Khổng Tử và cuộc "hỗn chiến" giữa thầy với trò trên bục giảng

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - sự bất biến trong cách ứng xử của trò với thầy chỉ có thể được hiểu rằng đó là đạo đức của phận làm con, làm trò mà thôi.

Video clip thầy giáo đánh học sinh và học sinh đánh lại xảy ra ở trường THPT Nguyễn Huệ ở tỉnh Bình Định đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những suy nghĩ về đạo thầy trò hẳn sẽ khiến không ít người buồn.

Buồn bởi lẽ, trong môi trường sư phạm hiện đại, người thầy đã không giữ được bình tĩnh để xử lý những tình huống phát sinh trên lớp khi các em ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Càng đáng buồn hơn khi học trò dám vung tay lên đánh lại người thầy của mình như cách mà chỉ có thể thấy ở ngoài đường, ngoài chợ.

Thầy đánh trò với tư cách là dạy không phải là chuyện hiếm xưa nay. Hình ảnh người thầy đồ với cây roi uốn nắn chữ là một phần của lịch sử giáo dục. Tuy nhiên, hình ảnh trò đánh lại thầy thì quả thực là cá biệt.

Đành rằng, trong thời hiện đại, thầy không giữ được bình tĩnh mà nỡ đánh trò, đó bị coi là một hành động phản sư phạm nhưng không thể căn cứ vào việc thầy đánh trò mà trò có quyền đánh lại thầy chỉ bởi một chữ: “Đạo”.

Hình ảnh cắt từ clip

Hình ảnh cắt từ clip trò đánh lại thầy khi bị thầy tát

“Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống của dân tộc Việt Nam tự hàng ngàn đời nay. Cách ứng xử của trò với thầy luôn là được đo bởi chiếc thước “đạo” với nhiều cung bậc xã hội. Ngẫm chuyện nay, nhiều người hẳn sẽ nhớ đến câu chuyện xưa mà Khổng Tử đã dạy học trò từ ngàn năm trước.

Chuyện kể rằng: “Khổng tử có một người họ trò là Tăng Sâm. Một hôm Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá ngã gục chết giấc một lúc mới hồi tỉnh lại. Khi về nhà liền đến thưa với cha rằng: “Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh làm đau tay cha. Thực là con lỗi đạo”.

Nói xong lùi xuống vừa gảy đàn vừa hát có ý để cha nghe tiếng, cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.

Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì ngài giận. Đức Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì thì luôn bên cạnh, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa. Cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình, để chiều cơn giận đến nỗi cha đánh ngất đi. Giá mà cha đánh quá tay chết mất thì có phải vô tình làm cho cha mắc tội giết người không? Lúc ấy tội bất hiếu còn gì to hơn nữa!”.

Nếu người học sinh bị thầy giáo tát bỏ chạy ra khỏi lớp và phản ánh với Ban Giám hiệu Nhà trường thì sao? Nếu người học trò bị tát tìm cách để tránh những cái bạt tai của thầy bằng cách ra khỏi lớp thì sao? Nếu cả thầy và trò đều khéo cư xử hơn, câu chuyện thầy trò đánh nhau đã không xảy ra một cách đau lòng để rồi khi bình tĩnh lại, cả hai đều phải xin lỗi nhau như thế.

Người xưa vẫn có câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong cả hai câu chuyện này, có lẽ sự bất biến ấy chỉ có thể được hiểu rằng đó là đạo đức của phận làm con, làm trò mà thôi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại