'Thay vì xử phạt, luật nên là cầu nối cho người đồng giới'

Theo Infonet |

Đó là ý kiến chung của độc giả khi đón nhận thông tin cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được đề cập trong Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Lý do được đưa ra là quy định cấm trong Dự thảo không phù hợp, dù thuộc về giới tính nào, người ta vẫn có quyền được yêu, kết hôn và xây dựng gia đình.

'Thay vì xử phạt, luật nên là cầu nối cho người đồng giới'
Người đồng giới cũng cần được hạnh phúc - (Ảnh minh họa)

'Kết hôn đồng tính không ảnh hưởng đến văn hóa Việt'

Hầu hết các ý kiến đều nghiêng về ủng hộ việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Họ cho rằng quy định cấm trong Dự thảo là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, dù họ không thuộc về 2 giới tính cơ bản của xã hội.

"Tại sao lại khắt khe với người đồng giới? Chẳng lẽ yêu đương khác thường thì không phải là con người?", ý kiến của độc giả Mạc Song Đình.

“Hơn nữa, người đồng giới cũng như người bình thường, vẫn đóng thuế và làm việc tốt nên họ cũng như những người bình thường”, ý kiến khác chia sẻ.

Đưa ra lý lẽ theo quan điểm khoa học, một độc giả cho hay, về mặt khoa học, đồng tính là một giới tính chứ không phải là bệnh tật và cơ chế hình thành người đồng tính cũng đã được đề cập đến trong sách sinh học cấp 3.

Chính vì thế, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính chẳng những không ảnh hưởng đến nền văn hóa Việt, mà còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của con người.

'Pháp luật hãy là cầu nối'

Từ chuyện ủng hộ, độc giả cũng cho rằng pháp luật phải là “cầu nối” để mang lại hạnh phúc cho những người đồng tính, bởi họ đã phải khó khăn để vượt qua chính bản thân mình, định kiến từ gia đình, xã hội để sống thật với giới tính. Do đó, một độc giả chia sẻ, trước khi làm luật những người thực hiện "hãy đọc lại sách sinh học cấp 3".

Và cho dù pháp luật có quy định phạt 1 triệu đồng thì để tìm được hạnh phúc cuộc đời, số tiền này cũng không đáng là bao, và nhiều người sẽ chấp nhận nộp phạt, theo ý của một bạn đọc.

Cùng đó, nhiều ý kiến cũng đều dẫn chứng nhiều nước trên thế giới đã có hẳn quy định, luật bảo vệ và cho phép cho những người cùng giới kết hôn. “Vì thế, Việt Nam nên cho phép họ (người đồng tính) đến với nhau”, JeEzarl bày tỏ.

Ngay cả trung tâm bảo vệ quyền của người đồng tính , song tính và chuyển giới tại Việt Nam (ICS) cũng khuyến nghị Bộ Tư pháp xem xét lại tính thi hành trong thực tế của điều khoản này, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể cho cán bộ tại chính quyền địa phương để tránh trường hợp giải thích pháp luật sai dẫn đến vi phạm quyền con người.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại