Thông tư 45 của Bộ Công an: Hiểu theo cách nào mới... đúng?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Thông tư 45 của Bộ Công an được xem là sự cụ thể hóa từ những quy định đã có từ trước đó. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào áp dụng, có ý kiến cho rằng quy định trong Thông tư 45 vẫn chưa thực sự thống nhất về cách hiểu.

“Dẫm chân” lên nhau?

Thông tư 45 do Bộ Công an ban hành đã có hiệu lực từ ngày 12/9/2012. Tuy nhiên đến ngày 01/01/2013 thì mẫu Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra theo quy định đã cấp trước đây mới hết hiệu lực. Chính vì thế, phải từ ngày 1/1/2013, những quy định trong Thông tư 45 mới thực sự được áp dụng thực hiện trong thực tế.

Thông tư 45 của Bộ Công an được xem là sự cụ thể hóa từ những nội dung quy định đã có từ trước đó, trong đó quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, phạm vi quyền hạn… của CSGT.

Một trong những nội dung khiến dư luận quan tâm trong Thông tư 45 chính là quy định chỉ có những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (do Bộ Công an cấp) trên ngực trái mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý.

Thẻ xanh theo quy định mới của Bộ Công an.
Thẻ xanh theo quy định mới của Bộ Công an.

Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những CSGT được cấp thẻ này phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch.

Tuy nhiên, sau khi Thông tư 45 được đưa vào áp dụng, đã nảy sinh những bất cập.

Anh N.Q.L (Hà Nội) cho biết, dù trong Thông tư 45 quy định chỉ CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (do Bộ Công an cấp) trên ngực trái mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý nhưng trên thực tế, anh vẫn bị CSGT không đeo bảng hiệu màu xanh, thậm chí cả lực lượng và lực lượng khác, không phải CSGT, không mang bảng hiệu xanh yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ.

“Cách đây mấy hôm, trong lúc đi đường, tôi bị hai CSGT không đeo bảng hiệu màu xanh như Bộ Công an đã quy định nhưng vẫn tuýt còi ra hiệu cho tôi dừng xe để kiểm tra giấy tờ.

Khi tôi hỏi thì được giải thích: Chúng tôi trong tổ công tác liên ngành 141, chúng tôi nhận được tin báo ở tuyến trên anh có dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu anh dừng xe để kiểm tra. Yêu cầu anh nghiêm túc hợp tác…”, anh L kể.

Theo anh L, sau khi kiểm tra giấy tờ và bằng lái xong, do không vi phạm lỗi gì nên anh đã được cho đi ngay sau đó. Tuy nhiên điều này khiến anh “rất khó hiểu”.

“Đành rằng trong Thông tư 45 đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của CSGT như thế, nhưng CSGT thuộc lực lượng 141 dù không đeo bảng hiệu nhưng vẫn có quyền kiểm tra xe, thế thì khác gì quy định đã ‘dẫm chân’ lên nhau?”, anh L nói.

Phải hiểu Thông tư 45 thế nào mới là… đúng?

Về nội dung của quy định trong Thông tư 45 của Bộ Công an, hiện nay, đa số dư luận (trong đó có báo chí) đều hiểu theo nghĩa CSGT phải đeo thẻ xanh (loại mới do Bộ Công an cấp) mới được yêu cầu dừng xe và xử lý vi phạm. Ngoài ra, ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành.

Bảng hiệu màu xanh (mẫu mới) là quy định về hình thức đồng phục của CSGT khi tham gia tuần tra. Nếu vi phạm quy định về hình thức này, CSGT sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.

Nhiều người cho rằng Thông tư 45 chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.
Nhiều người cho rằng Thông tư 45 chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.

Trong Khoản 3, Điều 9 Thông tư 65 của Bộ Công an quy định: Khi tuần tra, CSGT phải sử dụng trang phục đúng theo quy định của Bộ Công an. Tuy nhiên, Thông tư 65 lại không có quy định về hình thức xử lý trong trường hợp CSGT không đeo thẻ, vì vậy không có cơ sở để cho rằng nếu CSGT không đeo thẻ thì không được quyền dừng xe người tham gia giao thông để kiểm tra.

Về nguyên tắc, việc xử phạt hành chính chỉ phải tuân thủ 2 điều kiện: thẩm quyền và thủ tục (Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002) nên việc vi phạm về hình thức trang phục không làm ảnh hưởng tới thẩm quyền xử lý vi phạm của CSGT vì thiếu các văn bản quy định cụ thể khác.

Từ những quy định có vẻ “lỏng lẻo” trên sẽ dẫn đến hệ quả là người tham gia giao thông vẫn có nghĩa vụ phải hợp tác với CSGT nếu được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.

Bởi vậy, nếu tiến hành theo đúng thủ tục thì việc xử lý vi phạm của CSGT sẽ vẫn được coi là hợp pháp, dù… “quên” đeo bảng hiệu (!)

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng về bản chất, dường như Thông tư 45 chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông? Và phải hiểu nội dung quy định trong Thông tư 45 theo cách nào mới… đúng?

Đại tá Nguyễn Kim Hải – Phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết, trước khi Thông tư 45 có hiệu lực, lực lượng CSGT các địa phương đã được tập huấn, quán triệt nội dung của thông tư.

Theo ông Hải, quy định của Thông tư 45 nhằm tránh tình trạng cảnh sát lạm quyền, chặn xe trên đường.

Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Kim Hải cho rằng trong một số tình huống nhất định thì lực lượng cảnh sát khác cũng được dừng phương tiện nhưng phải phối hợp với lực lượng giao thông, tuy nhiên đây là các tình huống bắt quả tang, có dấu hiệu tội phạm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại