Tác giả "Tứ Đại Ngu' có dấu hiệu phạm luật hình sự

Theo TPO |

Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cho rằng vụ "Tứ đại ngu' không phải chuyện trao đổi quan điểm, mà là vấn đề xúc phạm người khác. Tác giả có dấu hiệu vi phạm luật Hình sự...

Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội
Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội. 

Thưa luật sư, ông có theo dõi sự việc đại biểu Hoàng Hữu Phước viết bài Dương Trung Quốc – Bốn Điều Sai Năm Cũ (Tứ Đại Ngu) trên blog cá nhân?

Tôi cũng biết thông tin về vụ việc qua các bài viết trên mạng và các báo.

Là người công tác tại Quốc hội nhiều năm, luật sư từng chứng kiến việc các ĐBQH trao đổi với nhau theo lối như vậy chưa?

Trên thực tế công tác tại QH 4 khóa, tôi chưa từng thấy một đại biểu nào có phát ngôn kiểu như ông Hoàng Hữu Phước. Đây là sự việc bất bình thường và chưa từng có!

Trao đổi cùng báo chí ngày 19/2, đại biểu Hoàng Hữu Phước đã gửi lời xin lỗi tới đại biểu Dương Trung Quốc, luật sư đánh giá như thế nào về lời xin lỗi này?

Theo tôi với những phát biểu không bình thường như của ông Phước thì ông không đủ tư cách, phẩm chất của một ĐBQH và lời xin lỗi của ông là vô nghĩa.

Có dư luận cho rằng, quá trình thẩm tra tư cách ứng viên ĐBQH, Đại biểu Quốc hội chưa chặt chẽ và bàn luận về vấn đề kiểm soát hành vi của đại biểu Hoàng Hữu Phước?

 Điều 3 Luật bầu cử ĐBQH quy định một đại biểu phải có những tiêu chuẩn như phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đối với những  ĐBQH có triệu chứng không bình thường, tôi không rõ trong thời kỳ thẩm định ứng viên ĐBQH có phát hiện ra điều này hay không? Nhưng đối với những người không kiểm soát được năng lực hành vi của mình thì không đủ tư cách là ĐBQH.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước.

Nhìn ở góc độ khác thì việc trao đổi của ông Hoàng Hữu Phước cũng có mặt tích cực, đó là các đại biểu cất tiếng nói ngoài nghị trường, có trao đi đổi lại về quan điểm, lập trường?

Trước tiên, Quốc hội luôn khuyến khích việc tranh luận, vì có tranh luận mới có sự đồng thuận. Nhưng không có nghĩa đại biểu lợi dụng việc đó để xúc phạm người khác.

Trong vụ việc này, theo tôi không phải vấn đề trao đổi quan điểm, mà là vấn đề xúc phạm người khác. Nếu cần trao đổi có thể qua diễn đàn Quốc hội. Việc xúc phạm người khác thì dù bất kỳ ai cũng không được quyền, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm luật Hình sự.

Theo luật sư, vi phạm cụ thể ra sao?

ĐBQH đại diện ý chí nguyện vọng cử tri cả nước. Họ có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tham gia bầu cử và có thể được bầu vào các chức danh Nhà nước, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức của Quốc hội. Đại biểu có quyền bất khả xâm phạm và miễn tố. Nhưng không có quyền nào là quyền được xúc phạm người khác.

Hành vi của ông Phước là có hệ thống, nếu tính từ khi ông phát biểu về Luật biểu tình trên blog cá nhân. Và việc này có dấu hiện vi phạm điều 121 Bộ luật Hình sự (1999) – tội làm nhục người khác.

Khung hình phạt đối với tội này cụ thể ra sao thưa ông?

Trong luật nói rõ người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Có ý kiến cho rằng đây là câu chuyện cá nhân, chưa đến mức phải bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Hoàng Hữu Phước?

Điều 3 của quy chế là ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng. ĐBQH phải là người có tư cách, phẩm giá, vị trí cao, đại diện cho cử tri không phải của riêng TP HCM mà của cả nước.

Cá nhân tôi, với tư cách là một cử tri của TP HCM tôi đề nghị xóa tên ông Hoàng Hữu Phước khỏi danh sách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.

Nếu điều đó xảy ra, quy trình xử lý, bãi nhiệm ĐBQH phải qua bao nhiêu bước thưa ông?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Luật Tổ chức Quốc hội (2002, sửa đổi bổ sung 2007) Đã có quy định cụ thể về điều này. Tại điều 56, khi ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Theo quy định này, "Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm ĐBQH theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Theo ông, để tránh những vụ "Tứ đại ngu' khác tái diễn, liệu chúng ta cần thiết có thêm quy chế phát ngôn của các ĐBQH hay không?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Chúng ta đã có Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội (2002, sửa đổi bổ sung 2007), Quy chế hoạt động của DDBQH. Gần đây Quốc hội bãi miễn bà Đặng Thị Hoàng Yến theo đúng quy trình đã được quy định từ trước. Với trường hợp ông Hoàng Hữu Phước cũng vậy, theo tôi không cần phải có thêm quy chế gì thêm.

Luật sư đánh giá ra sao về hành xử của Đại biểu Dương Trung Quốc – người bị ông Phước đề cập tới trong bài viết Tứ đại Ngu?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Trong sự việc này tôi không ủng hộ ai, bênh vực ai. Tuy nhiên tôi ủng hộ ý kiến mọi việc nên trao đổi trước diễn đàn Quốc hội.

Xin cảm ơn luật sư.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại