LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.
Bài 1: Flappy Bird khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông
Bài 2: Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?
Bài 3: Ông Nguyễn Tử Quảng: Nguyễn Hà Đông đã “trúng số độc đắc”
Chia sẻ về việc báo chí khai thác các thông tin xung quanh cuộc sống, gia cảnh của Nguyễn Hà Đông "cha đẻ" của trò chơi Flappy Bird đang gây "sốt" trên toàn, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc tư vấn chiến lược truyền thông, Công ty Le Bros cho rằng, việc săn thông tin về người nổi tiếng là hoàn toàn bình thường và vấn đề còn lại chính là ở người trong cuộc.
"Tôi thấy việc săn thông tin của người nổi tiếng của giới truyền thông là việc không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề còn lại là người trong cuộc cần có cách ứng xử phù hợp trước làn sóng dư luận: hoặc cởi mở cung cấp thông tin hoặc đóng cửa hoàn toàn không trả lời phỏng vấn.
Mọi chuyện sẽ tự khắc trôi đi. Sự việc Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông làm tôi nhớ đến bộ phim Social Media (về sự ra đời của Facebook). Để quản lý được thành công (vật chất, danh tiếng), cái người ta cần là sự tư vấn của 3 người: chuyên gia tài chính, luật sư và chuyên gia PR. Nếu có những sự tư vấn này, tôi cho rằng phản ứng của tác giả game sẽ khác: anh không đơn độc.
Tôi không đặt vấn đề đạo đức trong việc săn tin nhưng có một tiêu chí lúc nào cũng cần tôn trọng đó là sự thật. Không nên chụp mũ người khác khi chính mình chưa tìm hiểu thấu đáo. Báo chí nên đưa ra những cái nhìn khác nhau, khách quan và hỏi ý kiến chuyên gia có uy tín, có tâm", ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, hoàn toàn có thể hiểu cho báo chí trong việc đăng tải các thông tin về thuê hay bản quyền liên quan đến Flappy Bird của Hà Đông.
"Đó là việc của báo chí, không trách được vì trong thời buổi cạnh tranh này, họ phải tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên sự thật cần được tôn trọng. Không nên chụp mũ cho anh kia.
Phần còn lại là môi trường ở VN thiếu chuyên nghiệp nên người viết chương trình lại cũng phải là người PR, xử lý quan hệ báo chí, quản lý tài chính, làm hợp đồng,… quá nhiều trong một. Chính vì vậy sai sót dễ xảy ra và sự việc của Hà Đông là một ví dụ điển hình", ông Thành nói.
Nhận định về lỗi trong sự "khai tử" Flappy Bird của Hà Đông, ông Thành nhấn mạnh: "Đó là một quyết định mà mỗi bên liên quan có sai lầm 1 chút. Chẳng phải lỗi của riêng ai".
Từ câu chuyện xảy ra đối với Flappy Bird của Hà Đông, ông Thành đưa ra lời khuyên: "Tóm lại, những người đi sau Hà Đông nên có những động thái chuẩn bị tích cực bằng việc hợp tác với những chuyên gia tài chính, luật sư và chuyên gia PR để có thể hưởng trọn vẹn thành quả sáng tạo của mình và sau đó là gián tiếp đóng góp cho một hình ảnh Việt Nam sáng tạo.
Thế giới rộng lớn và phân công lao động rất rõ ràng, mỗi người hãy làm tốt việc của mình và tạo điều kiện cho người khác làm tốt việc của họ. Không bao giờ là quá muộn để làm đúng một việc".
Còn ông Nguyễn Việt Sơn, CEO Công ty CP giải trí Minh Châu, một chuyên gia trong lĩnh vực game cũng cho rằng, chính sự im lặng “né” báo chí của Nguyễn Hà Đông đã càng làm cho dư luận và truyền thông tò mò hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, sự thiếu vắng của những người có kinh nghiệm xung quanh chỉ dẫn cho "cha đẻ" của Flaapy Bird đã khiến cho sự việc trở nên rối hơn.
"Sự thành công của Hà Đông và Flappy Bird là điều không phải bàn. Nhưng ở đây, qua những thông tin tôi có có thì Hà Đông là một người sống khá kín đáo, ít giao tiếp với mọi người nên khi đạt được thành công, cậu ấy đã quá bất ngờ, bị ngợp.
Vì như thế nên cậu ấy chưa biết cách xử lý thông tin và từ đó cũng không ngạc nhiên với việc "né" trả lời báo chí. Tuy nhiên, chính sự im lặng, né đó đã càng làm cho truyền thông và dư luận tò mò.
Thêm vào đó, sự ngợp trước thành công cộng thêm với việc không có những người có kinh nghiệm chia sẻ, chỉ dẫn thêm cho đã khiến cho Hà Đông không có cách xử lý tốt nhất...", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc Hà Đông gỡ bỏ Flappy Bird ra khỏi các cửa hàng iOS và Android là việc làm hết sức đáng tiếc.
"Thực sự việc gỡ Flappy Bird là việc làm hết sức đáng tiếc, lẽ ra, Hà Đông không nên làm việc đó vội, bởi đây mới là thời điểm mọi thứ sẽ được nhìn một cách tích cực hơn.
Hà Đông là một lập trình viên tự do nhưng đã làm được một game thành công đến như vậy là điều không phải dễ dàng. Nhưng cậu ấy đã thiếu đi bản lĩnh cần phải có để đương đầu với thử thách.
Đối với lĩnh vực game, mọi thứ đều là 50 - 50%, có những công ty làm đến 40 game mới được 1 game, nhưng Hà Đông mới làm 3 game mà đã được 1 game thành công như vậy. Đó là sự may mắn rất lớn và nó sẽ rất khó đến lại lần nữa...", ông Sơn cho hay
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, việc Flappy Bird bị khai tử không thể chỉ đổ lỗi cho truyền thông mà ở đây một phần lỗi đến từ chính Hà Đông.
"Việc báo chí tiếp cận thông tin về gia đình, gia cảnh của Hà Đông hay những thông tin khác là chuyện bình thường bởi đó là nhiệm vụ của họ và thực tế, thì các thông tin cũng khá khách quan, đa chiều. Quan trọng hơn, ở đây Đông chưa học được cách đối mặt, bản lĩnh để đương đầu với những thử thách, chưa thực sự vững tin vào những thành quả của mình.
Vì thế, việc Flappy Bird bị khai tử ở đây không thể chỉ đổ lỗi cho truyền thông mà lỗi đó còn của chính Hà Đông, của sự thiếu đi sự tư vấn, giúp đỡ ở những người có kinh nghiệm với cậu ấy...", ông Sơn tâm sự.
Ông Sơn cũng mong muốn, nếu có điều kiện, rất muốn mời Hà Đông để công ty làm việc.
"Hà Đông là một người có tài năng, có sự sáng tạo và chúng tôi rất mong muốn nếu có cơ hội, được mời cậu ấy đến trao đổi, chia sẻ thêm về các vấn đề liên quan đến game, đặc biệt là game cho mobile. Nếu được nữa thì chúng tôi cũng rất muốn mời cậu ấy về làm cho công ty chúng tôi, để ngoài tài năng, sáng tạo, sẽ giúp cậu ấy nhận được thêm nhiều chia sẻ, trao đổi của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Còn về thu nhập thì chắc chắc sẽ đảm bảo ở mức cao...", ông Sơn khẳng định.