Tại sao cần phải truy tố bác sỹ Tường tội Giết người?

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Theo luật sư Chu Mạnh Cường, việc truy tố bác sỹ Tường tội Giết người sẽ giúp vụ án được giải quyết một cách triệt để, tránh tạo tiền lệ xấu.

Phiên tòa xét xử bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về hai tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” cùng bị cáo Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản” đã bị dừng, HĐXX quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

Ngay tại sân tòa, ông Lê Văn Viễn, bố của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định này của HĐXX cũng như đề nghị cơ quan chức năng cần phải khởi tố bác sỹ Tường thêm 3 tội: Giết người, Kinh doanh trái phép, Dụ dỗ người chưa thành niên phạm tội.

Ngay sau khi hồ sơ vụ án bị trả để điều tra bổ sung, chúng tôi đã cuộc trao đổi với luật sư, thạc sĩ Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính- Đoàn Luật sư TP Hà Nội về lý do cơ quan chức năng cần phải xem xét hành vi phạm tội của Tường theo như kiến nghị của bố đẻ nạn nhân: Khởi tố bác sỹ Tường về tội Giết người.

Luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng: "Trong vụ án này, với quyết định truy tố, xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường với 2 tội danh trên là chưa đúng với hành vi, ý thức của các bị cáo. Chính điều này đã dẫn đến một hậu quả là rất nhiều vấn đề trong vụ án sẽ không thể được giải quyết đúng bản chất, triệt để, mục đích của hình phạt không đạt được và một điều đáng quan ngại nữa là cách giải quyết vụ án sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho xã hội”.

“Về nguyên tắc, khi giải quyết một vụ án hình sự, việc quyết định truy tố, xét xử người phạm tội theo tội danh gì cần căn cứ theo các quy định của pháp luật Hình sự, đúng người, đúng tội và hình phạt được tuyên đối với bị cáo phải đảm bảo được mục đích quy định tại điều 27 Bộ luật Hình sự: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm".

Tuy nhiên, nếu bác sỹ Tường bị truy tố và xét xử với 2 tội danh trên, theo luật sư Cường, vụ án không được giải quyết đúng bản chất và không triệt để sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho xã hội.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Ảnh: Tuấn Nam)

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Ảnh: Tuấn Nam)

Cụ thể, liên quan đến hành vi ném xác nạn nhân xuống sông, bị cáo Tường và Khánh bị truy tố, xét xử về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tuy nhiên, xem xét toàn diện về hành vi, nguyên nhân, động cơ, mục đích, cả về ý thức chủ quan của các bị cáo khi ném xác nạn nhân xuống sông, thấy rằng các bị cáo hoàn toàn không có mục đích xâm phạm thi thể nạn nhân. Toàn bộ các chứng cứ của vụ án thể hiện các bị cáo thực hiện hành vi này là để che giấu việc gây ra cái chết cho nạn nhân. Vậy nếu các bị cáo bị truy tố, xét xử và dù phải chịu hình phạt về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” thì chính bản thân các bị cáo và cả dư luận xã hội sẽ không thể “tâm phục khẩu phục”, và như vậy thì mục đích giáo dục của hình phạt sẽ không đạt được.

Thứ hai, khi xảy ra việc nạn nhân chết, rất nhiều nhân viên không những biết sự việc mà nhiều người còn tích cực tham gia vào việc tẩu tán chứng cứ, xóa dấu vết… Sau khi điều tra, xác minh, cơ quan chức năng đã kết luận các đối tượng này đã có hành vi không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm. Tuy nhiên, do bị cáo Tường bị khởi tố theo điều 242 nên không có cơ sở pháp lý để xử lý các đối tượng này. Thêm nữa, việc vợ của bị cáo Tường cùng có mặt trên xe ô tô trong quá trình chở nạn nhân đi phi tang, chứng kiến tận mắt việc Tường và Khánh ném xác nạn nhân xuống sông rồi sau đó không hề thông báo gì với các cơ quan chức năng…

Tất cả các hành vi đó, cũng như lý do không xử lý hoặc không thể xử lý được của các cơ quan chức năng không những khiến dư luận xã hội, gia đình nạn nhân bất bình mà điều đáng lo ngại là nó có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho xã hội.

Luật sư Chu Mạnh Cường cũng bày tỏ sự lo ngại nếu những vấn đề trên không được giải quyết một cách triệt để thì có thể sẽ dân đến tình trạng “vẽ đường cho hươu chạy” khi đưa ra tình huống: "Sau khi vụ án này được xét xử, trong tương lai, tại một phòng khám tư nhân, một thẩm mỹ viện nào đó, có bệnh nhân, do lỗi của bác sĩ bị lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, thay vì phải kịp thời đưa ngay bệnh nhân vào các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị để cấp cứu thì, vì sợ “lộ” hành vi sai phạm của mình, bác sĩ sẽ cố tình giữ lại để tự làm một việc được gọi là “cấp cứu” tại cơ sở của mình, mặc dù cơ sở đó không hề có các điều kiện của một cơ sở cấp cứu. Và nếu bệnh nhân không may tử vong, vị bác sĩ lại đứng trước sự lựa chọn: Che dấu hay nhận trách nhiệm. Nếu nhận trách nhiệm thì sẽ mất rất nhiều và vị bác sĩ có thể sẽ nhìn vào tiền lệ vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường để xử lý. 

Theo bố chị Huyền, cơ quan chức năng cần xem xét và khởi tố bác sỹ Tường về tội Giết người (Ảnh: Tuấn Nam)
Theo bố chị Huyền, cơ quan chức năng cần xem xét và khởi tố bác sỹ Tường về tội Giết người (Ảnh: Tuấn Nam)

 

Khi đó, vị bác sĩ sẽ gọi các nhân viên biết vụ việc đến và ngã giá, nếu họ giữ im lặng, giúp che dấu vụ việc thì cơ sở vẫn giữ được uy tín, họ vẫn có việc làm, sẽ được tăng lương cao, được cho tiền… còn nếu để lộ ra thì cơ sở sẽ bị đóng cửa, mất việc. Và để các nhân viên yên tâm, tránh liên lụy (như trường hợp của Khánh) vị bác sĩ sẽ nhận tự làm một mình việc tiêu hủy xác nạn nhân. Và để thuyết phục, chứng minh cho việc: “Nếu sau này có bị lộ ra thì mọi người giúp che dấu, không tố giác cũng không bị làm sao đâu”, vị bác sĩ chỉ cần đưa ra “Vụ án tiền lệ Thẩm mỹ viện Cát Tường”. Vậy là các nhân viên sẽ cân nhắc, và chắc là sẽ không ít người chọn phương án “im lặng” giúp vị bác sĩ vì họ sẽ được lợi, và họ cũng đã có “tiền lệ” để tin rằng giả sử có lộ ra thì họ cũng chẳng làm sao".

Trước ý kiến cho rằng trong trường hợp bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bị chuyển sang tội “Giết người” sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng: “Tội giết người quy định tại khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm, được xếp vào loại tội phạm rất nghiêm trọng. Xét về tính chất thì là tội nặng hơn so với các tội mà bị cáo Tường đang bị truy tố hiện nay. Tuy nhiên, trong trường hợp các Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định chuyển tội danh sang tội giết người thì sẽ có rất nhiều thay đổi liên quan đến tội danh của các bị cáo, cụ thể là:

Nếu như bị truy tố về tội giết người thì bị cáo Tường sẽ không còn bị truy tố về hai tội danh hiện nay nữa. Hành vi phi tangxác nạn nhân sẽ không còn bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” nữa mà có thể sẽ chỉ được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm” được quy định tại điểm o khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự. Hành vi cùng với Tường phi tang xác nạn nhân của bị cáo Khánh cũng sẽ không còn bị truy tố tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” nữa mà có thể sẽ bị truy tố với tội danh “Che dấu tội phạm” theo điều 313 Bộ luật Hình sự, đúng với bản chất của sự việc.

Trong trường hợp chuyển sang tội giết người, mức hình phạt của bị cáo Tường sẽ chỉ ở một tội danh, thay vì tổng mức hình phạt sẽ là của hai tội danh cộng lại như truy tố hiện nay. Căn cứ khung hình phạt được quy định ở các tội danh tương ứng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo Tường có thể được hưởng như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, có thành tích trong công tác … Mức hình phạt của bị cáo không chắc đã cao hơn trường hợp bị truy tố về hai tội”.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại