Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay, PTT Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời những câu hỏi của đại biểu về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.
PTT khẳng định, nếu tái cơ cấu được thì sẽ có một ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam với diện mạo mới, có được một mô hình hiện đại, có thị trường và sự cạnh tranh lành mạnh, giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Nước ta có chiến lược phát triển biển, thế mạnh về biển, không thể không có ngành đóng tàu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Có những ý kiến đặt ra là Vinashin khó khăn tại sao không cho phá sản? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải: “Giữa tái cơ cấu và phá sản thì cái nào có lợi hơn? Vinashin là tập đoàn Nhà nước, nếu phá sản thì ai sẽ trả nợ thay cho Vinashin? Nếu phá sản như vậy thì vừa mất tiền, vừa mất uy tín, chỉ số tín nhiệm xuống thấp và đặc biệt là kéo theo khoảng 30 nghìn gia đình không ổn định được cuộc sống. Do đó, chúng tôi chọn phương án tái cơ cấu chứ không cho phá sản. Vậy có thành công không? Chúng tôi cho rằng phải có niềm tin vào thị trường, nền kinh tế không thể khó khăn mãi, khi thị trường phục hồi cùng với sự cố gắng của Vinashin thì tình hình sẽ tốt hơn”.
PTT cho hay, chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị là tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin, nhưng quá trình tái cơ cấu đang khó khăn vì diễn ra trong giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng và thị trường vận tải giảm mạnh, rất nhiều công công ty đóng tàu lớn trên thế giới thua lỗ.
“Tôi xin trả lời là đã có sự ổn định hơn và quản lý tốt hơn, có điều lệ và phương án sản xuất kinh doanh. Trong số 216 DN không giữ lại thì đã sắp xếp được 36 DN, lao động hiện nay còn khoảng gần 29 nghìn người, giảm 41 nghìn người, tuy nhiên trong số gần 29 nghìn người giữ lại thì vẫn đang có khoảng 25% không có việc làm”, ông Phúc chia sẻ.
Theo PTT Nguyễn Xuân Phúc, trong 3 năm vừa qua, Vinashin đã đóng và bàn giao 170 tàu lớn, trong đó xuất khẩu 66 tàu lớn với tổng số tiền trên 1,2 tỷ USD. “Nếu không tiếp tục sản xuất, bàn giao được 170 tàu này thì số lỗ sẽ bị tăng thêm ít nhất khoảng 10 nghìn tỷ nữa”, PTT nói.
Về vấn đề tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, theo PTT Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều cơ quan cùng vào cuộc và có 19 ngân hàng trong nước đã giảm nợ cho Vinashin đến 7% (nợ doanh nghiệp đi vay thì cũng đã đàm phàn và được giảm). Như vậy, khoản giảm nợ này rất lớn, đó là một trong những tiền đề quan trọng để tái cơ cấu Vinashin.
“Hiện nay Vinashin vẫn còn lỗ rất nặng, với điều kiện khách quan và chủ quan như vậy thì quá trình tái cơ cấu còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. Với tinh thần đã chỉ đạo là tái cơ cấu một cách căn bản, toàn diện, triệt để theo hướng kết hợp giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản; tinh thần phải làm quyết liệt, quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Trong phương án tái cơ cấu thì nòng cốt là chỉ còn lại 8 doanh nghiệp nòng cốt với khoảng 8000 lao động giỏi có tay nghề cao, đối với 216 doanh nghiệp không giữ lại thì cho cổ phần hóa, 166 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản; tinh thần phấn đấu đến 2015 sẽ xử lý xong”, PTT khẳng định.
Về xử lý trách nhiệm của những cá nhân có liên quan trong sai phạm tại Tập đoàn Vinashin, PTT Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, về mặt chủ quan là quản lý lỏng lẻo, gây ra thất thoát, lãng phí; Thứ hai là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực. Trong cuộc khủng hoảng chung thì ảnh hưởng trực tiếp là vận tải biển, giá xuống rất thấp.
“Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, cụ thể là đã bắt tạm giam Phạm Thanh Bình và các cán bộ có liên quan, khởi tố bắt giam 8 người có liên quan trong Tập đoàn Vinashin. 5 tỉnh là Nam Định, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ninh đã khởi tố 18 bị can và đang trong quá trình tố tụng. Pháp luật đã xử lý nghiêm những cán bộ trực tiếp quản lý tại tập đoàn mà để xảy ra thất thoát, lãng phí”, PTT nói.