Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn và ở một số khu vực, người dân đang truyền tay nhau một bộ bí quyết sống gồm 27 điều được cho là do tổ tiên chúng ta đời xưa truyền lại nhằm làm bảo bối dưỡng sinh. Trong đó, nội dung chủ yếu bao gồm những lời khuyên về các kinh nghiệm, quy tắc trong cuộc sống hàng ngày như ăn, ngủ, nghỉ, làm việc...
"Tôi thấy có mấy người bạn sinh hoạt cùng tổ hưu đưa cho và theo dõi qua 27 điều này thì thấy đây đúng là những kinh nghiệm rất quý từ ông cha ta truyền lại. Tôi đã học tập làm theo được một số điều và qua việc thực tập theo các điều đấy thì thấy mình sống điều độ hơn, sức khỏe có phần tốt dần lên", bà Nguyễn Thị Dung (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Vân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, qua việc học theo bí kíp 27 điều này đã giúp cho ông đỡ hẳn bệnh đau đầu.
"Trước đây, tôi có bị đau đầu khá thường xuyên nhưng sau khi theo dõi và học các điều trong 27 bí kíp dưỡng sinh thì tôi ít suy nghĩ đi, tối ngủ đúng giờ, sáng dậy sớm, tập thể dục, ăn uống điều độ, không rượu, bia, thuốc lá... Nhờ đó mà bệnh đau đầu đỡ hẳn, sức khỏe cũng tốt hơn", ông Vân nói.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh bộ 27 điều bí quyết này, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Xuân Giao, nguyên trưởng phòng Đông y thực nghiệm (Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương) cho rằng, đây là những lời khuyên được rút ra từ kinh nghiệm sống trong dân gian cũng như phép dưỡng sinh.
"Thực tế đây không phải là bí quyết gì cả mà chỉ là các kinh nghiệm sống của dân gian từ bao lâu nay hay trong các phép dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được đúc rút ra để khuyên con người chừng mực, điều độ trong ăn, ngủ, nghỉ, chơi.
Ví dụ như tối ngủ rửa chân hơn uống thuốc bổ chính là việc ngâm chân trước khi đi ngủ giúp thư giãn, tinh thần sảng khoái, giấc ngủ ngon hơn... Hay không nên cáu, giận dễ già. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối...
Tuy nhiên, có một số điều trong đây chưa thật chuẩn như không ai ăn gạo có trấu cả mà người ta ăn gạo lứt tức là gạo bỏ đi lớp trấu còn lại lớp cám gạo rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng.
Nhưng tóm lại, theo tôi, những lời khuyên này rất hữu ích và nếu thực hiện được theo đúng các điều này này sẽ giúp con người sống phù hợp, cân bằng và tốt cho sức khỏe".
Ông Giao cũng phân tích thêm với lời khuyên muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông là bởi lẽ, trong đông y thì chân là âm, đầu là dương. Mà Đông là nơi mặt trời mọc, Tây là mặt trời lặn tức là một bên dương sinh và một bên dương thịnh.
Nếu nằm như chân hướng tây, đầu hướng đông sẽ không cân bằng âm dương hay nói cách khác là dương nhiều quá. Vì vậy, cần quay chỉnh để cho cân bằng, hài hòa âm dương, từ đó, giúp sức khỏe được đảm bảo.
27 bảo bối dưỡng sinh của tổ tiên của chúng ta đã kiểm nghiệm cho hậu thế:
1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ. Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở;
9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều.
11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội.
12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít.
14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông.
15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi.
16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa.
17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông