Vụ thầy tát trò: "Nếu đánh học trò thì cần xem lại đạo làm thầy"

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Làm thầy, phạt sao để học trò phải tâm phục khẩu phục, phạt sao để học trò tự nhận ra lỗi của mình, tự thấy hổ thẹn vì việc mình đã làm chứ không phải là dùng đòn roi”

Đó là chia sẻ của ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).

Như chúng tôi đã đưa tin, thầy Trần Anh Tuấn (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định) đã có hành vi tát học sinh ngay trên bục giảng. 2 em học sinh bị thầy gọi lên "dạy bảo" đã "bật" lại thầy. Vụ việc gây sốc đối với dư luận trong thời gian qua. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Lan Anh xung quanh việc này.

ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).

ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).

Người thầy đánh trò nên xem lại tư chất

Có người ủng hộ phương pháp đánh học trò, đặc biệt là học sinh cá biệt, ý kiến của bà về vấn đề này?

ThS. Lê Thị Lan Anh: Trước tiên tôi khẳng định rằng, đánh học trò, cho dù là học trò cá biệt đi chăng nữa chưa bao giờ được ủng hộ trong ngành giáo dục. Làm thầy, phạt sao để học trò phải tâm phục khẩu phục, phạt sao để học trò tự nhận ra lỗi của mình, tự thấy hổ thẹn vì việc mình đã làm chứ không phải là dùng đòn roi.

Nếu người trong ngành mà chọn đánh học trò là giải pháp hữu hiệu thì cần xem lại tư chất, nghiệp vụ sư phạm và cái đạo làm thầy.

Việc giáo viên bạo hành học sinh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ thưa bà?

ThS. Lê Thị Lan Anh: Bạo hành với trẻ dễ thấy nhất là những tổn thương về thể chất, nhẹ thì bầm tím chân tay, nặng là tử vong (như một số trường hợp báo chí đã đưa tin. Khó nhận biết hơn – nhưng đây mới là những tổn thương lớn nhất đeo bám trẻ suốt cuộc đời:

Thứ nhất tổn thương về tâm lý: Trẻ bị bạo hành thường có xu hướng sợ người lạ, rụt rè, ngại giao tiếp và dễ bị hoảng loạn. Những hiện tượng này lặp lại thường xuyên khiến trẻ dần thu hẹp thế giới giao tiếp, trở nên tự ti – đây là căn nguyên của bệnh trầm cảm.

Những tổn thương tâm lý này nếu phát hiện sớm và có liệu pháp điều trị, thay đổi môi trường học, sử dụng các biện pháp can thiệp…trẻ sẽ dần phục hồi. Nhưng nếu không được điều trị hoặc can thiệp không đủ, nó sẽ trở thành bệnh đeo bám trẻ, ám ảnh trẻ suốt cuộc đời còn lại.

Từ việc ngại giao tiếp, không tự tin, trẻ sẽ ít có các mối quan hệ xã hội hơn, sống thu mình, khép kín – từ đó khó thành công hơn bạn bè cùng trang lứa.

Thứ hai tổn thương về trí tuệ: Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển trí não mạnh mẽ nhất. Điều này được thể hiện ở việc khi 3 tuổi, trẻ có khả năng nghe, nói, hiểu, giao tiếp ngôn ngữ mẹ đẻ một cách thuần thục.

Trẻ 3 tuổi có khả năng ghi nhớ các mối quan hệ xã hội: nhớ ngôi thứ bậc các thành viên trong gia đình, cô bác, anh chị em nội ngoại; nhớ tên thầy cô và các bạn cùng lớp; trẻ khắc ghi rất nhanh những điều được nghe được thấy, được dạy chỉ sau một vài lần.

Như vậy, nếu trẻ bị các chấn thương tâm lý – chính là chấn thương một phần não phải liên quan đến cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc lại là vùng quyết định rất lớn đến các vùng tư duy còn lại. Những chấn thương tâm lý khiến trẻ luôn e dè, sợ hãi mọi thứ, sẽ không thể có một trí tuệ sáng tạo trong cái đầu đầy nỗi sợ hãi.

Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.
Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.

PGS Văn Như Cương chia sẻ, người thầy hành động như thế chứng tỏ không hoàn thành nhiệm vụ người thầy, không nên làm trong ngành giáo dục, bà nghĩ sao về quan điểm này?

ThS. Lê Thị Lan Anh: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của PGS Văn Như Cương. Đòn roi không thể dạy trẻ nên người. Người thầy hơn ai hết phải là tấm gương không chỉ tự học, tự trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng đứng lớp mà còn phải rèn luyện cho mình chữ nhẫn. Nhẫn để hiểu, để yêu thương, để công tâm với mọi học trò và tự chủ khi phát sinh các tình huống sư phạm trong và ngoài lớp học.

Chữ “nhẫn” trong dạy học trò

Được biết, bà đã có một thời gian dài gắn bó với nghề giáo, bà có thể chia sẻ một số kỷ niệm về chữ “nhẫn” trong dạy học trò?

ThS. Lê Thị Lan Anh: Tôi đã từng có thời gian giảng dạy nên tôi hiểu, chữ nhẫn với người thầy quan trọng đến mức nào. Tôi xin kể ra đây một ví dụ nhỏ:

Đó là một cậu học sinh 9 tuổi theo học lớp kỹ năng tư duy do tôi dạy. Con được bố mẹ đưa đến nhập học nhưng phải chuyển đổi tới 3 lớp bởi giáo viên rất phàn nàn rằng “không thể chịu đựng được, con quá nghịch ngợm”.

Lần chuyển lớp thứ 4, con chuyển sang  lớp tôi. Sau 1 buổi học, tôi quan sát mọi hành động của con và phát hiện: Con là một học trò bị chớm tăng động. Môn học tôi dạy là đòi hỏi học trò có những khoảng thời gian rất tập trung, nhưng con thì quá khác biệt, siêu nghịch ngầm, thường xuyên có những biểu hiện gây nguy hại cho các bạn trong lớp như: dùng bút chì xiên mạnh vào áo bạn đằng trước, ném bất kỳ đồ vật gì con có trong tay vào người đối diện khi bực tức, tự tiện đi lại hoặc tự nhiên hét toáng lên trong lớp.

Sau mỗi lần như vậy, tôi đều đến rất gần, mỉm cười và nói rất nhỏ vào tai con rằng: “Con có thấy bạn bị đau không? Con thương bạn lần sau đừng xiên bút chì vào bạn nữa nhé”, “Con muốn đi lại một chút cho thoải mái đó, giờ con về chỗ ngồi để chúng ta học tiếp nhé”… Mọi ứng xử, lời nói với trẻ phải rất nhẹ nhàng, gần gũi, thân thiện.

Kết thúc buổi học, tôi dành 30 phút trò chuyện trực tiếp với mẹ của con (dĩ nhiên lúc này không có con ở bên). Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Tôi hỏi thăm về sở thích, hoạt động mỗi ngày của con, mẹ có thấy con có biểu hiện gì bất thường không, những biểu hiện đó đã lâu chưa, bố mẹ có cho rằng con khác hơn những trẻ bình thường không?...Và tôi hiểu ra rằng, tôi chính thức có một ca “khó đỡ”.

Các buổi sau đó, trước và sau mỗi giờ học tôi đều dành riêng thời gian trò chuyện và chơi cùng con. Phân tích khi con sai; động viên, chia sẻ khi con buồn; giúp con giải các bài khó; giúp con chơi với các bạn trong lớp; giúp con giải hòa khi vừa đánh bạn. Đặc biệt, thỉnh thoảng tôi luôn cố gắng “tìm” ra những “điểm tiến bộ” để có cớ thưởng cho con (mặc dù “điểm tiến bộ” đó với một học sinh bình thường không có gì đáng nói, với trẻ chớm tăng động lại là một quá trình tiến bộ rất lớn).

Trong lớp học, tôi quan tâm đến mọi hành động, cử chỉ, ánh mắt, việc làm của con mà cố gắng không để con biết. Quả thật, để nhẫn nại, để bình tĩnh, tươi vui “như không có chuyện gì xảy ra” trước một học trò như vậy không hề dễ, nhất là với giáo viên chưa có kinh nghiệm.

Hình như con cảm nhận được điều gì đó, con cười với tôi nhiều hơn, bớt nghịch ngầm, không tự do đi lại, thỉnh thoảng mới nói to khi  giận giữ chứ không hét lên vô cớ như trước. Chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết từ bao giờ không biết.

Đó là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều những câu chuyện, những tình huống sư phạm khác mà tôi hay bất kỳ giáo viên nào đã từng đứng lớp đều gặp phải; có chăng là sự khác nhau ở tính chất, mức độ và cách thức “hóa giải” mà thôi. Người “hóa giải” thành công là người thầy được yêu kính trọn vẹn trong trái tim học trò.

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ThS!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại