Công khai lượng gỗ chặt hạ trên các tuyến đường
Chiều 23/3, lãnh đạo Công ty MTV Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã thông tin với báo chí số lượng, hiện trạng các loại cây, gỗ, củi… mà đơn vị này đã chặt hạ trên một số tuyến phố chính của Hà Nội thời điểm trước đó.
Theo đó, số lượng cây, gỗ và củi trên tuyến đường Nguyễn Trãi đã được chặt hạ là 520 cây, trong đó gỗ xà cừ chặt hạ được thống kê, kiểm đếm là 186,93m3; gỗ khác: 31,699m3; củi: 23,425m3.
Trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài, lượng cây chặt hạ gồm 115 cây, bao gồm 5,62m3 gỗ xà cừ; 5,72m3 gỗ khác và 4,93m3 củi.
Đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt hạ 111 cây, thu giữ 1,52m3 gỗ xà cừ; 5,72m3 gỗ khác và 9,24m3 gỗ củi.
Phó Tổng giám đốc Cty Công viên Cây xanh Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết, tất cả số lượng cây, gỗ, củi nói trên đang được giữ trong kho bãi tại vườn ươm của đơn vị ở khu vực Diễn (quận Nam Từ Liêm) và chưa tiến hành bán đấu giá.
“Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. Sau một quý, thường là 3 tháng.
Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu.
Tiền đấu thầu thu được sau đó sẽ khấu trừ vào tiền ngân sách hàng năm Thành phố phân bổ cho đơn vị, sau khi đã được quyết toán” – ông Hưng cho hay.
Ngoài lượng gỗ, củi đang được giữ ở bãi gỗ trong vườn ươm Cầu Diễn, tại đây cũng quản lý một số lượng lớn những cây nằm trong diện phải di dời từ các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.
“Sau một thời gian cây khỏe, và theo sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản, những cây này sẽ được tái trồng theo quy hoạch”.
Vị này cũng thông tin, Hà Nội hiện có khoảng 120.000 cây xanh các loại được trồng trên khoảng 3.000km các trục đường chính đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ.
“Việc chặt hạ, cải tạo, thay thế, trồng mới một cây xanh đều thông qua một quy trình rất ngặt nghèo do cơ quan chủ quản chỉ đạo, trực tiếp là Sở Xây dựng.
Chúng tôi cũng chỉ là đơn vị thực thi, chỉ tiến hành khi có quyết định cấp phép từ trên xuống, chứ không phải cứ muốn chặt một cành cây là được” – lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh giải thích.
Quy trình chặt một cây xanh ?
Trong thời gian qua, khi vụ 6.700 cây xanh nằm trong đề án cải tạo, thay thế được Hà Nội triển khai nóng vội khiến dư luận xã hội quan tâm, câu hỏi này càng cần thiết có lời giải đáp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên giám sát Ban quản lý dự án Hạ tầng kỹ thuật đô thị (thường được gọi là Ban A) – Sở Xây dựng Hà Nội cho biết ngay như bước tiến hành thu hồi củi, gỗ, các thành phần tham gia đã lên tới 05 đơn vị.
Gồm có: giám sát bên A (BQL DA Hạ tầng kỹ thuật đô thị); cán bộ Đội bảo vệ Phòng Hành chính tổng hợp; cán bộ phòng Kế hoạch Tổng hợp; đại diện cán bộ Xí nghiệp quản lý cắt sửa; tổ đội trực tiếp thực hiện công tác cắt sửa, chặt hạ cây.
Các thành phần trên xác định trực tiếp khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với tất cả các khúc gỗ, củi.
Đối với gỗ, các khúc cây có đường kính trung bình >= 20cm được coi là gỗ, còn lại được xác định là củi.
"Sau khi đã thống nhất khối lượng, các bên sẽ tiến hành lập biên bản xác định khối lượng thu hồi tại hiện trường.
Đối với khúc củi bị mục nát, mối mọt không tiến hành thu hồi, phải chụp ảnh hiện trường làm biên bản thống nhất hủy.
Đối với những cây dâu da, vông, dướng, trứng cá, các cây không có đường kính <20cm sẽ không thực hiện thu hồi củi gỗ)" – ông Tuấn phân tích.
Sau khi đã thực hiện xong thủ tục biên bản, gỗ, củi được vận chuyển tập kết về kho, có biên bản giao nhận với thủ kho tuân theo đúng nội dung đã thực hiện tại hiện trường; thủ kho thống nhất ký vào biên bản giao nhận sau khi kiểm đếm.
Công tác xử lý, thanh lý gỗ, củi chỉ được thực hiện trên cơ sở khối lượng gỗ củi đã tập kết tại bãi gỗ.
Công ty tiến hành báo cáo tổng hợp Sở Tài chính về khối lượng, chủng loại, kích cỡ, hiện trạng củi gỗ thu được, sau đó khảo sát giá thị trường để làm cơ sở thực hiện đấu thầu.
“Hà Nội hiện có hơn 10 đơn vị thực hiện công tác này, trong đó có cả các đơn vị xã hội hóa.
Tất cả các bước được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ” – cán bộ giám sát Nguyễn Anh Tuấn nói.
Về thông tin, chi phí chặt hạ một cây xà cừ lên đến hơn 30 triệu đồng/cây, P.TGĐ Công ty Công viên cây xanh xác nhận, đó là việc có thực.
“Với những cây cao, kích thước lớn, chi phí chặt hạ một cá thể cây như vậy rất phức tạp, và chỉ được các cơ quan chủ quản thông qua chúng tôi mới tiến hành làm” – ông Hưng nói.