Như chúng tôi đã đưa tin, Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), là 2 quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi buôn bán trẻ em. Đồng thời, cơ quan công an cũng tiến hành triệu tập những người liên quan đến vụ việc này, trong đó có ni sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề để làm rõ trách nhiệm liên đới.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về sự việc trên, chúng tôi đã về nơi sinh ra của ni sư Thích Đàm Lan ở xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Trao đổi với PV, ông Phạm Nhật Lợi - Trưởng thôn 3, xã Thanh Lang cho biết, no sư Thích Đàm Lan tên thật là Phạm Thị Lan, sinh năm 1956 tại thôn 3 xã Thanh Lang huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sư thầy Lan là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em, trước sư Lan là 2 anh trai. Trong số 7 anh chị em thì có 6 người đã xuống tóc quy y nơi cửa Phật từ hồi nhỏ, chỉ có người anh cả không theo nghiệp tu hành.
Ông Phạm Nhật Lợi - Trưởng thôn 3, xã Thanh Lang.
“Sau khi anh cả đi bộ đội về được mọi người vun đắp để lập gia đình và cũng là để có người hương hỏa cho các cụ, còn lại 6 anh chị em sau đều quy y cửa Phật. Hiện nay các thầy đều là trụ trì tại các chùa nổi tiếng như: thầy Thích Đàm Kiên – trụ trì chùa Phổ Minh (Hải Phòng); thầy Thích Nguyên Hạnh – trụ trì chùa Tảo Sách (Hà Nội); thầy Thích Thanh Huân – trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội); thầy Thích Đàm Hồng, thầy Thích Đàm Liên đã định cư ở nước ngoài”, ông Lợi cho hay.
Theo ông Lợi, ni sư Thích Đàm Lan xuống tóc đi tu từ khi nào ông cũng không nhớ rõ mà chỉ áng khoảng 16 – 17 tuổi gì đó. Khi ấy, sư Lan thường xuyên cùng mẹ lên chùa ăn chay, niệm Phật nên ít nhiều đã có tâm hướng thiện.
“Hoàn cảnh gia đình nhà thầy Lan khi đó chủ yếu làm nghề nông, kinh tế gia đình cũng tương đối khó khăn. Cha mẹ thân sinh ra thầy Lan lúc ấy chỉ tu tại gia, thi thoảng lại cùng các con trong nhà lên chùa tụng kinh, niệm Phật.”, ông Lợi cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lang, cho biết: Toàn xã có hơn 7.000 nhân khẩu thì có tới 60 – 70 người đi tu. Được biết xã Thanh Lang có số người đi tu lớn nhất trong huyện và tỉnh, hầu hết các thôn trong xã đều có chùa.
Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lang
“Riêng gia đình thầy Lan có 7 người thì có 6 người theo nghiệp tu hành, chỉ có ông Phạm Nhật Trung, là anh trai cả trong nhà thầy Lan không đi tu nhưng cũng không còn ở địa phương nữa. Gia đình thầy từ trước tới nay là một tấm gương sáng cho các gia đình khác, không có điều tiếng gì.
Hiện nay, gia đình đang xây dựng nhà thờ chi họ trên mảnh đất của bố mẹ để lại. Việc trông coi công trình đều giao cho người em con nhà chú ruột đảm nhận. Thi thoảng ở nhà có việc thì các thầy mới về, xong lại đi ngay.
Việc thầy Lan nuôi dưỡng các cháu nhỏ, bản thân tôi cảm thấy rất mừng. Giờ nuôi một đứa con nhỏ còn khó huống gì nuôi cả trăm cháu như thế. Phải những người nào thật sự có tâm thì mới có thể làm việc đó. Không riêng gì bản thân thầy Lan mà các cụ thân sinh ra thầy đều là những người hiền lành, phúc đức.
Nhưng thời gian gần đây khi nghe tin chùa Bồ Đề, nơi thầy Lan làm trụ trì xảy ra việc mua bán trẻ em tôi rất bất ngờ. Hi vọng thầy Lan không liên quan đến vụ việc trên và cái tâm của thầy là thật”, ông Cảnh cho biết.
Ngôi nhà thờ họ (chi) của gia đình ni sư Thích Đàm Lan ở xã Thanh Lang
Hỏi về gia cảnh, cũng như cuộc sống trước kia của gia đình ni sư Thích Đàm Lan, một người dân địa phương cho biết: “Khi cụ thân sinh ra thầy Lan còn sống, tôi chưa bao giờ thấy cụ giết bất kì một sinh linh nào. Hồi nhỏ tôi được cái hay đi mò cua, bắt tép, nhưng cứ đến cái ao to của cụ là cụ lại nói không nên bắt, không nên sát sinh...
Đặc biệt là ngày nào tôi cụ cũng đọc sách, tụng kinh, ăn chay trường nên các con của cụ cũng sớm nhận thức và tâm hướng nhà Phật. Tôi còn nhớ, vào các buổi chiều thì cụ thường cắt tóc miễn phí tại nhà cho mọi người trong làng nên ai cũng quý, kính trọng cụ”.