Phát hiện nứt trụ cầu Vĩnh Tuy và ám ảnh vụ sập cầu kinh hoàng

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Từ việc phát hiện vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, nhiều người dân đang rất hoang mang khi liên tưởng đến những vụ sập cầu kinh hoàng từng xảy ra.

Mới đây, tờ Xây dựng online đã đưa tin về việc nứt trụ chính cầu Vĩnh Tuy. Cụ thể, vị trí nứt trụ cầu được xác định tại trụ số H22, và ký hiệu trong bản vẽ dự án thì đây chính là trụ T22. Vết nứt được xác định kéo dọc thân trụ từ mép đất lên trên phía dầm khoảng 20m, phía dưới vết nứt khoảng 1m có rêu và nước rỉ ra. Cũng trên trụ T22 đã xuất nhiều các vết nứt ngang khác, với chiều dài khoảng 3-4m.

Tờ báo này đã cùng một chuyên gia xây dựng đi kiểm tra vết nứt. Người này xác định vết nứt có thể là nguy hiểm bởi vị trí và chiều dài vết nứt lớn.

Với những cây cầu đóng vai trò huyết mạch như cầu Vĩnh Tuy thì thông tin về nứt trụ cầu đã gây hoang mang cho người dân. 

Cận cảnh nước rỉ ra từ kết cầu thân trụ cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Báo Xây dựng online)

Thế nhưng, điều đáng nói, sau khi phát hiện vết nứt, PV của báo trên liên hệ làm việc với ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thì ông cho biết theo quy định của cơ quan phóng viên phải gửi câu hỏi qua email, sau đó sẽ có thông tin phản hồi. Liên hệ với ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc GTVT Hà Nội thì ông này cho hay, ông không phải là người phụ trách việc này, anh muốn biết thì đến văn phòng mà tìm hiểu (?).

Nhiều năm qua, ở nước ta đã từng xảy ra rất nhiều vụ sập cầu gây hậu quả nghiêm trọng. Có vụ còn được coi là thảm họa vì số người thiệt mạng quá nhiều. 

Trong những vụ sập cầu xảy ra, ngoài lỗi của đơn vị thi công, giám sát, thiết kế thì trách nhiệm của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng cần phải nói đến. Mỗi năm, nước ta có hàng trăm cây cầu được cây dựng, nếu việc chỉ đạo, giám sát của các cơ quan chức năng không nghiêm, những sự cố không được xử lý kịp thời thì những hậu quả kinh hoàng hay những "thảm họa" rất có thể xảy ra.

Đến thời điểm hiện tại, dù đã xảy ra nhiều năm nhưng vụ sập cầu Cần Thơ vẫn để lại những ám ảnh kinh hoàng.

55 người thiệt mạng trong vụ sập nhịp cầu dẫn Cần Thơ

Khoảng 7 giờ 55 phút ngày 26/9/2007, 2 nhịp dẫn ở bờ Bắc của cầu Cần Thơ ( tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) sụp đổ. Đó là nhịp 14 và nhịp 15 (cũng có người gọi nhịp 15 và 16), mỗi nhịp dài 40m, rộng 26m tổng khối lượng khoảng 6.000 tấn từ trên cao đã gãy gục, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc xuống đất.

Khi nhịp cầu sập xuống có khoảng 120 công nhân đang làm việc trên đoạn dầm và khoảng 100 công nhân làm việc ở phía dưới. Hậu quả khiến 55 người chết, 80 người bị thương.

Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được coi là một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam. Ngày 2/7/2008, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã báo cáo Chính phủ kết quả điều tra sự cố sập nhịp cầu Cần Thơ là do lún lệch đài móng trụ tạm.

Hiện trường vụ sập cầu. (Ảnh: Tiền Phong)

Toàn cảnh vụ sập cầu. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cấp cứu nạn nhân. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Sau vụ sập cầu Cần Thơ, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, Vĩnh Long nằm chếch phía bên kia của bến Ninh Kiều được người ta gọi là "ấp góa chồng". Những người mẹ mất con trai, vợ mất chồng, con mất bố... vẫn chưa thể nguôi ngoai bởi vết thương lòng này.

Trước sự cố trên, tiến độ hoàn thành cầu bị chậm trễ hơn 1 năm. Cầu được khánh thành vào lúc 9h00 sáng 24/4/2010.

Ngoài thảm họa sập cầu trên, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ sập cầu gây thiệt hại nặng nề như vụ sập cầu Bung (Gia Lai), vụ sập cầu cảng ở Đà Nẵng...

Sập cầu Bung (Krông Pa, Gia Lai) gây thiệt hại 10 tỉ đồng

Cầu Bung bắc qua sông Ba, chiều dài gần 250m. Giai đoạn 1 của cầu hoàn thành năm 2001 với kinh phí gần 7,6 tỉ đồng. Năm 2006, giai đoạn 2 của cầu được khởi công, tổng dự toán trên 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2007 khi quá trình thi công gần hoàn tất, cây cầu đã bị sập đổ. 

Toàn cảnh vụ sập cầu Bung. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Hai năm sau, ngày 3/11/2009, cầu Bung tiếp tục ngã ba trụ T6, T7, T9. Kết luận giám định kỹ thuật của Viện Khoa học và công nghệ (thuộc Bộ GTVT) cho thấy cầu Bung bị sập là do chiều dài đóng cọc trụ T8 không đúng như thiết kế. Tổng giá trị thiệt hại cầu Bung ở giai đoạn 1 hơn 6,8 tỉ đồng. Để khắc phục sự cố này phải mất gần 10 tỉ đồng.

Cầu Bung bị sập năm 2007. (Ảnh: Dân Việt)

Ngày 20/6/2011, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sập cầu Bung. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo duy nhất là Phan Anh Tuấn (trú tại phường 16, quận 8, TP.HCM), nguyên cán bộ kỹ thuật Công ty Xây dựng công trình giao thông 134 - Bộ Giao thông vận tải, với mức án 3 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sập cầu cảng ở Đà Nẵng, 32 tỉ đồng "rơi" xuống biển

Chiều 9/9/2012, một tiếng động lớn phát ra từ công trìnhcầu cảng Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petro Vietnam. Theo đó, trong các ngày từ 9 - 12/9/2012, phần lớn các hạng mục thủy công gồm bờ kè, tường kè, cầu cảng, cọc bê tông, thanh thép... đã bị đổ sập xuống biển. Ước tính thiệt hại khoảng 32 tỉ đồng. Rất may, sự cố này không gây thiệt hại về người.

Hiện trường vụ sập cầu cảng (Ảnh: Người lao động)

Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng được khởi công tháng 12/2010 với mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng. Công trình tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng được xây dựng tại khu vực dịch vụ hậu cần cảng do Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc làm chủ đầu tư.

Khi sự cố xảy ra, giải trình về nguyên nhân, phía chủ đầu tư công trình này đã "đổ" cho mưa và ảnh hưởng của động đất xảy ra ở Quảng Nam trước đó. Lúc này, tờ Lao động đánh giá đây là lý do không chấp nhận được và "oan" cho thiên tai. Tờ này dẫn lời KS Lê Viên Mãn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Châu Á: “Họ đã té nước theo mưa, đổ lỗi cho thiên nhiên một cách bừa bãi. Nơi phát xuất động đất - huyện Bắc Trà My, Quảng Nam thủy điện Sông Tranh 2) - cách vị trí công trình gần 300km. Với khoảng cách này, ngay máy đo địa chấn, máy đo gia tốc hiện có của Viện Vật lý địa cầu cũng không ghi nhận được rung chấn, thì làm sao sập được cầu cảng. Mặt khác, công trình thủy công - thi công dưới nước, ngay trên vịnh biển thì mưa to hay nhỏ có liên quan gì?”.

Cùng với đó, tờ Công an nhân dân cũng dẫn lời ông Nguyễn Hữu Phước, kỹ sư tư vấn công trình, thuộc Cty Kiểm định kỹ thuật, an toàn và Tư vấn xây dựng đóng tại Đà Nẵng (Bộ Xây dựng) về sự cố này như sau: "Xảy ra sự cố như trên, nguyên nhân thường do lỗi khảo sát thiết kế của các đơn vị khảo sát, tư vấn không đúng hiện trạng địa chất. Bên cạnh đó, chất lượng của cọc, độ sâu khi đóng của cọc có đảm bảo đúng kỹ thuật hay không cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại