Bức xúc với hành vi tát liên tiếp vào mặt trò
Dư luận đang xôn xao sự việc thầy giáo Trần Anh Tuấn (23 tuổi) – giáo viên môn Hóa dạy hợp đồng tại Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Bình Định đã có hành vi tát liên tiếp vào mặt học trò trong tiết học Hóa lớp 11A1 vì các em mất trật tự. Cũng trong clip, nam học sinh này đã nhảy lên đánh lại thầy.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa (giáo viên Trường THPT Thường Tín, Hà Nội) – người từng nhiều lần đứng ra tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục hết sức bức xúc trước hành vi của người thầy này.
Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết: “Xem những hình ảnh đó tôi bức xúc quá. Không ngờ giáo viên trẻ hàng ngày tiếp xúc với thông tin từ báo chí, mạng internet mà không “khôn” ra được, lại có cách hành xử hết sức thiếu văn hóa đối với học trò như vậy. Tôi không thể chấp nhận một người thầy như thế.
Học sinh mới chỉ mất trật tự thôi mà người thầy này đã văng những từ ngữ rất khó nghe “mày – tao”, xúc phạm học trò. Nghiêm trọng hơn là hành vi tát vào mặt các em bôm bốp liên tục trên bục giảng. Không thể tưởng tượng là xảy ra ở một giáo viên trẻ như vậy”.
Về hướng xử lý sự việc này, thầy Đỗ Việt Khoa thẳng thắn cho biết, nếu có thẩm quyền sẽ đuổi việc vĩnh viễn giáo viên trong vụ việc trên ra khỏi ngành giáo dục, không thể để thầy tiếp tục dạy dỗ học trò mà hãy đi làm ngành khác.
Là người nhiều năm gắn bó với nghề, thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ, ngành giáo dục cần người biết yêu thương thật sự, luôn gần gũi với học trò và có phương pháp giáo dục hợp lý chứ không cần người thầy biết đánh học sinh như thế này.
Thầy sai, trò “tức nước vỡ bờ”
Nhìn ở góc độ người học sinh hành xử trong clip đó, thầy Đỗ Việt Khoa khách quan khẳng định, việc học trò nhảy lên đánh thầy là sai dù bất cứ trường hợp nào xảy ra, nhất là đối với văn hóa Á Đông không thể chấp nhận con đánh lại cha mẹ, trò đánh lại thầy.
“Tuy nhiên, nguyên nhân chính ở đây là do thầy đánh học sinh quá đáng như thế nên dẫn đến hành động “tức nước vỡ bờ” của học sinh. Theo tôi, phản ứng của học sinh như thế là hơi quá và không nên. Vì thế, các em cũng nên bị kỷ luật, nhắc nhở”, thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Khoa tâm sự trong nhiều năm dạy dỗ học trò, thầy chưa bao giờ đánh, sỉ nhục, xúc phạm học trò.
Thầy cho biết, nếu các em chưa ngoan thì mắng 1 -2 câu, mắng khéo léo lựa từ để học sinh hiểu và bình tĩnh để giải quyết chứ không nên trút giận lên học trò vì đây là lứa tuổi dễ bịt tác động tâm lý.
Đối với học sinh cá biệt, không nghe lời, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa chia sẻ: “Dù bất cứ trường hợp nào, không bao giờ người thầy được phép đánh đập học sinh. Đó không phải là cách giải quyết của người thầy. Đối với học sinh cá biệt, chúng ta nên đi theo các bước kỷ luật học sinh của ngành giáo dục gồm 5 bước: cảnh cáo, nhắc nhở, mời phụ huynh học sinh, đuổi học có thời hạn và đuổi học vĩnh viễn. Hãy thực hiện đủ 5 bước đó đi đã”.
Về việc kỷ luật học sinh trong trường, thầy Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh, hiện nay rất ít trường thực hiện đúng thông tư 88 của Bộ Giáo dục về hướng dẫn kỷ luật học sinh.
“Nhiều trường vận dụng mang tính “tàn sát” học sinh, không ít thầy sử dụng phương pháp “khủng bố” học trò, vậy thì làm sao đòi hỏi học sinh ứng xử văn minh, nhân cách, tôn trọng đối với người thầy?
Chúng ta hãy xem lại người thầy. Hãy gần gũi, thân thiện, tôn trọng các em ở mức cao nhất”, thầy Đỗ Việt Khoa cho biết thêm.
Những sự việc thầy đánh trò, trò đánh lại thầy gây ra hậu quả đáng tiếc cho ngành giáo dục. Theo thầy Đỗ Việt Khoa thì mỗi người thầy nên tự đào tạo nhân cách, đừng đổ lỗi cho nhà trường đào tạo vì ngành giáo dục nước ta cũng có nhiều người yêu thương trẻ và cư xử đúng mực với học sinh.