Thông tư 45: “Quyền lợi người tham gia giao thông không được đảm bảo”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Phạm vi nội dung của Thông tư 45 chỉ áp dụng đối với lực lượng CSGT, không có quy định áp dụng đối với lực lượng cảnh sát khác khi hỗ trợ CSGT trong một số tình huống đặc biệt nên chưa phân định rạch ròi được trách nhiệm, quyền hạn của các bên.

“Chưa phân định rạch ròi về quyền hạn”

Liên quan đến một số quy định trong Thông tư 45 của Bộ Công an áp dụng đối với CSGT, Luật sư Phạm Tiến Quyển (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho rằng nội dung của những quy định trong Thông tư 45 chưa phân định được rạch ròi về quyền hạn và trách nhiệm của từng bên trong vấn đề tham gia xử lý vi phạm giao thông.

LS Phạm Tiến Quyển cho rằng: “Hạn chế lớn nhất của Thông tư 45 đó chính là về phương diện phạm vi điều chỉnh áp dụng. Ở đây, phạm vi điều chỉnh và áp dụng chỉ tiến hành với lực lượng CSGT mà thiếu những quy định bổ sung đối với các lực lượng khác.

Thông tư 45 không có quy định áp dụng đối với lực lượng cảnh sát khác khi hỗ trợ CSGT trong một số tình huống đặc biệt nên chưa phân định rạch ròi được trách nhiệm, quyền hạn của các bên.
Thông tư 45 không có quy định áp dụng đối với lực lượng cảnh sát khác khi hỗ trợ CSGT trong một số tình huống đặc biệt nên chưa phân định rạch ròi được trách nhiệm, quyền hạn của các bên.

Trong một số tình huống đặc biệt, các lực lượng khác như cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát hình sự,… vẫn có thể phối hợp cùng CSGT trong việc trấn áp và xử lý tội phạm về giao thông. Vấn đề là quy định như thế nào về phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng này?”.

Theo LS Phạm Tiến Quyển, việc các lực lượng khác cùng tham gia phối hợp với CSGT trong việc giữ gìn an ninh trật tự và trấn áp tội phạm là cần thiết, song vì liên quan đến cả vấn đề xử lý vi phạm giao thông nên cũng phải có quy định rõ ràng về quyền hạn của lực lượng này.

“Ví dụ như khi trên đường, lực lượng cảnh sát 141, 113, cảnh sát hình sự,… chỉ được phép xử lý những vi phạm khác, còn kiểm tra giấy tờ và xử lý vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện phải là quyền và trách nhiệm của CSGT, lực lượng cảnh sát khác không có quyền trong việc này,… những vấn đề này cần được cụ thể hóa bằng các quy định. Nhưng trong Thông tư 45 không thấy đề cập đến”, LS Quyển cho biết.

Phạm vi Thông tư 45 chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.
Phạm vi Thông tư 45 chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.

Cũng theo LS Phạm Tiến Quyển, hiện nay vì không có những quy định cụ thể mang tính phân định rạch ròi nên trong quá trình thực hiện, nhiều khi vẫn xảy ra trường hợp “lạm quyền”.

“Cụ thể là trong một số trường hợp, thay vì CSGT kiểm tra giấy tờ và xử lý vi phạm thì cảnh sát 113 lại đứng ra… “xử lý hộ”. Khi người tham gia giao thông thắc mắc thì lại được giải thích: chúng tôi trong tổ chức cảnh sát liên ngành 141 nên chúng tôi… có quyền (!), gây nên sự khó hiểu cho người dân”, LS Quyển phân tích.

Ngoài ra, LS Phạm Tiến Quyển cho rằng: “Hệ quả của việc thiếu những quy định mag tính phân định quyền hạn và trách nhiệm trên là quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tham gia giao thông không được đảm bảo. Trong một số trường hợp, việc yêu cầu dừng các phương tiện giao thông rồi “cố soi” và “bắt cho ra lỗi” thực tế đã gây thêm những khó khăn cho người tham gia giao thông nói riêng và việc lưu thông trên đường nói chung”.

Xử lý vi phạm giao thông: Chỉ CSGT mới có quyền

Về trách nhiệm và quyền hạn khi xử lý những sai phạm về giao thông, Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, Hà Nội) khẳng định: “Chỉ CSGT mới có quyền kiểm tra và xử phạt vi phạm giao thông, các lực lượng cảnh sát khác không có quyền này. Nếu cảnh sát 113, cảnh sát hình sự,… mà xử lý vi phạm giao thông là hoàn toàn làm sai luật”.

Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật Vì Dân, Hà Nội):
Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật Vì Dân, Hà Nội): "Chỉ CSGT mới có quyền xử lý vi phạm giao thông".

“Các lực lượng khác như cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát hình sự,… chỉ được quyền hỗ trợ CSGT trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ như tội phạm hình sự, đối tượng có dấu hiệu khả nghi, những đối tượng này khi CSGT yêu cầu dừng xe mà không dừng, bỏ chạy; hoặc một số đối tượng có hành vi bất hợp tác, chống đối lại CSGT, có hành vi buộc phải xử theo luật khác ngoài Luật Giao thông đường bộ thì cảnh sát hình sự, cảnh sát phản ứng nhanh mới có quyền xử lý”, LS Trần Đình Triển phân tích.

Cũng theo LS Trần Đình Triển, những nội dung của quy định trong Thông tư 45 của Bộ Công an áp dụng đối với lực lượng CSGT là “cần thiết” và “không sai”.

“Theo tôi, những quy định trong Thông tư 45 của Bộ Công an áp dụng với lực lượng CSGT là cần thiết và không sai. Cần thiết vì đây là cơ sở pháp lý bằng văn bản cụ thể quy định về trách nhiệm, quyền hạn của CSGT, tránh tình trạng lạm quyền khi thực hiện nhiệm vụ.

Nội dung những quy định trong Thông tư 45 không sai. Nếu có sai thì đó là do người thực hiện làm sai, khi đưa Thông tư 45 thực tế đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai để… làm sai”, LS Trần Đình Triển cho biết.

Theo LS Trần Đình Triển, hiện tượng “lạm quyền” trong khi thực hiện nhiệm vụ của CSGT hiện nay là khá phổ biến. Thêm vào đó, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, lại không nắm vững về các điều khoản quy định trong luật, nghị định, thông tư nên trong quá trình xử lý vi phạm giao thông rất dễ xảy ra những tiêu cực như xin xỏ, hối lộ CSGT,…

Điều 10 của Thông tư 45/2012/TT-BCA (ban hành ngày 27/7/2012, có hiệu lực từ ngày 12/9/2012 và áp dụng vào thực tế từ ngày 1/1/2013) quy định về “Trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận” như sau:

- Phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu;

- Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.

Tuy nhiên, Thông tư 45 không có quy định áp dụng đối với lực lượng cảnh sát khác khi hỗ trợ CSGT trong một số tình huống đặc biệt nên chưa phân định rạch ròi được trách nhiệm, quyền hạn của các bên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại