Chiều nay, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết, sau một đêm quét qua Philippines với sức gió đo được 260 - 280km/h (có phương tiện đưa tin tới 315km/h), do lực ma sát với mặt đất của các đảo nên cường độ của cơn bão HaiYan suy yếu khoảng 2 đến 3 cấp độ khi vào Biển Đông, còn khoảng cấp 14. Tuy nhiên, đến tối 8/11, cơn bão này lại mạnh trở lại và trưa nay đạt cấp 15, giật trên cấp 17.
Ông Tăng cũng cho hay, từ khoảng đêm 9/11, khu vực Phú Yên – Quảng Ngãi sẽ là nơi sớm ghi nhận được gió mạnh nhất. Sau đó, gió mạnh sẽ tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Quảng Nam trở ra đồng bằng Bắc Bộ.
Từ sáng 10/11, bão HaiYan sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, men dọc theo ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị và suy yếu thêm nữa.
Do di chuyển lên phía Bắc, bị ma sát với đường bờ và vùng nước có nhiệt độ thấp hơn nên cường độ bão suy giảm, mức độ hủy hoại của gió bão cũng đỡ hơn bởi nếu bão đổ bộ thẳng vào trung Bộ khi cường độ còn mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 15, cấp 16 thì sức hủy hoại rất lớn.
Tuy nhiên, ông Tăng cũng cảnh báo, dù có suy yếu so với nhận định ban đầu và không đổ bộ vào bờ lúc mạnh nhất, nhưng đây vẫn là cơn bão rất mạnh, tâm bão vẫn sát bờ, khi di chuyển dọc theo ven biển và khi đổ bộ vào đất liền, gió bão vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn so với hai cơn bão số 10 và số 11 vừa đổ bộ vào miền Trung.
Ngoài ra, theo thông tin từ TTKTTVTW, vào hồi 16 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Từ trưa nay (9/11), người dân các tỉnh miền Trung đã gấp rút sử dụng mọi biện pháp ứng phó với siêu bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ đêm nay (09/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Từ đêm nay (09/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 – 9.
Từ đêm nay (09/11) ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 – 5,5 m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.
Tổng hợp