Sáng ngày 7/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử với phần thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như về quá trình lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng.
Khi HĐXX hỏi bị cáo thấy bản cáo trạng viện kiểm sát đọc tại tòa truy tố bị cáo lừa gần 4.000 tỷ đồng có đúng không?
Huỳnh Thị Huyền Như: Dạ đúng.
HĐXX: Quá trình huy động vốn diễn ra chủ yếu vào thời gian nào?
Huỳnh Thị Huyền Như: Chủ yếu diễn ra từ giữa năm 2010 đến giữa năm 2011.
Theo lời khai của Huyền Như thì từ giữa năm 2008, Như bắt đầu vay lãi suất cao của Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý với lãi suất 0,4-1%/ngày, trong vòng 10 ngày phải trả. Nếu qua 10 ngày không trả thì sẽ tính lãi 5%/ngày. Từ giữa năm 2008 Huyền Như bắt đầu vay tiền người này trả tiền người kia.
HĐXX: Vì sao bị cáo không bán bất động sản, cổ phiếu để trả nợ mà phải huy động nguồn tiền lớn như vậy?
Bị cáo có bán bất động sản nhưng không thấm vào đâu so với lãi suất ngày càng lớn nên chỉ còn cách đi vay.
Bị cáo Huyền Như Khai thêm nếu chậm trả tiền thì bị Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý (2 bị cáo cũng bị truy tố tội cho vay nặng lãi trong vụ án này) nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Nếu không thanh toán kịp thì sẽ dẫn người lên ngân hàng bị cáo đang làm để quậy. Bị cáo đang làm cơ quan nhà nước nên rất sợ. Bị cáo hy vọng kinh doanh cổ phiếu có lãi để trả thế nhưng, thị trường đóng băng nên sợ chủ nợ làm lớn chuyện, sẽ bị đập vỡ mặt nên đi vay.
Ngoài ra Huyền như cũng thừa nhận đã thuê người làm con dấu giả ở công viên 23/9.
Cụ thể bị cáo làm 8 con dấu giả của Vietinbank Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Thịnh phát, Hưng Yên, Chứng khoán Sài Gòn, An Lộc…
Theo Huyền Như trong những nạn nhân bị lừa có Công ty dầu khí Thái Bình Dương (do ông Phạm Anh Tuấn làm giám đốc).
Phiên xử đầu tiên, Như mặc áo màu hồng nổi bật.
Ban đầu, bị cáo thỏa thuận miệng khi trao đổi trực tiếp với anh Tuấn, huy động vốn dưới hình thức ủy thác vốn đầu tư. Lãi suất chênh lệch trả thêm cho công ty 1-2%/năm.
Sau đó, bị cáo về gửi bản hợp đồng cho anh Tuấn nói thêm về lãi suất trong hợp đồng, lãi suất chênh lệch. Bị cáo thỏa thuận lãi suất 10,49%/năm, lãi suất chênh lệch 1-2%/năm, ngoài hợp đồng là khoản phải trả bằng tiền mặt theo cách tính phí 0,04%/ngày nhân cho số tiền và nhân với số ngày.
Hợp đồng đầu tiên, bị cáo làm với Thái Bình Dương qua Trần Hoàng Trung, những hợp đồng kế tiếp mới làm với Phạm Anh Tuấn. Phí ngoài hợp đồng bị cáo trả cho Công ty Thái Bình Dương nhưng thông qua Trần Hoàng Trung chứ không phải tiền môi giới. Từ hợp đồng thứ 2 cũng tương tự nhưng thông qua Phạm Anh Tuấn.
Chiều nay, tòa tiếp tục thấm vấn Huyền Như để làm rõ các khoản tiền chiếm đoạt của một số ngân hàng TMCP, trong đó Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt 718 tỷ đồng.