Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy có rất nhiều ý bày tỏ sự chê trách hay như người trong ngành nói với nhau là "ưu ái" ngành y. Cá nhân tôi không phản đối những ý kiến chê trách đó và tôi nghĩ, ngành y cũng phải cảm ơn điều đó.
Bởi thực tế, có làm thì chắc chắn có sai và đã sai thì phải nhận, phải sửa đổi lại để không còn tái phạm nữa. Đặc biệt với ngành y, một ngành được coi là "làm dâu trăm họ", phải phục vụ, chăm sóc sức khoẻ mỗi ngày cho hàng vạn, hàng triệu bệnh nhân thì việc để xảy ra lỗi là rất điều mong được thông cảm.
Tuy nhiên, việc cứ liên tục, tập trung chê trách ngành y như vậy thì cá nhân tôi thấy không đồng tình chút nào.
Bởi lẽ, như tất cả mọi người phải công nhận, ngành y là một ngành đã có rất nhiều những đóng góp quan trọng đối với xã hội. Như tôi đã nói ở trên, "sức khoẻ là vàng" nên mỗi ngày hàng vạn, hàng triệu bệnh nhân trên khắp cả nước đã được các y, bác sỹ ngành y khám, chữa bệnh. Chỉ điều đó thôi, cũng cho thấy sự quan trọng của ngành y.
Chưa kể đến, thời gian qua, rất nhiều các dịch bệnh lớn, trong đó có dịch bệnh mà cả thế giới đã phải quan ngại, lo lắng như dịch Sars, dịch cúm da cầm... đã được ngành y của chúng ta xử lý, ngăn chặn kịp thời. Nhiều thủ thuật trong như can thiệp tim, ghép tạng... của chúng ta cũng đứng trong top đầu của thế giới.
Cùng với đó, rất nhiều bàn tay vàng trong ngành y của chúng ta đã được cả thế giới công nhận như cố GS.TSKH Phạm Ngọc Thạch, GS Tôn Thất Tùng, GS Phạm Song, PGS Tôn Thất Bách, GS Nguyễn Thanh Liêm, GS Nguyễn Tài Thu...
Những đóng góp hết mình mà cũng vô cùng thầm lặng của các thầy thuốc trong ngành đã giúp chữa khỏi và cứu sống hàng ngàn, hàng vạn bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Đó là điều rất đáng trân trọng, rất đáng tự hào.
Và cũng có một thực tế mà nhiều người đã nói đến, đó là quá tải trong các bệnh viện nhưng mọi người mới nhìn thấy cái bề nổi của vấn đề mà chưa nhìn thấy cái bề chìm bên trong. Bởi lẽ, sự quá tải không chỉ bệnh nhân phải chịu mà ngay chính các bác sĩ cũng phải chịu áp lực rất lớn.
Chỉ cần đến các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ thấy rõ cường độ làm việc hết sức căng thẳng, cường độ vô cùng cao của các bác sĩ.
Một con số được đại diện Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra cách đây chưa lâu đã cho thấy, do số lượng bệnh nhi đến khám tại đây luôn trong tình trạng quá tải, do vậy một bác sỹ bình thường phải khám, điều trị cho khoảng 50-60 bệnh nhân.
Rồi trong câu chuyện của mình, một bác sỹ ở BV lớn ở Hà Nội cũng đã chia sẻ với tôi rằng, có những ngày cao ông phải mổ tới 10 ca và giờ làm việc từ 6 giờ sáng, kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. Nếu tính trung bình, một ngày bác sĩ mổ từ 4 - 5 ca, thì trung bình một năm sẽ phải thực hiện hàng trăm ca mổ lớn, nhỏ khác nhau.
So với mức trung bình của nhiều nước trên thế giới thì thực sự đây là con số quá khủng khiếp. Điều này cũng nghĩa là bác sĩ của ta luôn trong tình trạng "căng như dây đàn" để cứu chữa bệnh nhân.
Bệnh nhân đông, ai cũng mong được khám kỹ, khám sớm, khám nhanh nhưng phải giải thích cặn kẽ, thì chất lượng tư vấn sẽ không được như mong đợi. Và từ việc tư vấn không được như mong đợi đến việc người bệnh không hài lòng với thầy thuốc chỉ còn một khoảng cách rất gần.
Thực tế, những vụ việc, người nhà bệnh nhân bao vây, hành hung bác sĩ cũng đã xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Và với những gì đã xảy ra họ phải cân nhắc giữa việc cứu người bằng hết tâm lực và sự an nguy tính mạng của mình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám và chữa bệnh.
Vẫn biết rằng có những "con sâu" đang làm "giàu nồi canh" nhưng như tôi đã nói ở trên, trong suốt thời gian qua, ngành y đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, hạn chế để cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân. Đã có hàng vạn, hàng triệu bệnh nhân được cứu chữa nhanh chóng với nhiều căn bệnh từ đơn giản đến quái ác.
Sự quan trọng của ngành y đối với xã hội là vậy, mà tại sao lại cứ tập trung chê trách như thế? Đây có phải là sự công bằng chăng?