Chiều qua (28/8), Bộ GD&ĐT tổ chức buổi họp báo chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014 và giải đáp thắc mắc các vấn đề nóng như tình trạng lạm thu trong trường học, làm thế nào ngăn chặn việc dạy chữ trước khi trẻ vào lớp 1, quy định không chấm điểm học sinh lớp 1 triển khai như thế nào?…
Không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1
Theo bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD thì việc cho trẻ đi học trước là vô cùng tai hại, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và gây áp lực cho trẻ. Phụ huynh đều có tâm lý, nếu con mình không đi học trước thì không yên tâm, như vậy là hiểu sai.
“Nếu tất cả các trường mầm non đều thực hiện chỉ thị 2325 cấm dạy chữ, thi tuyển vào lớp 1 thì tất cả các em đều như nhau. Học sinh miền núi, dân tộc thiểu số không có học trước. Vì vậy, nói chương trình lớp 1 nặng nên các em phải học trước là không đúng, đó là do tâm lý không hiểu của phụ huynh. Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng này”, bà Thắm khẳng định.
Từ năm học này, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1 nhằm giảm áp lực điểm số, tâm lý cho các em.
Còn thông tin phản ánh tình trạng một số trường vẫn tổ chức dạy chữ ngoài trường, thi tuyển lớp 1, kiểm tra IQ, các bé phải “chọi” vào lớp 1 như thi đại học, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học khẳng định rằng, Bộ đã quy định các trường tuyệt đối không tổ chức thi, thực tế chỉ có một số trường tiến hành khảo sát đầu vào chứ không phải tổ chức thi kiến thức.
Cũng từ năm học này, quy định không chấm điểm cho học sinh lớp 1 được áp dụng.
Giải thích cụ thể về quy định này, bà Trần Thị Thắm cho rằng: “Đây là cách đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, khuyến khích các em học tập, giáo viên không so sánh học sinh này với học sinh khác, không chê trách tránh tạo áp lực tâm lý, sức ép đạt điểm cao".
Tuy nhiên, theo bà Thắm thì không chấm điểm không có nghĩa là không theo dõi học sinh. Bộ GD đang soạn thảo lại Thông tư 32 về quy định thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, có nghĩa là theo dõi năng lực, phẩm chất, đạo đức để đánh giá. Thời gian tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho giáo viên làm quen cách đánh giá mới này.
Lạm thu…không tái diễn trong năm học này?
Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, thậm chí trong thời gian vừa qua tình trạng lạm thu ở một số cơ sở trường học được phanh phui trên báo khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trả lời thắc mắc này, đại diện lãnh đạo Bộ GD, ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Vụ kế hoạch và Tài chính nói, Bộ đã xây dựng văn bản pháp lý tạo hành lang quy định rõ các khoản thu nào được thu trong trường học về khoản thu tự nguyện, tài trợ, học phí…
“Bộ GD đã có văn bản chỉ đạo đến các trường, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện “ba công khai” các khoản thu, chi để xã hội giám sát. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương, UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm cơ sở thu không đúng quy định. Và chúng tôi cũng mong cha mẹ học sinh cùng tham gia phát hiện lạm thu trái phép, thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý để kiểm soát, xử lý”, Ông Tuấn nhấn mạnh.
Buổi họp báo chuẩn bị khai giảng năm học 2013- 2014 của Bộ GD ngày 28/8.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng Bộ GD nhấn mạnh: “Bộ và các Sở GD&ĐT tăng cường các giải pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Đến nay đã có 41 tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý về dạy thêm học thêm trên địa bàn với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn, TP.HCM có quy định về quản lý các nguồn tài trợ tự nguyện, Hà Nội khuyến khích và sẽ bảo vệ phụ huynh tố giác trường học lạm thu”.