Thời gian gần đây, người dân bản Chiềng Ban (xã Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) xôn xao việc nhìn thấy "bà chúa cá” đeo khuyên tai vàng bơi lội trong “suối cá thần” nằm trên địa bàn. PV đã đến tận nơi để tìm hiểu thực hư xung quanh thông tin này.
Truyền thuyết "bà chúa cá” đeo khuyên tai vàng
Từ đường mòn Hồ Chí Minh ngược theo quốc lộ 217 cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến “suối cá thần” huyền bí của bản Chiềng Ban. Theo quan sát, cá ở đây có hình thù rất kỳ lạ như lưng và đuôi có chấm đỏ viền xanh, môi phớt hồng, vây đỏ tía, hai bên mang còn phủ một lớp ánh kim hình tròn óng ánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Bớ (70 tuổi, người dân bản Chiềng Ban) nói: “Cá này thiêng lắm, dân trong bản không ai dám đánh bắt và ăn thịt. Ngày nhỏ, vào lúc hội của bản, chính tôi đã nhìn thấy "bà chúa cá” đeo khuyên tai vàng”.
Ông Hà Văn Bớ chia sẻ với PV.
Ông Bớ chia sẻ: “Xưa kia, trong bản có một thiếu nữ tên là Sương Tuyết. Vì cô có sắc đẹp nên đã khiến cho nhiều chàng trai trong bản thầm yêu trộm nhớ. Một hôm, cô gái vào suối tắm, bỗng nhiên có một con cá bơi ra muốn làm bạn với cô. Khi cô gái trở về lại xuất hiện một chàng trai tuấn tú chờ đợi trên mỏm đá trước của hang, thế rồi họ phải lòng nhau lúc nào không ai hay biết".
Vào một đêm mùa thu tháng 8, khi ánh trăng đang còn lấp ló trên đỉnh đồi, chàng trai hẹn cô gái ra suối cầu hôn. Vật đính ước mà chàng tặng cho nàng chính là đôi khuyên tai bằng vàng. Lúc trở về, bà mẹ phát hiện cô gái đeo khuyên tai vàng và gặng hỏi chuyện nhưng cô gái không trải lời.
Vì giận hờn nên tối hôm sau cô gái đã bỏ nhà đi biền biệt, dân bản hoài nghi cho rằng cô ra suối cá tắm nên bị diêm vương bắt mất. Bà mẹ nghe lời đồn thổi nên ngày nào cũng ra suối cá khóc lóc gọi con về. Bà khóc cạn cả nước mắt nhưng con gái vẫn biệt tăm. Được một thời gian sau vì thương con nên người mẹ lâm bệnh qua đời.
Và đúng cái hôm bà mẹ mất, đột nhiên sấm sét, mây đen bay về vây kín bản. Từ trong hang “cá thần” bỗng nhiên nước bắn ra tạo thành một cơn cuồng phong. Tối hôm ấy, bất ngờ cô Sương Tuyết cùng một chàng trai tuấn tú quay về chịu tang mẹ. Vừa bước chân lên nhà sàn thì lấp tức chàng trai biến thành một con rồng đến bên quan tài, nước mắt rồng cứ thế chảy ra. Sáng hôm sau, con rồng kia biến mất và dòng nước cũng lặng hẳn.
Gia đình thấy con trở về nên ai cũng mừng, lúc này, cô mới kể lại đầu đuôi câu chuyện từ khi bị công tử Long Vương bắt xuống thủy cung làm vợ cho mọi người nghe. Vì muốn con gái ở lại trần gian nên người cha đã nhốt con vào buồng kín khóa lại. Được một tuần, sóng gió bão bùng ở đâu lại ập tới lần nữa và cuốn mất cô gái đi biền biệt từ đó đến giờ".
Cũng theo ông Bớ, khi biết được sự linh thiêng của suối cá, dân bản đã dựng một ngôi miếu phía trên suối chừng 10m. Cứ vào ngày 20 tháng 8 (âm lịch) cũng là thời gian cô Sương Tuyết bỏ bản ra đi, cả làng lại tổ chức lệ hội ở miếu thờ “cá thần”, họ thắp nhang cầu sức khỏe, may măn, tài lộc... Vào những ngày này sẽ có "cá chúa ông" và "cá chúa bà" bơi ra dạo chơi. Nhiều người trong bản đã nhìn thấy "bà chúa cá” đeo khuyên tai vàng ở hai bên mang. Dân bản cho rằng chính con cá đó là do cô Sương Tuyết hóa thành.
Cuộc sống của dân bản đang yên lành thế nhưng về sau lại có những cái chết liên quan đến loài cá thần. Điều ấy khiến cho “suối cá thần” trở nên linh thiêng và đáng sợ hơn rất nhiều.
Sự thật về những cái chết bí ẩn ở "suối cá thần"
Nhớ lại chuyện xưa, ông Hà Văn Bớ tiếp lời, nạn đói năm 1945 khiến người dân trong bản phải oằn lưng lên non đào khoai tìm sắn. Dù đã được cảnh báo nhưng một người đàn ông trong bản tên Thường lại tự ý đem chài đến suối cá thần bắt cá. Ông bắt được ba con, một con ông giết thịt, còn hai con ông lại thả xuống ao nhà.
Một hôm, vợ đi vắng, ông Thường ở nhà làm thịt cá ăn. Sau bữa ăn ấy, ông Thường bị ốm nặng lại còn nói mê bằng tiếng Thái rằng: “Xàm tồ xiếu mốt tồ” (nghĩa là ba con thiếu một con). Bà vợ biết ông nhà vẫn còn dấu hai con cá nữa ở dưới ao nên đã bắt thả về chỗ cũ, đồng thời cúng bái thần linh tha chết cho chồng. Tuy nhiên, bệnh tình ông Thường quá nặng, được mấy hôm sau thì ông qua đời. Từ đó cho đến nay, không ai có ý định bắt “cá thần” ở suối về làm thịt nữa.
Cụ Hà Thị Lý (67 tuổi, người ở bản Chiềng Ban) nói xen vào: “Vào thời Pháp đô hộ, giặc muốn giết hại cá thần, tuy nhiên hai già làng là ông Hà Công Bộ và Hà Văn Nho đã kịch liệt phản đối. Chúng phẫn uất nên đã đem hai ông ra cây đa cổ thụ gần suối cá treo cổ. Chính vì thế, “suối cá thần” có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân trong xã”.
Cũng theo lời kể của các cụ cao niên bản Chiềng Ban, cách đây vài năm, có một cây đa cổ thụ trước của hang cá, trên cây có rất nhiều tổ chim. Một hôm, đứa con thứ hai nhà ông Sự trèo lên cây bắt tổ chim, vừa mới bám vào cành thứ ba thì đứa con bị trượt chân ngã xuống gãy cả hai chân. Sau hôm ấy, ông Sự phải ra miếu thờ thắp nhang tạ lỗi, cũng may là các thần không "phạt nặng".
Hàng năm vào ngày lễ dân trong bản lại ra miều thờ thần cá thắp nhang cầu khấn.
Trao đổi với chúng tôi về những câu chuyện nhuốm mày huyền bí trên, ông Hà Văn Thoại, Phó Chủ tịch xã Văn Nho cho biết: “Xung quay miếu ở "suối cá thần" có nhiều câu chuyện linh thiêng lắm!. Chuyện ông Thường ăn cá bị thần linh quở chết là có thật. Vì sự linh thiêng của “suối cá thần” nên cũng không ai dám tìm hiểu nghiên cứu. Còn chuyện "bà chúa cá” đeo khuyên tai vàng, tôi cho đó là do chúng phủ một lớp ánh kim hình tròn lóng lánh bên hai mang nên người dân gọi như vậy mà thôi!”.
Theo ông Thoại, năm 2010, xã Văn Nho đã nâng cấp suối cá thành đập chứa nước để tưới tiêu. Tuy nhiên quá trình nâng cấp không hề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của đàn cá. Trong thời gian tới, xã sẽ lập hồ sơ gửi lên lên cấp huyện để xin nguồn vốn nhằm xây dựng “suối cá thần” thành khu du lịch sinh thái.
Năm 2010 xã Văn Nho nâng cấp suối cá thành một cái đập tràn để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.