Quốc hội phải làm hết việc, không nghỉ vì "hết giờ"

VIỄN SỰ |

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình) đã yêu cầu đưa nội dung này vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Thảo luận trong phiên làm việc chiều 27-10 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, ông Vẻ cho rằng: “Các đại biểu phải làm hết việc thì mới nên ra về.

Có thể về trễ đi vài chục phút cũng không sao cả. Chứ không phải cứ đúng 17g là nghỉ, kết thúc ngày làm việc”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ còn đề nghị nếu như còn nhiều nội dung chưa bàn xong, còn nhiều đại biểu chưa kịp phát biểu thì Quốc hội phải bổ sung phiên họp khác để giải quyết cho xong vấn đề.

Giải thích cho đề nghị này, ông Đỗ Văn Vẻ đặt câu hỏi: “Tại sao có những phiên họp, hết nội dung làm việc thì Quốc hội cho nghỉ sớm. Nhưng hết giờ mà vẫn còn nội dung thì lại nghỉ?”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói chính vì kiểu kết thúc ngày làm việc cứng nhắc như vậy, nên ông chứng kiến nhiều vẻ mặt không vui của các đại biểu dù đã đăng ký phát biểu nhưng không có cơ hội nói vì... hết giờ.

“Đại biểu người ta chuẩn bị toát mồ hôi nội dung để phát biểu, có khi mấy tháng trời mới xong nhưng không được phát biểu, tâm trạng không thể thoải mái được.

Có đại biểu phàn nàn với tôi là đã hai ba lần bị thế rồi” - Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho biết.

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng phải có tính toán nội dung cho từng phiên họp vì khi thảo luận thì thời gian, số lượng đại biểu tham gia ý kiến sẽ không giống nhau.

“Đã có những buổi họp kết thúc sớm, báo chí đưa tin, cử tri có ý kiến... Phải linh động điều chỉnh cho phù hợp” - Ông Xuyền nói.

Dấu mật đóng tràn lan vào tài liệu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phàn nàn hiện nay đa số tài liệu gửi đến đại biểu đều đóng dấu mật.

“Báo cáo của VKS, Tòa án... cũng mật. Mật gì chỗ này? Thậm chí phải đưa ra công khai để dân biết dân bàn dân kiểm tra chứ sao lại là mật. Đại biểu nói mãi mà không ăn thua!” - Ông Hiến nói.

Đánh giá việc này, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng phải quy định lại những tài liệu nào là mật, tài liệu nào không mật.

Còn hiện nay theo ông Phúc đang có sự tràn lan trong việc đóng dấu mật.

“Từ các cơ quan gửi sang Quốc hội đã được đóng dấu mật rồi.

Theo quy định tài liệu mật thì phải thu lại nhưng có hôm lại không thấy yêu cầu thu lại. Vậy sao gọi là mật? Nên quy định lại chuyện này” - Ông Phúc đề nghị.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại