Suốt 3 tháng trời ở viện không về nhà, sụt 6 kg để lập nên kỳ tích

Kim Ngân |

GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường (Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103) chia sẻ câu chuyện có “một không hai” về ca ghép thận, ghép gan đầu tiên ở Việt Nam mà ông tham gia.

3 tháng ở viện, sụt 6 kg

Sau hai lần chúng tôi hẹn xin gặp phỏng vấn, GS.TS Đỗ Tất Cường mới đồng ý. Với vai trò là Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hà Nội, hàng ngày ông bận rộn gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Trong thời gian ngắn ngủi tranh thủ lúc nghỉ trưa của mình, ông kể cho chúng tôi những kỷ niệm khi thực hiện những lần ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam.

“Suốt 3 tháng trời ở bệnh viện không về nhà, mặc dù bệnh viện chỉ cách nhà 11 cây số, thời gian ấy tôi sụt 6 kg. Nhưng điều đó chẳng là gì khi mình mang lại hạnh phúc cho một con người, một gia đình”. Ông đưa tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác về câu chuyện hơn 40 năm gắn bó với ngành y.

Mặc dù đã hơn 20 năm qua nhưng khi nhắc đến ca ghép thận đầu tiên ở nước ta, ông vẫn nhớ như in từ ngày tháng, tên tuổi bệnh nhân đến những chi tiết nhỏ khác. “Đó là vào ngày 4/6/1992 và trong tuần đó chúng tôi ghép liên tiếp 3 ca” - ông kể.

GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường (Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103) chia sẻ câu chuyện ca ghép thận, gan đầu tiên của nước ta.
GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường (Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103) chia sẻ câu chuyện ca ghép thận, gan đầu tiên của nước ta.

Thời đó, ngành y nước ta còn khó khăn, ngay cả phương tiện, dụng cụ vẫn còn thiếu. Chuyên gia Pháp, Cu- Ba sang Việt Nam đều nói rằng: “Nếu ghép trong điều kiện thế này thì không đảm bảo”. Nhưng GS. Chu Su Lee, Chủ tịch Hội ghép tạng Đài Loan lúc bấy giờ nói: “Chúng ta học bơi rồi mà không nhảy xuống nước thì không bao giờ biết bơi”.

Vì vậy, đội ngũ chuyên gia đầu ngành do GS. Lê Thế Trung đứng đầu đã phối hợp giữa các nhà khoa học y học quân y và dân y của cả nước quyết tâm thực hiện 3 ca ghép thận đầu tiên. Bộ trưởng Bộ Y tế GS. Phạm Song, Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ thêm các phương tiện, dụng cụ.

“Lúc đó Bệnh viện 103 không có khu vực ghép riêng, vì vậy, sau khi ghép thận, bệnh nhân nằm theo dõi tại phòng mổ. Bệnh nhân đi vệ sinh ngay trong phòng. Bác sỹ không có phòng ngủ, nhiều đêm mệt quá chúng tôi nằm ngay trên sàn phòng mổ, cạnh giường bệnh nhân. Tôi ở viện suốt 1 tháng như vậy!” - GS.TS Đỗ Tất Cường nhớ lại.

Cuối cùng, sự nỗ lực và tận tụy của đội ngũ y bác sỹ đã được đền đáp, ca ghép thận đầu tiên thành công tốt đẹp. Tổng thời gian GS.TS Đỗ Tất Cường ở Viện 103 và Viện bỏng Quốc gia là 3 tháng liền không về nhà và ông sút 6 kg.

“Lo lắng chứ! Vì Việt Nam chưa ghép tạng bao giờ. Hơn nữa, thiết bị y tế của mình còn thiếu, đặc biệt là chưa có máy định lượng nồng độ thuốc ức chế miễn dịch điều trị sau ghép tính bằng Nanogram, rất khó khăn cho việc điều chỉnh thuốc và điều trị loại thải ghép” - GS.TS Đỗ Tất Cường chia sẻ.

Trường hợp ghép thận thứ 2 chỉ sau ca đầu 2 ngày. Đêm 5/6/1992, ngay trước ngày ghép, ông lên cơn đau dạ dày dữ dội. Với cương vị phụ trách, nhiều áp lực, trách nhiệm dồn lên vai, ông không cho phép mình bị ốm hay vắng mặt. 4 giờ sáng hôm sau ông vẫn dậy chọc tĩnh mạch dưới đòn, truyền thuốc cho bệnh nhân và sau đó vẫn vào phòng mổ bình thường.

 “Ba ca ghép thận đầu tiên thật gian khó. Áp lực, lo lắng, căng thẳng! Hàng tháng trời ở viện, cho dù có sút 6 cân hay 10 cân nhưng những kết quả đạt được là phần thưởng vô giá đối với thầy thuốc và từ đây đã mở ra một kỷ nguyên mới cho chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam” - người thầy thuốc tận tâm cười hiền từ.

“Cơm canh nguội ngắt như đá”

Đó là kỷ niệm về ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam mà ông tham gia vào ngày 31/01/2004, khoảng thời gian ông không thể nào quên trong hơn 40 năm làm nghề “lương y như từ mẫu”.

Hôm đó là ngày 10 Tết Âm lịch, khi chuẩn bị tiến hành ca ghép gan đầu tiên cho bé Nguyễn Thị Diệp cũng là lúc cụ thân sinh của vợ bác sĩ Cường bị tai biến mạch máu não đang nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 103. Mặc dù chỉ cách nhau ít phút đi bộ nhưng do yêu cầu nghiêm ngặt của công việc, đặc biệt là tránh nhiễm khuẩn chéo cho bệnh nhân sau ghép, ông không thể một lần về chăm sóc bố vợ trong suốt 1 tháng trời.

Để chuẩn bị cho ngày mổ, toàn bộ ekip y bác sỹ chuẩn bị từ 5 giờ sáng và thức trọn đêm đến 5 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành ca ghép. Ngày hôm sau lại tiếp tục túc trực suốt đêm như vậy, nếu có mệt quá thì chỉ chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một chút. Suốt thời gian đó, ông ăn ngủ ở trong viện, mọi người ví việc ra vào khu vực sau ghép như đi vào “vũ trụ” vì phải thay quần áo đủ lớp, khử khuẩn…

Ông giải thích: “Ghép gan không giống như ghép thận: đối với gan, mình không sử dụng được máy hỗ trợ vì thế phải đảm bảo ổn định cho cả người cho – người nhận. Chúng tôi bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn và gần như không ai dám ngủ”.

Trong suốt một tháng trời ấy, ông và các đồng nghiệp chăm sóc bé Diệp không rời mắt, không biết tới thời gian ăn cơm. Nhiều lần vừa cầm đũa thì bệnh nhân có vấn đề, ông lại vội có mặt ngay, đến lúc quay về thì cơm canh đã nguội ngắt giữa trời đông.

Lại nói đến những ca ghép thận, nhiều lần ông cùng GS.TSKH.Phạm Mạnh Hùng (hiện nay là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam) thức suốt đêm theo dõi chức năng ghép thận thông qua nước tiểu của bệnh nhân.

“Sau khi ghép thận xong bệnh nhân bị loại thải cấp, bị sốt và nước tiểu không ra. Có những lúc mỏi quá, tôi với GS. Phạm Mạnh Hùng ngồi bệt xuống sàn nhà chăm chăm theo dõi từng giọt nước tiểu của bệnh nhân để điều chỉnh thuốc” - GS.TS Đỗ Tất Cường tâm sự.

Xen giữa cuộc nói chuyện ngắn của chúng tôi là những cuộc điện thoại và nhân viên đến xin chỉ đạo công việc. Suốt 42 năm yêu, gắn bó và cống hiến với nghề Y, đối với ông kỷ niệm về những ca ghép tạng đầu tiên ấy mà ông gọi là “câu chuyện bây giờ mới kể” không nhiều người thể hình dung được. Đó là sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc. Họ tự nguyện hy sinh mà quên đi sức khỏe, việc cá nhân hay cả gia đình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại