Tất cả đường sắt đô thị đều chậm, đội vốn

Đó là thực trạng chung của các dự án đường sắt đô thị do Hà Nội, TP.HCM và Bộ GTVT thực hiện.

Thông tin trên được nêu ra tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về tiến độ các dự án đường sắt đô thị ngày 12/9.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng do các dự án đường sắt đô thị lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, trong khi phía Việt Nam không có người được đào tạo về loại hình vận tải này khiến việc thực hiện nhiều lúng túng, lập dự án nghiên cứu khả thi sơ sài nên phải điều chỉnh nhiều khi bắt tay vào thực hiện. Việc này vừa làm tăng tổng mức đầu tư và nhiều hệ lụy khác.

Tất cả đường sắt đô thị đều chậm, đội vốn
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội đội vốn hơn 339 triệu USD.

Đội vốn từ 60 - 70% tới 200%

Ông Ngô Anh Tảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - dẫn chứng dự án nghiên cứu khả thi “Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 - giai đoạn I” đều thay đổi khi thực hiện.

Theo dự án nghiên cứu khả thi, đoạn từ phố Phùng Hưng sang ga Gia Lâm đi cách cầu Long Biên 30m, khi triển khai Hà Nội yêu cầu cách cầu 200-300m, rồi Thủ tướng chấp thuận cách 180m, nhưng từ năm 2011 đến nay vẫn chưa thống nhất được hướng tuyến.

Ông Tảo kiến nghị Hà Nội và Bộ GTVT khẩn trương phê duyệt hướng tuyến đoạn đường sắt trên. “Việc này chậm ba năm, dự án chậm, làm tăng tổng mức đầu tư, xảy ra tiêu cực cũng là chỗ này” - ông Tảo nói về việc chậm trễ tại dự án có chuyện Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ các cán bộ đường sắt Việt Nam.

Ông Bùi Xuân Cường - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - cho biết do nhiều vướng mắc khi thực hiện, phải điều chỉnh mất hai năm nên tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng.

Ông Cường cho rằng ở Việt Nam chưa ai được học về đường sắt đô thị, không có khung tiêu chuẩn kỹ thuật nên sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật mà Nhật Bản đưa ra, vì vậy quá trình làm phát sinh rất nhiều thứ phải điều chỉnh.

“Từ đầu không nắm được tiêu chuẩn kỹ thuật nên không quản được, tư vấn nói thế nào mình phải chấp nhận mà hầu như không có tính phản biện. Không làm chủ được nên đàm phán hợp đồng toàn bị ép” - ông Cường nói.

Trước thực trạng các dự án đường sắt đô thị đều chậm và tăng tổng mức đầu tư từ 60-70% tới 200%, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết do dự án nghiên cứu khả thi quá sơ sài vì không nắm được gì về loại hình này là nguyên nhân lớn, đến khi thực hiện lại mất thời gian điều chỉnh và tăng tổng mức đầu tư.

Ông Hùng dẫn chứng dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội lúc lập dự án nghiên cứu khả thi có tổng mức đầu tư 538 triệu euro, nhưng chưa triển khai, rà soát trên giấy đã tăng lên 738 triệu euro, khi thiết kế kỹ thuật lên 1,176 tỉ euro.

Tăng là do tỉ giá ngoại tệ, đơn giá vật tư, nhân công và cả việc áp dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến tránh Việt Nam thành bãi rác cũng làm tăng tổng mức đầu tư.

Không nỗ lực sẽ còn chậm nữa

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cần rút bài học cho các dự án trong tương lai từ các dự án đường sắt đô thị đang triển khai.

Theo ông Đông, việc đội vốn đầu tư có những lý do như ước tính giải phóng mặt bằng được tính toán gần như không chính xác trong bước chuẩn bị đầu tư.

Trong khi đó Việt Nam xây dựng đường sắt đô thị đắt vì vay vốn phải cộng lãi vay, không sản xuất được thiết bị nên phải nhập khẩu và chịu ràng buộc về tỉ lệ xuất xứ nguyên vật liệu theo điều kiện của nhà tài trợ vốn.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói nếu không nỗ lực thì các dự án đường sắt đô thị đã chậm còn tiếp tục chậm nữa.

Dù đồng tình với những lý do mà các đại biểu đưa ra nhưng ông Thăng cho rằng bao trùm lên tất cả nguyên nhân vẫn là nguyên nhân chủ quan của con người. Ví dụ như Bộ GTVT cũng mới chỉ quan tâm dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do bộ làm chủ đầu tư mà lơ là, chưa quan tâm tới các dự án do địa phương thực hiện.

Ông Thăng cho rằng bây giờ không phải là lúc đùn đẩy, đổ lỗi nữa mà cần tập trung các giải pháp để khắc phục tồn tại, bất cập, đưa ra kế hoạch đối với các dự án đang triển khai và các dự án sẽ triển khai nhằm giải quyết ùn tắc ở đô thị.

Ông Thăng đề nghị quản lý chặt chẽ hơn vì các dự án đường sắt đô thị có vốn rất lớn, dù vốn vay nước ngoài hay trong nước thì người dân cũng nộp thuế để trả.

Theo ông Thăng, cần thiết phải xin một đại tá công an về làm phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt của Bộ GTVT để kiểm soát nội bộ, phòng chống tiêu cực.

Ông Thăng cho biết sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và đề nghị cho phép lập ban chỉ đạo chung các dự án đường sắt đô thị do Bộ GTVT chủ trì cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương để chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc nhằm thực hiện các dự án trôi chảy hơn. Bởi vì việc chậm tiến độ gây mất niềm tin của nhân dân, gây tốn kém tiền của vì tăng mức đầu tư.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại