- Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy vẫn có một bộ phận nam thanh niên không nhận thức đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, vẫn tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mà không chỉ là trách nhiệm hay nghĩa vụ thôi đâu, ở một góc độ nào đó thì đấy còn là quyền lợi nữa. Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thì vẫn có một bộ phận thanh niên “không nhiều nhưng cũng không ít” tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Phần lớn số này rơi vào những trường hợp thanh niên đua đòi, ăn chơi, sống theo lối thực dụng, coi việc của cộng đồng, đất nước như việc của người khác… Mà nếu ai cũng như thế thì lấy ai bảo vệ Tổ quốc? Tôi nghĩ cần phải lên án mạnh mẽ những hành vi, lối sống của một bộ phận thanh niên nói trên. Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường công tác giáo dục về vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đầy đủ và toàn diện hơn nữa.
- Nguyên nhân của những hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nói trên theo ông là do đâu?
Ông Lê Như Tiến: Nguyên nhân của những hành vi trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có nhiều, tuy nhiên theo tôi chủ yếu là do giáo dục của ta về vấn đề trên chưa tốt. Do giáo dục ở các gia đình, nhà trường và cả xã hội chưa đủ “sức nặng” nên thanh niên không nhận thức được đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Thêm vào đó, chế tài của ta hiện nay vẫn chưa đủ mạnh đối với những trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự. Ví dụ như ở một số quốc gia trên thế giới, họ quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về vấn đề nam thanh niên đến tuổi có quyền công dân thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, bên cạnh những chế độ đãi ngộ thì chế tài xử phạt của họ đối với những trường hợp không thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng rất mạnh.
Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã có quy định khá rõ ràng về việc những ai, đối tượng nào phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đối tượng nào được hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, chế tài thì vẫn còn khá nhẹ.
- Theo ông, để giải quyết thực trạng trên cần phải có những giải pháp nào?
Ông Lê Như Tiến: Như tôi đã nói ở trên, để giải quyết được tình trạng trên – tức một bộ phận thanh niên trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, trước hết phải xuất phát từ giáo dục. Giáo dục ở đây không chỉ hiểu đơn thuần là ở trong nhà trường mà còn là giáo dục từ gia đình và cả xã hội nữa. Tuy nhiên, giáo dục trong nhà trường và gia đình vẫn là quan trọng nhất.
Có một thực tế là chúng ta đang thiếu đi những gương sáng để thanh thiếu niên noi theo, thiếu cả ở trong nhà trường lẫn gia đình. Trong gia đình thì bố mẹ ít có thời gian để quan tâm đến con cái, sợi dây cố kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo thì tất nhiên sự cố kết giữa thành viên gia đình với cộng đồng, xã hội, đất nước cũng khó mà bền chặt được. Từ đó ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước của các thành viên trong những gia đình trên tất nhiên cũng sẽ giảm.
Ngoài ra, giáo dục trong nhà trường cũng rất quan trọng. Mới đây, có một tổng kết về ngành giáo dục cho biết, giáo dục trong nhà trường của chúng ta hiện nay đang thiên về dạy chữ hơn dạy người. Thiên về kiến thức mà “quên” đi việc bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, ý thức hòa nhập đối với cộng đồng của học sinh vì thế mà kém đi. Đây là điều mà ngành giáo dục chúng ta cần phải chấn chỉnh lại.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa đối với những hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự của một bộ phận thanh niên hiện nay. Phê phán, lên án để họ nhận thức được sai lầm của mình, để từ đó điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
- Liên quan đến vấn đề trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân còn do thanh niên hiện nay sống không có lý tưởng, ông có đồng tình với ý kiến trên không?
Ông Lê Như Tiến: Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng thanh niên hiện nay sống không có lý tưởng. Đó là kết luận vội vàng và “oan” cho thanh niên. Cần khẳng định rằng có một bộ phận thanh niên sống không có lý tưởng, sống thực dụng, ăn chơi đua đòi và ích kỉ,… nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ thôi. Ngay cả trường hợp những thanh niên trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng chỉ có một bộ phận, không phải là tất cả.
Tôi đã đi khá nhiều và gặp khá nhiều những thanh niên, bạn trẻ sống có lý tưởng, vì lý tưởng. Chúng ta không thể đánh đồng tất cả. Họ đông lắm. Sao không nhìn rộng ra những nơi tiền tiêu của Tổ quốc như Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Cồn Cỏ, các đồn biên giới xa xôi ngày đêm vẫn có hàng trăm hàng nghìn con người cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc?
Thanh niên ngày nay sống có lý tưởng không? Câu trả lời là có. Tôi tin vào thanh niên, vào thế hệ trẻ hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: tkts@soha.vn hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!