"Sinh viên giấu bằng Đại học đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giày"

Hoàng Đan |

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng nêu, đừng chọn người nói thì hay mà làm thì dở, chỉ xoay sở tìm cách làm lãnh đạo và cần cương quyết chống bệnh ăn xổi.

Không được gian dối, chộp giật

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp Hồ Chí Minh) cho hay, ngoài những bước phát triển thì chúng ta phải đấu tranh quyết liệt với mặt trái, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.

"Trong kinh tế thị trường không phải mạnh ai người đấy làm mà phải cạnh tranh lành mạnh, không được gian dối, chộp giật, phải thu nộp đủ thuế cho ngân sách, chống ô nhiễm môi trường.

Không phải cứ có khu đất vàng là xin phép xây nhà cao tầng, bán kiếm lời, làm mất cảnh quan đô thị. Tôi đề nghị, Bộ trưởng Xây dựng cho biết việc xử lý sai phạm tại nhà số 8B Lê Trực (Ba Đình).

Phải chăng, sai phạm đến đâu phải cắt đến đó để làm gương. Lấy đất làm dự án, mở khu công nghiệp, kinh doanh thủy điện phải đền bù thỏa đáng cho người dân, phải lo tái đầu tư và điều quan trọng là tạo công ăn, việc làm cho họ.

Các doanh nghiệp muốn lợi nhuận và phát triển bền vững thì phải quan tâm đến người lao động. Đừng trả cho họ đồng lương rẻ mạt và cho họ ăn đồ tồn, ôi thiu.

Các thành phần kinh tế được tự do làm giàu nhưng phải biết chia sẻ lợi ích vì ai đã hy sinh xương máu để giành được độc lập, ai gìn giữ biên cương hải đảo, ai giữ gìn an ninh trật tự để có môi trường làm ăn và còn biết bao người nghèo còn chưa có cơm ăn, áo mặc.

Nhà nước cần điều tiết lợi nhuận, chống tích tụ tài sản, tiền bạc vào một nhóm người. Nhà nước phải điều hòa các nhóm lợi ích để bảo vệ quyền lợi của người dân và đầu tư phát triển trong kinh tế thị trường.

Đấy mới là nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó mới là công bằng, văn minh", ông Đương nói.

Ông Đương cũng đề nghị, phải đấu tranh quyết liệt với việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy.

"Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi.

Hôm nay, tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng, đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau cỏ, đem ra thị trường, vì yêu quê hương, đất nước, đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt", ông Đương nêu.

Giấu bằng Đại học đi làm thợ xây, phụ hồ

Đại biểu Đương cũng nêu ra một thực tế, đó là, trong khi phát triển kinh tế thị trường nhưng việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn theo lối cũ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động.

"Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng khi cho vào vận hành máy móc thì chỉ tìm được có 1 người.

Sinh viên ra trường phải giấu bằng Đại học đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giày, bán báo, thế thì đào tạo Đại học làm gì cho lắm.

Nhân đây, tôi cũng khuyên các em tốt nghiệp phổ thông và gia đình đừng nặng tâm lý đại học, thiết thực với việc học nghề, trưởng thành từ thực tiễn và sau này nâng tầm kiến thức sau.

Tôi đề nghị từ năm 2016 cần mở rộng các trường thực hành, giảm hoạt động các trường đại học nghiên cứu suông để tạo ra con người làm được, nói được, viết được.

Các cơ sở dạy nghề phải đối mới, nâng tầm để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để dạy nghề cho công nhân, dạy cho ngư dân cách bảo quản, khai thác thủy sản.

Dạy cho nông dân biết cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng theo công nghệ cao, công nghệ sạch", ông Đương bày tỏ.

Đồng thời, ông Đương cũng đề nghị trong tuyển chọn, đề bạt cán bộ công chức cần có tính cạnh tranh, công khai, minh bạch thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ, xã hội nhìn thấy.

"Đừng chọn người nói thì hay mà làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo. Cương quyết chống bệnh ăn xổi, dẫu còn một ngày làm công chức cũng phải tận tụy công việc.

Đề nghị Quốc hội cần ban hành Luật công vụ xác định rõ các chức danh, vị trí được làm để loại bỏ công chức ăn bám thì mới có điều kiện tinh gọn biên chế, tăng lương cho cán bộ tâm huyết, thực sự làm việc có hiệu quả.

Và theo tôi phải bằng cơ chế luật pháp buộc tinh gọn bộ máy, không chỉ của các cơ quan nhà nước mà kể cả các tổ chức công quyền khác, giảm thiểu các bộ phận trung giản, kể cả các Ban chỉ đạo, tránh thu chỗ này lại phình chỗ khác", ông Đương nói.

Để chống thất thu ngân sách nhà nước, chống lãng phí, giảm nợ công, ông Đương đề xuất đề Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Bộ Tài chính áp dụng mọi giải pháp để thu thuế tăng được 34.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp có khả năng nộp nhưng trây ỳ chưa nộp.

"Đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Thanh tra giao cho ngành Thanh tra có quyền trực tiếp thu hồi số tiền bạc nhà nước mà mình phát hiện không cần kiến nghị lòng vòng, dễ mất.

Chẳng hạn, năm 2015, thanh tra phát hiện trên 52 tỷ đồng và hơn 1.000 ha đất, số đó mà thu hồi ngay được thì chúng ta đỡ phải đi vay mà có tiền phát triển.

Luật pháp giao cho cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp đặc biệt để phát hiện, thu giữ tài sản tham nhũng. Hãy lấy vụ Giang Kim Đạt trong vụ Vinashin để xây dựng cơ chế hợp tác để săn tìm, thu hồi tài sản do tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.

Để khai thác tài nguyên hiệu quả, theo tôi, từ năm  2016 trở đi, tất cả các mỏ vàng bạc... khai thác đều phải được triển khai đấu thầu, thu tiền về cho ngân sách.

Tại sao lại cấp giấy phép cho người này, người khác, cứ xúc tài sản lòng đất, múc cát sỏi ở đáy sông bán lấy tiền cho mình. Đó là rút ruột quốc gia, làm suy yếu đất nước.

Chúng ta phải điều tra, truy cho tận cùng, xử lý nghiêm cán bộ, chính quyền nào cấp giấy phép khai thác sai pháp luật giống như tỉnh Đồng Tháp đã bỏ tù vì chuyện khai thác cát trái phép, đây là tấm gương đáng học.

Đề nghị những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải hứa trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là từ bản thân để làm gương cho người khác.

Bộ Luật hình sự tới đây phải quy định tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GT VT giải thích về việc đội vốn và khi nào thì hoàn thành tuyến đường sát Cát Linh- Hà Đông", ông Đương nêu vấn đề.

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị Quốc hội cho Tp HCM áp dụng biện pháp xử lý với người nghiện ma túy để cứu vớt người nghiện và giữu gìn an ninh trật tự.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ, sau 40 năm thống nhất đất nước, nhìn nhận nghiêm túc thì chúng ta vẫn chưa thoát khỏi vững chắc tình trạng nước nghèo.

"Chúng ta đều biết một nước công nghiệp hóa thể hiện ở năng lực sản xuất dựa trên sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào giá trị toàn cầu.

Nhưng đến nay thử hỏi mặt hàng nào của Việt Nam là sản phẩm điển hình, thể hiện năng lực kinh tế, thị trường thế giới. Thời gian hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa chỉ còn 5 năm nữa nhưng có lẽ khó đạt được.

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm của việc không đạt được này...", ông Nghĩa nêu.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ đến việc cần lưu ý trung tâm của mọi việc là ở con người.

"Hiện nay một trong những yếu kém của nền kinh tế là sự khuynh đảo của các nhóm lợi ích, sự câu kết của những người làm chính sách với các đại gia đang là một mối nguy hiểm, tiềm tàng và lớn nhất trong việc khai thác tối ưu tài nguyên.

Điều đáng lo ngại không chỉ không chỉ là lợi ích nhóm ngày càng thao túng mà nghiêm trọng hơn là chúng ta chưa có hệ thống pháp luật đủ mạnh để ngăn chặn nó...", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng nêu, việc chúng ta bày tỏ lòng yêu nước nhưng hình như ít nói về lòng thương dân.

"Quốc hội đại diện cho nhân dân đòi hỏi khi giám sát, quyết định phải thể hiện sự thương dân. Chỉ còn mấy tháng nữa sẽ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới, tôi đề nghị hai việc quan trọng nhất phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là:

Sắp xếp bộ máy và tinh giảm, sàng lọc biên chế. Có cơ chế tuyển chọn phù hợp nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Đồng thời, phải dân chủ thực sự trong ứng cử, bầu cử...", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại