Tiến sĩ 8X với đam mê nghiên cứu tăng trưởng xanh

Thiên Di |

(Soha.vn) - Trăn trở với vấn đề suy thoái môi trường, ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng, Tiến sĩ trẻ Hoàng Khắc Lịch dồn tâm huyết vào nghiên cứu khoa học về tăng trưởng và môi trường nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sinh năm 1983, nhận bằng Tiến sĩ ngành Kinh Tế Học ở Thái Lan khi mới 29 tuổi, Tiến sĩ Hoàng Khắc Lịch vẫn chỉ dám nhận mình là một người bình thường như bao người khác. Sau khi từ chối lời mời ở lại Thái Lan làm việc, anh về nước công tác và hiện đang là giảng viên khoa Kinh Tế, trường ĐH Thương Mại.

Nghiên cứu khoa học là “đam mê cháy bỏng”

Tiến sĩ 8X chia sẻ, niềm đam mê ấy bắt đầu từ quãng thời gian hơn 4 năm học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư người Pháp, Frederic Tournemaine, tại Đại học Phòng Thương Mại Thái Lan. Với anh, đó vừa là người thầy, vừa là một người bạn lớn và là một tấm gương sáng để noi theo.

Tiến sỹ trẻ Hoàng Khắc Lịch - giảng viên Trường ĐH Thương Mại. Anh nhận bằng tiến sỹ tại Thái khi 29 tuổi.

Tiến sỹ trẻ Hoàng Khắc Lịch - giảng viên Trường ĐH Thương Mại. Anh nhận bằng tiến sỹ tại Thái khi 29 tuổi.

Tiến sỹ trẻ Hoàng Khắc Lịch - giảng viên Trường ĐH Thương Mại. Anh nhận bằng tiến sỹ tại Thái khi 29 tuổi.

“Tôi đã từng ăn ngủ ở nhà thầy để có nhiều thời gian cùng thầy nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến tăng trưởng với môi trường. Thầy đã dìu dắt tôi trong từng bước đi trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học. Chính sự tận tụy, chân tình của vị Giáo sư đáng kính ấy là nguồn động viên lớn và khơi dậy đam mê trong tôi”, TS Hoàng Khắc Lịch nhớ lại.

Anh cũng cho biết, làm nghiên cứu khoa học cần phải có tính sáng tạo và kiên trì đến cùng. Bên cạnh đó, người làm khoa học cũng cần phải tích cực trao đổi học thuật với đồng nghiệp để có được những góp ý nhằm hoàn thiện các đề tài nghiên cứu.

Hơn 4 năm nghiên cứu bên Thái Lan, anh đã học được nhiều bài học về lòng kiên trì và tính cách của người Thái.

Hơn 4 năm nghiên cứu bên Thái Lan, anh đã học được nhiều bài học về lòng kiên trì và tính cách của người Thái.

Nếu ai đó không có những phẩm chất này, thì có thể họ sẽ không bao giờ nhìn thấy được thành quả của mình cho dù đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào đó. Một bài nghiên cứu có chất lượng tốt được thực hiện, nếu thuận lợi, cũng mất hàng tháng, và có bài phải tập trung làm trong cả năm trời mà chưa chắc đã xong.

TS Lịch dẫn chứng: “Có những thời điểm tôi làm việc liên tục từ sáng đến tối tại trung tâm nghiên cứu. Nghỉ ăn trưa có 30 phút nhưng trong đầu khi nào cũng nghĩ đến vấn đề đang thực hiện. Nhiều lần nằm xuống định đi ngủ, trong đầu chợt lóe lên ý tưởng mới, tôi lập tức bật dậy và làm việc đến sáng hôm sau. Thậm chí, có lần ngủ mơ tôi cũng nghĩ về đề tài…”.

Nhìn nhận về khả năng nghiên cứu khoa học ở trong nước, TS Khắc Lịch cho rằng: “Hiện nay đang có một rào cản lớn đối với những người làm khoa học. Đó chính là thu nhập thấp dẫn đến ít người giữ được nhiệt huyết và sẵn sàng đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu”.

Mặc dù vậy, với niềm đam mê và niềm tin, TS Khắc Lịch rất tâm huyết với lý tưởng của mình: “Tôi luôn cố gắng để có thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học để đóng góp cho sự phát triển xã hội, và củng cố kiến thức của chính bản thân mình nhằm phục vụ cho công việc giảng dạy trên lớp. Tôi sẽ không dừng lại, sẽ tiếp tục nghiên cứu chừng nào sự phát triển của đất nước vẫn còn những khó khăn”.

Trăn trở về tăng trưởng xanh

Vấn đề môi trường là một trong ba vấn đề cần quan tâm lớn nhất của tất cả các quốc gia trong sự nghiệp phát triển bền vững. Nhận thấy Việt Nam, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cân đối mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, chàng tiến sĩ trẻ tuổi đâm đầu vào nghiên cứu lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Là người trẻ, anh luôn trăn trở về vấn đề môi trường và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Là người trẻ, anh luôn trăn trở về vấn đề môi trường và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Dư luận không thể quên vụ ô nhiễm nguồn nước từ việc xả nước thải độc hại ra sông của công ty Miwon, Vedan; hay sự kiện Công ty Cổ phần Masan PQ (Kiên Giang) chuyên sản xuất nước mắm hoạt động gần một năm nhưng không hề có hệ thống xử lý nước thải… gây ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng nghìn người dân sống trong khu vực đó.

Là một người chuyên nghiên cứu về tăng trưởng xanh, TS Khắc Lịch lý giải về hệ quả này: “Để thu hút các nguồn vốn đầu tư, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển cố gắng duy trì những tiêu chuẩn thấp về chất lượng môi trường, cộng với công tác cải tạo và quản lý môi trường chưa tương xứng với sự mở rộng của các hoạt động kinh tế. Điều này dẫn đến môi trường sống của chúng ta có xu hướng xuống cấp nhanh chóng cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế là điều dễ hiểu”.

Trước thực trạng như vậy, Tiến sĩ nhấn mạnh: “Trong số những lợi thế cạnh tranh quốc gia để thu hút vốn đầu tư, bên cạnh các tiêu chuẩn thấp về chất lượng môi trường, chúng ta còn nhiều lợi thế khác, ví dụ như nguồn lao động rất dồi dào, chăm chỉ, sáng tạo và ham học hỏi. Nếu biết phát huy và khai thác tốt các lợi thế khác đó thì Việt Nam vừa có thể duy trì sức hấp dẫn đầu tư, vừa tăng cường được các hoạt động bảo vệ môi trường.

Sự nghiệp tăng trưởng xanh không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà phải coi đó là trách nhiệm của tất cả người dân và doanh nghiệp. Trong tình hình này, người dân cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần đề cao yếu tố giá trị đạo đức trong kinh doanh và Nhà nước cần phải tạo hành lang cơ chế và chính sách để những nỗ lực của cả xã hội đạt hiệu quả cao trong sự nghiệp đó”.

Tiến sĩ Hoàng Khắc Lịch sinh năm 1983 tại Diễn Châu, Nghệ An. Anh có bằng Tiến sĩ ngành Kinh tế học ở Thái Lan khi chỉ mới 29 tuổi. Sau thời gian học tập tại nước ngoài, anh trở về Việt Nam với mong ước được đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của nền khoa học trong nước.

Lĩnh vực khoa học mà anh quan tâm là về mối quan hệ giữa tăng trưởng, môi trường, bất bình đẳng và xóa đói giảm nghèo. Cho đến nay, anh đã có 02 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong lĩnh vực tăng trưởng và môi trường. Anh cho rằng các quốc gia đang phát triển vẫn có thể đảm bảo được một môi trường xanh song song với quá trình tăng trưởng kinh tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại