Thủ tướng nhấn mạnh 3 điểm quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trương Trọng Nghĩa... về vấn đề chủ quyền, biển đảo, quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:
"Về tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với Quốc hội quan điểm, lập trường, chủ trương với Đảng, Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực nhưng cũng còn không ít khó khăn thách thức.
Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, đối với những vấn đề này các ĐB đã nêu ở hội trường".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 điểm quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
“Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng quan hệ hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả mọi lĩnh vực.
Đồng thời chúng ta kiên quyết đấu tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.
Nhất là công ước về luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, các cam kết khu vực, nhất là DOC, tuyên bố ASEAN – Trung Quốc ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông.
Thứ ba, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phải tăng cường khối đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc; phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta.
Gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển, bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Ngay sau đó, Thủ tướng xin phép Quốc hội được dừng phần chất vấn và trả lời chất vấn của mình. Đồng thời, các câu trả lời chất vấn sẽ được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Sau phát biểu kết luận phần chất vấn, trả lời của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì đến 10 giờ 23 phút, Quốc hội kết thúc phần chất vấn, trả lời chất vấn và nghỉ buổi sáng.
Hai ngày qua, đã có 18 đại biểu với 27 câu hỏi chất vấn trực tiếp về những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền lãnh thổ, tham nhũng, lãng phí, hàng giả, hàng nhái, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... đã được gửi đến Thủ tướng.
Đúng 9h sáng, sau các phần trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời, làm rõ thêm các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.
Báo cáo và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong tháng 10 và tháng 11, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng khoảng 0,1 – 0,2%, 11 tháng tăng 0,6 – 0,7%, ước cả năm tăng dưới 2%. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 14,5 – 15%, cả năm tăng trên 17%.
Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7 triệu lượt. Có gần 87 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 27,9% về số doanh nghiệp và 36,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; khoảng 18,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 33,7%...
Tuy còn không ít khó khăn hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.
Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%
Làm gì để phân cấp rõ trách nhiệm của Chính phủ và địa phương
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời 3 câu hỏi của ĐBQH Trần Du Lịch chất vấn tại hội trường thấy nhiều việc thuộc trách nhiệm địa phương?
Vậy chúng ta có nên làm gì để phân cấp rõ trách nhiệm của Chính phủ và địa phương để giải quyết vấn đề của địa phương ngay ở hội trường Quốc hội?
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, QH đã thảo luận và ban hành một số luật liên quan đến vấn đề này nhưng chưa có hiệu lực ngay nên không cần ban hành một luật riêng nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chỉ cần cố gắng thực hiện tốt Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương xem trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, trách nhiệm của địa phương đến đâu.
“Phân cấp gì thì phân cấp nhưng trách nhiệm của cơ quan hành pháp tối cao vẫn là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Địa phương làm sai thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm sau đó địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vậy nên Quốc hội không cần làm thêm luật này” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cứ oan sai là lấy tiền ngân sách bồi thường?
Liên quan đến câu hỏi ĐB Trần Du Lịch hỏi về việc phân biệt của cá nhân hay công vụ trong xử lý oan sai, ĐB cũng hỏi nếu bồi thường oan sai thì có phân biệt không hay cứ lấy tiền ngân sách bồi thường. Việc này luật có bổ sung gì không?
Giải đáp thắc mắc của ông Lịch, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những luật liên quan đến bồi thường đã có phân biệt khá rõ lỗi nào do cá nhân, lỗi nào do cá nhân nhưng cố ý, do trình độ, năng lực, lỗi nào do công tác xét xử từ điều tra tới truy tố.
Toà án là cơ quan xét xử cuối cùng, thực hiện quyền tư pháp theo luật mới về tổ chức toà án, trong đó có xét xử bồi thường thì toà án phân định.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Luật toà án, Luật Viện kiểm sát, và sắp có luật cơ quan điều tra đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Trong cá nhân có phân biệt do yếu kém hay cố ý, có cả hình sự không chỉ bồi thường.
“Các luật Quốc hội ban hành đã quy định tương đối đủ, tương đối rõ ràng. Vì vậy chưa cần đề xuất bổ sung gì thêm vào luật này, trong quá trình làm có gì xuất hiện thì chúng ta cùng nhau nghiên cứu thêm”, Chủ tịch QH nói.
ĐB Lịch cũng bày tỏ băn khoăn về quy trình ban hành khi luật hầu hết do Chính phủ đề xuất, nhưng có luật nói mãi tại diễn đàn mà Chính phủ chưa đề xuất như luật DN vừa và nhỏ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, cổ phần.
Đại biểu cho rằng trình và thông qua luật chưa tốt, vậy có cần bổ sung gì không?
Về vấn đề này, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay quy trình làm luật người đề xuất là đại biểu, Uỷ ban, Mặt trận, Hội đồng Dân tộc, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chánh án, Viện trưởng và cơ quan tổ chức chính quyền khác, vậy nên quy trình rất rộng.
“Chính phủ là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, trình luật để QH ban hành, đây là chủ thể quan trọng vì là cơ quan hành pháp, trong hành pháp thực tiễn đòi hỏi rất thực tiễn, nhiều lĩnh vực.
Đây là chủ thể chính hiện nay, các chủ thể khác vẫn có đề xuất, nhưng đề xuất từ cá nhân một đại biểu thì quy trình có quy định nhưng chưa có đại biểu nào đề xuất sáng kiến luật nào cả.
Về luật pháp không cần bổ sung gì nữa, vấn đề là tổ chức thực hiện cho tốt” – Chủ tịch QH nói.