Thầy giáo từng tát học sinh: Tôi đau khổ, nhục nhã tột cùng

Độc giả Hoàng Anh |

(Soha.vn) - "Tôi đau khổ, nhục nhã tột cùng, hứng chịu quá nhiều rèm pha, búa rìu, lời lẽ chê bai của dư luận" - một người thầy đã từng dùng cái tát đối với học trò tâm sự.

Đó là lời tâm sự của một độc giả "Người thầy được trò gọi là mẹ" gửi đến Báo Điện tử Trí Thức Trẻ khi biết thông tin vụ thầy giáo Trần Anh Tuấn (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ - Bình Định) tát liên tiếp học sinh được ghi lại trong clip thầy trò hỗn chiến tại lớp học gây xôn xao dư luận gầy đây.

Độc giả này tâm sự, anh từng là người thầy dùng cái tát để giáo dục, dạy dỗ học trò và cũng đã từng chịu nhiều điều tiếng từ dư luận, sự trừng phạt của nhà trường, ngành giáo dục từ chính phương pháp đó.

Chúng tôi xin trích đăng toàn bộ tâm sự của người thầy này để có thêm cái nhìn đa chiều, hiểu hơn về nỗi đau, sự trăn trở của những người thầy đã, đang làm trong nghành giáo dục:

Tôi là một giáo viên rất đam mê với nghề dạy học. Mơ ước làm thầy giáo từ nhỏ ngày nào đã trở thành hiện thực với tôi. Bước chân đầu tiên vào nghề tiếp cận với đối tượng học sinh đặc biệt (lực học yếu, ý thức đạo đức chưa ngoan, hoàn cảnh gia đình thiếu sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ…) không ít lần làm tôi nản lòng và chùn bước.

Tình yêu nghề nhà giáo đã giúp tôi vượt qua tất cả đến với thành công. Lớp học trò đầu đời cập bến an toàn với muôn vàn kỷ niệm đẹp đẽ với mối quan hệ thầy trò, cùng lúc tôi còn các lớp kế tiếp noi gương anh chị của mình mà cố gắng chăm ngoan phấn đấu dẫn đầu về ý thức đạo đức, kỷ luật và thi đua trong nhà trường.

Vì mong mỏi làm tròn trách nhiệm người thầy đặc biệt tình yêu thương với học sinh không can tâm đứng nhìn học trò mắc lỗi. Khi trò chưa ngoan tôi nghĩ rất nhiều, tìm đủ mọi cách và đánh liều dùng một số phương pháp không được phép sử dụng trong nhà trường để giáo dục đạo đức các em.

Với thành công bước đầu trong sự non trẻ thiếu kinh nghiệm không đủ làm tôi tỉnh táo để dừng lại hay vượt qua cơn say nghề thái quá. Tôi đã quên với vị trí của mình là thầy mà ngỡ mình là cha mẹ, anh chị em ruột thịt, thậm chí là bè bạn của học sinh để tự do phạm sai lầm đáng tiếc trong dạy dỗ học trò.

Chứng kiến các đồng nghiệp phạm sai lầm khi dùng lời lẽ và hành động thiếu mô phạm dạy trò, đặc biệt hình ảnh những thầy cô đánh chửi học trò tôi lại thấy mình trong đó. Tôi xót xa lắm! Tự nhiên tôi lại thấy xấu hổ và buồn vì mình khác xa với chuẩn mực mô phạm đạo đức người thầy mà xã hội mong mỏi.

Dù tâm lý của mình có thế nào đi chăng nữa thực tế tôi đã phải làm những việc tôi chẳng muốn làm. Vì đâu?

Vì đâu mà phải đánh đổi tất cả để chọn cách dạy mạo hiểm thế này? Mất tất cả chỉ trong giây phút bằng mấy cái tát hay sao? Nếu không phải bản tính hung bạo thì thật chẳng đáng chút nào.

Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.
Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.

Thầy giáo trẻ trong Bình Định đánh học sinh đau và dùng ngôn từ chưa đúng chuẩn mực, dù không biết động cơ của thầy như thế nào nhưng cách dạy học sinh của thầy có phần giống tôi.

Hậu quả nhận lại và cái giá phải trả là rất đắt!

Tôi đau khổ và nhục nhã tột cùng, hứng chịu quá nhiều rèm pha, búa rìu và lời lẽ chê bai của dư luận. Hoảng loạn và suy sụp về tinh thần, niềm tin và tình yêu với nghề đã hết. Chạy trốn là cách tôi đã nghĩ đến lúc này. Còn quá trẻ để tôi đủ bản lĩnh đối mặt với sự việc. Nhưng “nhân quả công bằng” giúp tôi đứng dậy lấy lại niềm tin với nghề.

Tôi tin vào những việc tốt mình đã làm được cho học trò, tin vào lãnh đạo nhà trường ghi nhận thỏa đáng công sức đóng góp xây dựng trường cũng như sự cảm thông của đồng nghiệp. Tin vào sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và những học sinh luôn sát cánh bên mình chờ mong mình quay trở lại, tin vào tổ ấm của gia đình mình.

Đặc biệt tôi tin vào “tình người” bởi vì “ai cũng thế ít nhiều đều tội, chỉ khác nhau biết lỗi hay không”. Dù việc mình làm là sai nhưng khi im lặng nghiêm túc kiểm điểm cái sai thì “luật pháp còn có lương tri”.

Sẽ là bài học để đời cho những người thầy như chúng tôi, tôi mong rằng thầy giáo trẻ trong Bình Định cố gắng vượt qua tai nạn lần này. Nếu còn cơ hội và niềm tin yêu nghề hãy lựa chọn phương pháp chuẩn mực để giáo dục học sinh. “Hát” trong vườn hoa ai cũng làm được, nhưng “hát” trong rừng ong mấy ai làm được đây?

Dẫu biết rằng đánh trò hư là có tội, để học trò hư tội còn nặng hơn, bởi còn hai chữ “tình thương”, “trách nhiệm” nhưng là công dân phải tuân theo luật pháp đừng bỏ cuộc dù phải bỏ cách dạy đầy sai lầm, rủi ro. Hãy tin vào tình yêu nghề và tình người bạn nhé!"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại