"Ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị là nhân tố mới"

Hoàng Đan |

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, các trường hợp như ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị đều tốt, trưởng thành từ cơ sở và cần phải có nhiều người như thế này.

Con em gia đình có truyền thống trưởng thành là niềm vui

Trao đổi với chúng tôi bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu QH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá rất cao vai trò của các cán bộ trẻ.

Theo ông Kiêm, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách để khuyến khích trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự phát triển đất nước trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng.

Trước câu hỏi, với một Giám đốc Sở 30 tuổi hay Bí thư mới 40 tuổi là trẻ hay già, ông Kiêm cho rằng, không nên xét độ tuổi ở đây, bởi phát triển kinh tế hiện nay có nhiều ngành chuyên sâu, chuyên môn rất cao, đòi hỏi kiến thức nhanh, đổi mới thường xuyên.

"Nhiều người trẻ được đào tạo thì sẽ tiếp thu, tiếp cận nhanh, không cần độ tuổi. Còn 40 tuổi như các nước đã làm Tổng thống, Thủ tướng còn mình 40 tuổi mới làm Bí thư, Giám đốc một ngành ở địa phương đã là gì.

Chính cá nhân tôi khi hơn 40 tuổi đã là Bí thư ở địa phương và lúc đó thì rất đoàng hoàng.

Nhưng dân người ta rất tinh, chỉ cần một trường hợp gợn lên là hàng loạt con mắt nhìn vào, phát hiện cái không đúng tiêu chuẩn thì dù cho có che giấu bằng cách nào cũng không thể được.

Chỉ có điều người ta có nói hay không, hay nói chưa đúng nơi", ông Kiêm bày tỏ.

Đồng thời, ông Kiêm chia sẻ thêm, vào thời kỳ ông được bầu làm Bí thư ở địa phương khi hơn 40 tuổi thì rất ít hoặc không có những trường hợp vây cánh, cục bộ địa phương hay "cha truyền con nối".

"Thời kỳ đó rất sòng phẳng, công khai, minh bạch, quyền lợi như nhau, hưởng thụ như nhau, các cán bộ, địa phương phấn đấu rất nghiêm túc còn giờ thì khác rồi.

Người nọ nhìn người kia, chỗ nọ nhìn chỗ kia, cấp nọ nhìn cấp kia, rồi thì vì quyền lợi vật chất họ bất chấp tất cả", ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cũng nêu quan điểm, với các cán bộ trẻ xuất thân từ gia đình có truyền thống thì lòng trung thành, ý thức phấn đấu, rèn luyện cũng sẽ có cái tốt hơn.

"Gia đình có truyền thống cũng là nhân tố có thể cốt lõi hoặc giúp cho việc phấn đấu, đóng góp của con em họ an tâm hơn, đây cũng là vấn đề không bỏ qua được.

Những người có đóng góp, rèn luyện cho con cháu của họ có ý thức xây dựng đất nước thì tốt quá.

Nếu hai người bằng nhau thì chiếu cố cho anh là con em gia đình có truyền thống cũng được vì có thể có khả năng, tiềm năng đóng góp, rèn luyện tốt hơn", ông Kiêm chia sẻ.

Ông Kiêm nhấn mạnh, những cán bộ là con em các gia đình có truyền thống mà trưởng thành, phát triển được đó chính là niềm vui của đất nước.

"Họ đã phấn đấu, rèn luyện theo gương của gia đình họ. Và những người gương mẫu, giúp cho con cháu họ có ý thức rèn luyện, đóng góp là tốt, niềm vui", ông Kiêm nói thêm.

Ông Cao Sỹ Kiêm
Ông Cao Sỹ Kiêm

Nhân tố mới

Ông Kiêm cũng chia sẻ, thực tế, cán bộ trẻ hiện nay được chia làm hai loại, trong đó, một loại là được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu tốt, có ý chí vươn lên thì phát triển nhanh, đóng góp ở nhiều lĩnh vực, địa phương với các mô hình rất sáng tạo.

"Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ trẻ hiện nay chạy theo vật chất nhiều quá, không được rèn luyện, đào tạo nên họ bất chấp", ông Kiêm nhấn mạnh.

Với các trường hợp như ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hay ông Nguyễn Thanh Nghị, tân Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Kiêm đánh giá, đây đều là những cán bộ tốt.

"Tôi thấy các ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị đều là những cán bộ trẻ tốt, bởi họ trưởng thành từ cơ sở lên và đã qua rất nhiều vị trí. Họ có bằng cấp, đồng thời, có kết quả kiểm nghiệm qua thực tế, thời gian.

Họ cũng đều được tập thể ở đó công nhận và quy trình cán bộ đối với họ hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng, đây là nhân tố mới và cần phải có nhiều những người như thế này để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới", ông Kiêm nêu ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại