Đau nỗi đau chung với khách hàng bị ăn "phở chửi, cơm cắt cổ"

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - “Nếu là khách tới ăn mà bị chặt chém như ở quán cơm bình dân đối diện bến xe Giáp Bát, tôi cũng sẽ thấy bức xúc, phẫn nộ. Nhưng ở giữa cái chốn xô bồ, phức tạp ấy chỉ có thể chọn cho mình giải pháp im lặng, điều ấy sẽ khiến tôi đau”.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã bắt đầu câu chuyện bằng chính nỗi đau của một thực khách bị chặt chém.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Trước khi bàn về cơm phở “cắt cổ” và cung cách phục vụ chửi mắng khách hàng của chủ cửa hàng ở tổ 16, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, PGS liên tưởng tới bài báo đã từng phản ánh: phóng viên Cat Barton của AFP ngoài việc hết lời khen ngợi sự tinh tế, thanh lịch của phở Hà Nội, cũng đã mô tả “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ…

PGS giữ cho mình tiếng thở dài, bởi lẽ đó cũng là một thực tế tuy nó không phải là phổ biến. “Cửa hàng không sạch sẽ” đã đành nhưng nhiều người cũng chưa có ý thức “ăn sạch”, chủ bán như thế nào khách hàng ăn như thế. Điều ấy đã vô tình tạo những kẽ hở cho chủ cửa hàng tiếp tục những kiểu bán hàng “dối trá” của mình.

Quay trở lại câu chuyện của quán cơm bình dân, chủ cửa hàng là người Hà Nội mà báo chí những ngày qua đã phán ánh bán 70.000/bát phở, 10.000/cốc trà đá, những suất cơm đúng chất “bình dân” nhưng cũng được hét giá khiến người ăn tái mặt khi thanh toán tiền, PGS bày tỏ quan điểm:

"Trước hết, bàn về cái “gốc” của chủ quán cơm. Thái độ chiều “thượng đế” theo kiểu chửi mắng của cô H. (tên của chủ quán) nói lên cô ấy chỉ là gốc Hà Nội chứ không phải Hà Nội gốc.

Điều ấy chỉ phản ánh nơi sinh chứ không phải là đại diện cho phẩm chất của người Hà Nội vốn xưa nay thanh lịch, nhẹ nhàng, mến khách…

Hà Nội thời đại nào cũng có những người ở tầng lớp thượng lưu, người lao động và những lời lẽ mà chủ quán dành cho khách hàng thể hiện cô đang ở tầng lớp đáy của xã hội.

Cứ mỗi chi tiết về quán ăn ấy, PGS lại liên tưởng tới rất nhiều những quán ăn khác đã trở thành “ung nhọt” trong xã hội và là nỗi ám ảnh với nhiều người khi một lần dừng chân ở đây.

Đó là một số quán cơm, phở nằm trên mặt đường Quốc lộ 1A (thuộc tổ 6, tổ 7, phường Hai Bà Trưng, Phủ Lý, Hà Nam ) là nỗi “kinh hoàng” đối với khách qua đường.

Một đĩa cơm, bát phở khách hàng phải trả giá lên đến cả triệu đồng. Khách thắc mắc, không trả tiền thì lập tức bị đe dọa, hành hung…

Những cái đó chỉ là hiện tượng cụ thể ở mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường của chúng ta. Thể hiện việc bắt chẹt khách và phản ánh trình độ kinh tế, kinh doanh buôn bán thương mại của ta còn ở tính chất dã man, mông muội. Đó là thói xấu trong kinh doanh.

Thêm vào đó là thói hung đồ. Những hành khách qua đường họ cũng mang tâm lý chung, phần vì sợ cái thói “hung đồ” ấy nên không dám chống cự lại, phần vị tặc lưỡi cho qua dù sao cũng chỉ ăn ở đây một lần.

Và kể sao hết những “mặt trái” của các quán ăn khi họ muốn trục lợi trên chính mồ hôi, công sức của người dân mình.

Rau bẩn, bơm chất độc vào con tôm, gà bơm nước… những cách chế biến ấy cũng góp phần vào “công thức” chặt chém của rất nhiều quán ăn, nhà hàng khiến người dân nhiều khi hoang mang trong việc lựa chọn cho mình món ăn đảm bảo sức khỏe và hợp với túi tiền."

Cần tẩy chay những quán ăn kiểu như thế này để trả về một Hà Nội thanh lịch.
Cần tẩy chay những quán ăn kiểu như thế này để trả về một Hà Nội thanh lịch.

Bàn về những khó khăn mà Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt đưa ra là: “Về địa phận hành chính thì hiện tại cửa hàng kinh doanh của chị H. được đặt trên địa bàn là nơi giáp ranh giữa hai phường Thịnh Liệt và Giáp Bát nên rất khó khăn trong công tác phối hợp quản lý thường xuyên giữa chính quyền hai phường.

Và chính quyền không nhận được bất kì đơn tố cáo nào từ phía người dân nên cũng không có căn cứ để tiến hành xử lý hành vi của H”.

Để giải thích cho nguyên nhân vì sao thời gian qua quán ăn bình dân của chị L.M.H vẫn hoạt động, PGS. TS Lê Quý Đức thẳng thắn:

"Nếu nói người dân phải có đơn tố cáo mới giải quyết thì đó là một công chức hành chính vô cảm.

Họ có thể nhiều việc và bến xe luôn là “địa chỉ đỏ” của rất nhiều hiện tượng, nhiều tệ nạn xã hội nên việc giáo dục, cải tạo họ cũng không phải việc một sớm một chiều, điều ấy chúng ta cũng có thể thông cảm.

Nhưng trước thực trạng đã làm “nóng” dư luận thì chính quyền địa phương cũng nên quan tâm. Bằng nghiệp vụ của mình, họ có thể thâm nhập bằng nhiều cách để làm sáng tỏ sự việc theo dư luận. Điều đó cũng phản ánh trình độ chung của xã hội. Nâng cao ý thức trách nhiệm là cái tâm chứ không phải là công việc có tính chất hành chính sự vụ."

Nếu nói về đặt tên để làm “thương hiệu” cho quán cơm bình dân này, theo PGS phải là “cơm phở dọa nạt” vì đã có thương hiệu “phở chửi” nhưng vẫn có rất nhiều khách vào ra. Còn quán ăn này, người ta chỉ tới một lần và sẽ không bao giờ dám quay trở lại nữa.

Và để “tẩy chay” những quán ăn như thế này để làm “sạch” Hà Nội, theo PGS thì cần sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, của tất cả mọi người chứ không riêng cá nhân ai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại