Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Hãy cho người thầy tát trò một cơ hội

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, nếu người thầy tát trò tự kiểm điểm, nhận lỗi và thay đổi phương pháp dạy thì mình cũng nên cho một cơ hội để làm lại".

Đó là quan điểm của PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thầy giáo tát học trò liên tiếp được ghi lại trong clip hơn 1 phút gây xôn xao dư luận.

Theo tìm hiểu, sự việc xảy ra tại lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Định) trong giờ dạy Hóa. Người thầy trong clip được xác nhận là Trần Anh Tuấn và hai học sinh lớp 11A1 Nguyễn Phúc Nghĩa, Nguyễn Thanh Long.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ không đồng tình với cách dạy đòn roi của thầy giáo.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ không đồng tình với cách dạy đòn roi của thầy giáo.

Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, hành động của người thầy và trò đều sai, vi phạm đạo đức.

“Thầy vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu học trò có mắc lỗi, giáo viên có thể phạt hoặc liên lạc với phụ huynh, báo cáo với nhà trường…Còn đối với học sinh hành động đánh lại thầy là không đúng. Người học trò phải tôn trọng thầy, người xưa dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”. Học sinh đều hiểu lễ nghĩa đó nhưng tại sao vẫn làm việc sai trái như vậy?

Chính vì thế, cần phải đưa ra hình thức kỷ luật đối với cả thầy và trò. Nhà trường yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm để nhận lỗi, xử lý để làm gương cho học sinh khác. Sau đó, nhà trường kết hợp gia đình theo dõi, quan tâm đến em học sinh đó”, PGS Trần Xuân Nhĩ đưa ra ý kiến.

Theo PGS thì sự việc đáng tiếc này xảy ra nguyên nhân “tức nước vỡ bờ”, do nóng giận của thầy, trò chỉ là một phần, sâu sa chính là sự suy thoái đạo đức chung xã hội.

Thầy tát trò liên tiếp gây bức xúc trong dư luận.

Thầy tát trò liên tiếp gây bức xúc trong dư luận.

Không đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia là lập tức đuổi người thầy này khỏi trường, thậm chí là khỏi ngành giáo dục, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: “Chưa nên làm chuyện đó, hãy cho người thầy cơ hội sửa chữa, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.

Đối với học sinh đánh trả lại thầy, dư luận không nên chỉ trích quá gay gắt hay kỷ luật nặng nề em mà nên theo dõi, quan tâm để giúp em nhận ra hành động sai trái”.

Tâm sự về cách dạy con cái, học trò, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: “Chuyện đánh trẻ trong gia đình là không nên và việc đánh học trò trong nhà trường lại càng không được. Chưa bao giờ tôi đánh con cái chỉ vì con cái mắc lỗi. Chỉ có duy nhất một lần, con gái không nghe lời, tôi bực quá nên xé chiếc áo đẹp của cháu. Đến bây giờ, cháu vẫn nhớ và coi đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tuổi thơ”.

Sự việc thầy đánh trò không phải bây giờ mới nhắc đến và theo PGS thì để hạn chế tình trạng này, bản thân người thầy hãy làm gương cho con trẻ. “Giáo dục trẻ bằng lòng thương, tình yêu chứ không phải đòn roi”, PGS nhấn mạnh.

GS.NGND Lân Dũng: “Đòn roi không có tác dụng"

"Đòn roi không có tác dụng, thậm chí là có tác dụng ngược lại. Giáo dục phải bằng tấm gương, bằng nỗ lực, sự thương yêu và chăm sóc con trẻ. Sự tận tụy, gương mẫu và năng lực giảng dạy của người thầy là những yếu tố quyết định sự yêu quý, kính trọng của học sinh. Tôi thường nghĩ, khi thầy cô giáo tận tình dạy dỗ và gương mẫu trong cuộc sống thì học sinh sẽ noi gương và cố gắng giữ gìn tư cách. Bản thân tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở hai con học hành vì các cháu đều rất tự giác và đến giờ chúng đã giỏi hơn cả vợ chồng tôi nhiều rồi".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại