Tâm lý “sợ” CSGT
Ngày 10/1, Thượng tá Trần Thanh Trà - Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM (PC67), cho biết, kể từ ngày 1/1/2013, áp dụng Thông tư 65, 66 và 45 (ban hành ngày 27/7/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của TPHCM và cả nước nói chung, khi mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát trên ngực trái mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý.
Theo thông tư 45 của Bộ Công an quy định về biển hiệu và giấy chứng nhận tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT, những cán bộ chiến sĩ CSGT không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều vi phạm quy định của ngành.
Những quy định trong Thông tư 45 đồng nghĩa với việc người dân có quyền “kiểm tra” thẻ của CSGT và yêu cầu CSGT phải xuất trình giấy chứng nhận tuần tra. Đây là quyền chính đáng của công dân.
Tuy nhiên, trên thực tế rất ít người khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ “dám” yêu cầu CSGT xuất trình giấy chứng nhận tuần tra và kiểm tra thẻ đeo trên ngực của CSGT. Lý do mà tất cả đưa ra đó là do… sợ.
Nguyễn Văn Hào, sinh viên năm cuối Viện ĐH Mở Hà Nội kể: “Thỉnh thoảng đi xe em cũng bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ xe, có khi là ngẫu nhiên thôi. Đường vắng, em đi đúng làn đường, đúng tốc độ quy định, đội mũ bảo hiểm nhưng không hiểu sao vẫn bị CSGT tuýt còi yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Khi em hỏi lý do thì được trả lời là: Anh có dấu hiệu… khả nghi”.
Cũng theo Hào, những lần bị kiểm tra “bất thình lình” như thế thường khiến chủ phương tiện bất ngờ và lo lắng.
“Dù biết mình không mắc lỗi gì về giao thông nhưng thấy CSGT yêu cầu dừng xe em vẫn cảm thấy lo lắng. Lúc đó tâm lý chung là sợ mình mắc lỗi gì đó và sợ cả CSGT. Dù CSGT chưa nói gì thì mình đã xin lỗi trước rồi, đâu dám nhìn thẻ hay yêu cầu họ xuất trình giấy tờ gì khác nữa. Biết đâu mình mắc lỗi thật, yêu cầu họ xuất giấy chứng nhận tuần tra, họ mếch lòng lại… xử phạt nặng hơn thì sao”, Hào tâm sự.
Cùng chung tâm lý như trên, anh Lê Văn Thành (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng thực sự anh rất ngại gặp “chuyện lôi thôi” khi bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ.
“Thôi thì chưa biết đúng hay sai, bị tuýt còi để kiểm tra giấy tờ xe thì cứ “xin lỗi” trước, nếu có lỗi thì nộp phạt, không có lỗi thì đi. Chứ yêu cầu CSGT xuất trình giấy tờ này kia thì… lằng nhằng lắm”, anh Thành nói.
Được biết, không chỉ riêng Hào mà đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều người dân khi tham gia giao thông hiện nay.
“Tâm lý sợ CSGT là do thói quen”
Lý giải về nguyên nhân khiến người dân xuất hiện tâm lý “sợ” CSGT như hiện nay, chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa (Công ty tư vấn tâm lý và tình cảm Linh Tâm) cho rằng đó là do hậu quả của một thói quen kéo dài.
“Đó là hậu quả do thói quen kéo dài của người dân, đó là thói quen trong tư duy và cách nhìn nhận vấn đề. Rằng cứ cái gì liên quan đến công an là sai, là phạm pháp, là phạm tội. CSGT yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì nghĩ ngay đó là do mình đã vi phạm mà quên mất rằng có thể mình không hề vi phạm mà CSGT kiểm tra giấy tờ phương tiện chỉ là do nhiệm vụ họ phải làm”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, thường thì khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, dù vi phạm hay không vi phạm, hầu hết người dân đều xuất hiện tâm lý lo sợ, ngại phiền phức, nên nảy sinh ra xin xỏ, thậm chí hối lộ này khác,…
“Đó là do người dân chưa nhận thức được quyền công dân chính đáng của mình, chưa quen với dân chủ. Nhiều người nghĩ: Bị bắt chắc là mình phải vi phạm lỗi gì đây, thôi thì xin xỏ cho nhanh, dại gì mà còn yêu cầu CSGT xuất trình giấy tờ, họ cho đi là may phúc lắm rồi, biết đâu họ mếch lòng lại phạt nặng hơn… Đó là suy nghĩ sai lầm.
Phải tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về quyền và lợi ích chính đáng của mình, thực hiện quyền của mình cũng là làm tròn nghĩa vụ công dân, là giúp cho CSGT làm tốt hơn, hạn chế những tiêu cực”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định.