi cầu Long Biên

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Trong nhà “mẹ điên” là la liệt những chậu cây héo và tươi đủ loại, những “núi” giấy vụn, giẻ rách, thức ăn thừa. Giữa nhà, một sợi dây treo nặng trĩu các bài thơ...

6 năm trước, hai con người, một số phận, họ đã được tái hiện sống động qua lăng kính của Justin Maxon (còn gọi là Max Điên), sinh viên khoa Nhiếp ảnh ĐH San Francisco, California, Hoa Kỳ. Bằng cả tâm hồn và lòng trắc ẩn của mình, cậu sinh viên ngoại quốc ấy đã tái hiện lại cuộc sống “hoang dã” của mẹ con chị Lê Thị Mùi (SN 1964) và Trần Văn Phả khi đó mới lên 5 tuổi.


	Chị Mùi của hiện tại - ánh mắt chị đang ngóng chờ chồng con để cùng đi chơi ở bãi sông Hồng.

Chị Mùi của hiện tại - ánh mắt chị đang ngóng chờ chồng con để cùng đi chơi ở bãi sông Hồng.

Có lẽ hình ảnh hai mẹ con đầu trọc, có khi cả cơ thể được che chắn chỉ bởi chiếc quần cộc, có lúc chẳng lấy mảnh vải che thân đã không còn xa lạ với những người mưu sinh ở chân cầu Long Biên ngày đó. Nhiều người gọi chị Mùi là “mẹ điên”. Và người “mẹ điên” ấy đi ăn xin để sinh sống và nuôi con. Tình mẫu tử thiêng liêng luôn được mẹ con chị gói gọn trong tiếng cười.

Hai mẹ con chị Mùi và Phả (ảnh: Justin Maxon)
Hai mẹ con chị Mùi và Phả (ảnh: Justin Maxon)

Thời gian vẫn vô tình lướt qua những số phận đó, 6 năm sau, những bức ảnh ấy vẫn là niềm trắc ẩn của bao con người. Tôi mang theo những hình ảnh “trần truồng” này đi tìm mẹ con chị Mùi với mong mỏi tìm lại “mẹ điên” ở chính nơi mà có người đã nói: “Chị Mùi và đứa con đen nhẻm, trần truồng, ăn, ngủ, đi vệ sinh ở ngay bờ tường của đường dẫn lên cầu Long Biên, Hà Nội… Khi đó ai nói gì chị Mùi cũng không nghe”.

Nhưng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Trước đây chị Mùi vẫn thường trần truồng đi lại ở chân cầu Long Biên nhưng giờ họ đã không còn sống ở đây nữa. Cũng lâu rồi không ai ở đây thấy mẹ con họ trở lại. Chị ấy đã theo chồng cùng hai con sinh sống ở một nơi khác rồi. Nghe đâu chồng cũng bị điên”. Đó là câu trả lời của cả chú Tiến, chú Mạnh… những con người mà cả đời dường như gắn với bãi bồi dưới chân cầu Long Biên.

Theo chỉ dẫn của họ, tôi lại mang theo những hình ảnh ấy đi tiếp cung đường tìm kiếm “mẹ điên” của mình. “Cháu cứ lên đi rồi sẽ thấy cuộc sống của vợ chồng Mùi và Nghĩa”, ông Phạm Văn Sự, tổ trưởng tổ dân phố số 14, phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) gật gù khi tôi hỏi thăm về cuộc sống của gia đình chị Mùi.

Bỏ qua câu chuyện ông Sự kể về cuộc sống của hai vợ chồng chị Mùi, bỏ qua những hình ảnh “trần truồng” vốn có trong bức ảnh của anh sinh viên ngoại quốc năm nào, tôi tìm tới căn phòng ở khu đô thị Văn Quán, nơi chị Mùi đang sống cuộc sống có một mái nhà thực thụ.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về căn phòng 702, nơi có 4 con người “trọc đầu” đang sinh sống ấy là những hình ảnh Phật bà Quan Âm, Quan Vân Trường lẫn hình những cô gái và cả những chữ linh tinh vô nghĩa dán đầy ngoài cửa. Ở đó có cả lời nhắn: “Nguyễn Tuấn Nghĩa: Tôi miễn tiếp khách loại trừ cô Trang như đã hứa!”.

Cửa phòng căn hộ nơi chị Mùi đang sống cùng chồng và hai đứa con
Cửa phòng căn hộ nơi chị Mùi đang sống cùng chồng và hai đứa con

Một người phụ nữ trạc 60 tuổi bước tới gần hơn căn hộ của “mẹ điên”, trên tay là túi nilon trong có cơm, ít thức ăn đã được gói gọn. Cửa mở, hai cái đầu trọc ló ra: “Bố mẹ cháu có nhà ạ!”, tiếp sau đó là một “đầu trọc” khác lớn tuổi hơn xuất hiện. Đó là chị Mùi và hai đứa con: Trần Văn Phả và Nguyễn Đức Hạnh.

Phả vẫn với cái đầu trọc nhưng không còn là cậu bé trần truồng của năm nào. Thế nhưng trong ánh mắt ấy, tôi cảm nhận nỗi buồn của đứa trẻ mới lên 10 sống nay đây mai đó, chưa một ngày được tới trường.

Chị Mùi nhận túi cơm của người hàng xóm tốt bụng và không quên cảm ơn họ. Lâu nay gia đình chị vẫn sống một phần nhờ những người tốt bụng như vậy. Khi gia đình chị không ai có nhà, những người tốt bụng ấy lại treo túi cơm, túi thức ăn ở cánh cửa.

Trong nhà anh chỉ còn một lối rất nhỏ để đi

Trong nhà chị Mùi chỉ còn một lối rất nhỏ để đi.

Bước vào phòng gia đình anh Nguyễn Tuấn Nghĩa và chị Lê Thị Mùi đang sinh sống, tôi chợt nhớ lại lời của ông Sự, tổ trưởng tổ dân phố 14: “Trong nhà họ chất đầy tranh ảnh, cây cối… đủ mọi thứ. Lối đi chỉ rộng chừng bằng cánh tay”. Ba lô trên vai, tôi cũng phải cố lách người đi qua cái lối nhỏ ấy để tới chỗ anh Nghĩa ngồi. Anh đang nhặt từng hạt cơm trong túi nilon để cho vào nồi.

Anh Nghĩa và hai đứa con. Xung quanh là rất nhiều phế phẩm mà anh

Anh Nghĩa và hai đứa con. Xung quanh là rất nhiều phế phẩm mà anh "sưu tầm" về.

Ngôi nhà anh như một xã hội thu nhỏ với đủ vật từ phế phẩm tới tranh ảnh, la liệt những chậu cây héo và tươi có đủ, một chậu nước to trong đó có con rùa và mấy con cá đang bơi, những “núi” giấy vụn, giẻ rách, thức ăn thừa chất khắp nơi trong nhà. Giữa nhà, một sợi dây treo nặng trĩu các bài thơ thẩn, tuyên ngôn huấn dụ... 8 con mèo chạy loanh quanh.

Chị Mùi đi ra định nấu ăn, anh Nghĩa chỉ nhắc khẽ: “Em vào trong để anh nói chuyện với cô”. Qua cách xưng hô rất đỗi ngọt ngào của anh dành cho người vợ hơn mình tới 10 tuổi mà nhiều người còn cho là bị điên, tôi chợt cảm nhận niềm hạnh phúc nhỏ trong ngôi nhà ấy.

Trời se lạnh, nhưng cả 4 người vẫn chỉ mặc áo may ô, cái quần cộc. Anh Nghĩa cười khi tôi thắc mắc anh chị có lạnh hay không: “Cũng có lạnh chứ nhưng khi lạnh thì tôi đóng cửa lại”. Rồi anh chỉ lên cái đầu trọc của mình: “Để như thế cho tiện vệ sinh và mình cũng là người theo đạo Phật”…

Câu chuyện tình của người "mẹ điên" với chàng "phi công trẻ"  "bén lửa" ra sao? Tổ ấm được họ vun đắp theo thời gian như thế nào? Mời quý độc giả theo dõi kỳ sau của cuốn tiểu thuyết giữa đời thường này...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại