Ghẹ là một loài hải sản được nhiều người ưa thích. Có nhiều loại như ghẹ hoa, ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm... nhưng ghẹ xanh được đánh giá là có giá trị hơn cả vì to và cho thịt ngọt, thơm.
Ghẹ xanh (còn gọi là ghẹ hoa) có vỏ màu xanh và các chấm trắng trên lưng, ngoài khai thác tự nhiên, ngư dân nhiều nơi trong nước còn nuôi ghẹ xanh thương phẩm trong ao, hồ, thả lồng nuôi trên biển; ngoài ra ngư dân còn nuôi ghẹ lột cho thu nhập cao. Mùa vụ thả nuôi ghẹ xanh từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch hằng năm. Thức ăn của ghẹ xanh là các loại cá, mực… Nguồn ghẹ xanh tự nhiên lâu nay được ngư dân đánh bắt và bán cho thương lái với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng trọng lượng từ 1,3 - 1,5 kg sau khi đưa vào nuôi thành phẩm ghẹ lột, có giá cao gấp 3 - 4 lần.
Ghẹ xanh đi kiếm ăn khi thủy triều lên. Thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các động vật hai mảnh vỏ, cá tạp cho đến các loại rêu, tảo…
Trong 100g ghẹ ăn được có: 93Kcal, 75,5g nước, 19,9g protein, 2,2g glucid, 1,9g tro, 134mg canxi, 180mg phốtpho,0,04mg vitamin B1, 0,07G vitamin B2,…Phần tập trung nhiều thịt nhất chính là đùi ghẹ rồi mới đến thân lớn. Phần gạch ẩn trong mai của ghẹ khi chế biến vừa có vị béo lại vừa có tác dụng làm ngọt, bùi và tăng hương vị cho món ăn.
Theo báo Bình Định đưa tin, mới đây tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đã triển khai một mô hình nuôi trồng hải sản mới, đó là nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển. Mô hình nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên CCB ở địa phương.
Đây là mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm đầu tiên ở địa phương, bên cạnh nhiều mô hình nuôi hải sản khác như nuôi tôm hùm thương phẩm, nuôi tôm hùm giống, ốc hương thương phẩm, cá bóp… Hiện giá ghẹ giống từ 28.000 - 35.000 đồng/kg ( khoảng 40 - 50 con/kg), thời gian nuôi 3 tháng là có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ ghẹ xanh đang khá rộng rãi. Hiện giá ghẹ xanh thương phẩm trên thị thường bình quân từ 180 - 250 ngàn đồng/kg.
Vì nhu cầu tiêu thụ lớn và giá thành cao nên gẹ xanh đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên, dẫn đến suy giảm nguồn lợi, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Nhằm tìm hướng đi lâu dài cho loại thương phẩm này, trường Trung cấp nghề Thủy sản Hải Phòng đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh, thông tin được đăng tải trên báo Nông nghiệp Việt Nam.
Việc sản xuất nhân tạo thành công giống ghẹ xanh mở ra một cơ hội cho ngành nuôi trồng thủy sản Hải Phòng nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước nói chung. Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trên các đối tượng hải sản truyền thống như cá biển và tôm he nhưng nhưng gần đây, do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nên năng suất, hiệu quả của nghề nuôi các đối tượng này còn thấp.
Trong số các đối tượng nuôi mới, ghẹ xanh là đối tượng nhiều tiềm năng do khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường nuôi.
Tổng hợp