Cây "lạ" vừa được thay trên phố Hà Nội vào ban đêm là cây gì?

Hoàng Đan |

TS Nguyễn Tiến Hiệp và GS Lê Đình Khả đã trực tiếp ra quan sát 4 cây "lạ" được thay trên phố Nguyễn Chí Thanh vào ban đêm.

Ngay sau khi nhận được thông tin về 4 cây "lạ" được trồng thay trên phố Nguyễn Chí Thanh vào ban đêm, trong sáng nay (24/3) dù trời mưa nhưng TS Nguyễn Tiến Hiệp và GS.TS Lê Đình Khả đã có mặt trực tiếp để quan sát, xác định loại cây.

Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi vừa dùng một số loại kính chuyên dụng để quan sát phần lá, hoa, thân các cây này, TS Nguyễn Tiến Hiệp (Trung tâm bảo tồn Thực vật Việt Nam) khẳng định, đây không phải là cây vàng tâm mà cũng là cây mỡ.

"Căn cứ vào các đặc điểm sinh học như thân, lá, bố trí cành, tán, mẫu hoa… ở đây thì tôi khẳng định, 4 cây mới được trồng lại này cũng là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm", TS Hiệp nhấn mạnh.

Theo TS Hiệp, cây mỡ là loại cây có lá xanh quanh năm, gỗ màu trắng xám, thịt mịn, tương đối tốt. Hoa trắng, không thơm, cánh hoa thịt nên rụng xuống hơi bẩn, quả hình nón. Cây mọc tán quanh đơn trục chính, chỉ có một ngọn chính.

 
TS Nguyễn Tiến Hiệp
Theo các công trình nghiên cứu cho thấy, ở tuổi thứ 15, cây mỡ cao từ 10-15m; đến tuổi thứ 25 đường kính thân khoảng 25 đến 40 cm, cây cao từ 18 đến 25m. Tán cây ở tuổi trưởng thành (từ 10-15 năm) tối đa khoảng 5-6m. Đây là cây 2 lá mầm nên bộ rễ gồm cả rễ cọc và rễ chùm.

Sau khi quan sát thân, lá, hoa của cây, GS. TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng cho biết, ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu về cây mỡ hơn 10 năm, nên không lạ gì về cây này.

"Các cây này đều là cây mỡ, loại cây lâm nghiệp bình thường, gỗ chỉ tương đối tốt, hiện nay đang được trồng làm rừng sản xuất rất nhiều ở các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang…

Đây là cây lá xanh quanh năm, bộ rễ khá chắc chắn, tán khá rộng nên để trồng làm cây che bóng mát thì cũng có thể được.

Nhưng theo tôi nếu trồng làm cây cảnh quan đô thị có chăng cũng chỉ nên trồng ở một vài tuyến phố thôi, chứ trồng đại trà cả thành phố thì có vẻ không ổn", GS Khả cho hay.

Cũng theo GS Khả, vì đây chỉ là cây lâm nghiệp dùng để trồng rừng sản xuất nên ông chưa thấy chỗ nào trồng làm cây cảnh quan trong đô thị cả.

"Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy cây mỡ được trồng ở Hà Nội", GS Khả cho biết thêm.

 
GS.TS Lê Đình Khả
Cây mỡ là cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng thuộc nhóm vừa chứ không phải nhanh, nên để có tán che bóng, tạo cảnh quan được ít nhất cũng phải 9 - 10 năm. Cỡ cây đang trồng ở Hà Nội, nếu trồng đất tốt thì tầm khoảng 5 năm tuổi, cao 5 - 7m và đã tạo tán khá rộng.

Trước đó, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội xác nhận, 4 cây thay thế ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), đoạn gần khách sạn Bảo Sơn vừa trồng lại vào ngày 22/3.

“Đó là 4 cây vàng tâm trưởng thành có tán rộng, nụ hoa, lá xanh tốt, được nhà tài trợ trồng làm mẫu vì các cây cũ còn nhỏ và yếu.

Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho hay, ông không nắm rõ thời điểm 4 cây kia trồng lại vào ban ngày, hay ban đêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại