"Không có Hội đồng điểm sàn"
Đối với phương án đổi mới kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 thì các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh, đồng thời Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết quả sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh.
Như vậy năm nay, sẽ có một Hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD&ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường thay thế cho phương án điểm sàn như những năm trước đây.
Ông Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT) nói: “Bộ GD&ĐT đã nhận sự khó khăn về phía mình để tạo sự dễ dàng cho người học, tiêu chí là đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Những năm trước đây, Bộ có hội đồng điểm sàn để tư vấn cho Bộ nhằm xác định điểm sàn cho từng khối. Năm 2012 -2013 Bộ đã đưa lên diễn đàn và nhận nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng phương án điểm sàn. Vì vậy, năm 2014 sẽ không có Hội đồng điểm sàn mà có chỉ có Hội đồng tư vấn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”.
Những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Chiều ngày 24/2, Bộ GD&ĐT chốt phương án không miễn thi 20% thi tốt nghiệp. Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT) nói: “Phương án này được dư luận ủng hộ và đây là chủ trương đúng của Bộ GD&ĐT để khuyến khích học sinh có năng lực phấn đấu, thậm chí có ý kiến nên miễn thi nhiều hơn từ 50 -70%. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của các cơ quan quản lý giáo dục, Bộ nhận thấy cách dạy và cách học ở mỗi trường khác nhau vì vậy việc miễn thi này sẽ gây nhiều khó khăn cho nhiều địa phương”.
Điểm mới thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn chứ không là môn bắt buộc như trước. Môn Ngoại ngữ vẫn giữ thời gian thi là 60 phút và gồm hai phần: trắc nghiệm và viết luận. Điểm mới này sẽ không áp dụng vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Việc thi tốt nghiệp còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Theo ông Mai Văn Trinh, để tránh nhầm lẫn trong việc tổ chức thi, mỗi học sinh chỉ có một số báo danh duy nhất, mỗi ca thi là một môn thi và được chia theo cặp môn tự nhiên và xã hội (có thể Lịch sử đi với Địa lý, Văn với Hóa học..) để giảm số lượng học sinh trùng môn thi và áp lực thi trong một ngày.
Hơn nữa, học sinh có ít nhất 75 phút để thi môn khác và hội đồng tổ chức thi cũng có 75 phút để thực hiện khâu kỹ thuật đảm bảo kỳ thi an toàn, có hệ thống.
Về vấn đề này, nhiều người lo lắng rằng việc giảm số môn thi còn 4 môn, đưa môn Lịch sử, Ngoại ngữ vào môn tự chọn sẽ gây ra hiện tượng học “lệch tủ” đối với học sinh. Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời: Câu chuyện giáo dục không bao giờ có đáp số cuối cùng, Bộ GD&ĐT khẳng định thi 4 môn sẽ không làm khó cho nhà trường và không gây sốc cho học sinh và sẽ tiệm cận dần từ dễ đến khó, từ nông đến sâu. Hơn nữa, năm nay kết quả thi tốt nghiệp THPT 50% sẽ được đánh giá từ kết quả cả quá trình học tập ở lớp 12 của học sinh vì vậy chuyện học lệch sẽ không xảy ra.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, tiến tới những năm sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới phương án biến 4 môn thi thành 4 bài thi.
Trả lời báo chí về phương án đổi mới này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Bài thi tổng hợp trong đó bài thi đó đo được nhiều chỉ số, không chỉ kiến thức môn mà bao nhiêu kỹ năng khác ví dụ Toán đo khả năng tư duy, kiến thức ứng dụng của môn Toán; Văn đọc hiểu). Xu hướng của thế giới tiến tới đề thi tổng hợp, chúng ta chưa thể làm được 2 bài thì làm 4 bài thi tổng hợp kiểm tra toàn bộ kiến thức cơ bản mà học sinh phải đối mặt. Chúng ta cần có xu hướng dạy tích hợp chứ không dạy hàn lâm”.
Về lịch thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức từ ngày 2 – 4/6/2014 với 4 môn thi trong đó 2 môn thi bắt buộc, 2 môn thi tự chọn.