Đại biểu vắng trên 3 ngày làm việc phải gửi văn bản nêu rõ lý do
Vào đầu giờ buổi sáng nay (27/10), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết, các quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, nhiều nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị quyết và Nội quy đã được chuẩn bị công phu, hồ sơ đầy đủ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Về họp trù bị và thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định Quốc hội họp trù bị.
Từ đó để thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội (Điều 2) và quy định rõ thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội (Điều 3), nhằm tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị kỳ họp và thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội.
Đối với trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội.
"Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định của dự thảo Nội quy về trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt trên 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp Quốc hội thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đồng thời đại biểu phải gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định", ông Lý nói.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định trong trường hợp thảo luận tại phiên họp toàn thể mà không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì chủ tọa phiên họp có thể cho ĐBQH kéo dài thời gian phát biểu.
Trường hợp nội dung phức tạp thì có thể mời đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu hoặc mời đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ 3, thứ 4 nếu còn thời gian của phiên họp.
"Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định biện pháp thích hợp như ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu Quốc hội phát biểu quá thời gian quy định mà không nên để chủ tọa nhắc nhở như hiện nay...", ông Lý thông tin.
Lãnh đạo Nhà nước tuyên thệ nhậm chức
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng CP, Chánh án TANDTC tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Luật tổ chức QH.
Để bảo đảm thực hiện quy định này, trong Nội quy kỳ họp QH cần phải quy định cụ thể nghi thức tuyên thệ.
Trong đó, cần cụ thể các thủ tục thực hiện nghi thức này để việc tuyên thệ được diễn ra kịp thời, trang trọng trước khi người được bầu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định riêng về vấn đề này, bao gồm các quy định cụ thể về nghi lễ tuyên thệ, hình thức tuyên thệ, thời điểm tuyên thệ, trình tự các bước trong lễ tuyên thệ, nội dung tuyên thệ, trách nhiệm của người tuyên thệ.
Cũng trong sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Đây là luật sửa đổi, bổ sung đồng thời 3 luật khác là Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế.
Việc sửa đổi một số luật thuế diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015, tiến trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do đã kết thúc.
Đối với một số hàng hóa, nhất là ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống, từ năm 2018 thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%; các hiệp định thương mại tự do khác cũng lần lượt có mức thuế nhập khẩu là 0% sau đó 3-7 năm.
Từ đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung các giải pháp chính sách thuế GTGT nhằm tiếp tục hỗ trợ sản phẩm nông sản; khuyến khích hợp lý xuất khẩu; ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về các nội dung này vào chiều 29/10.