Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ai chần chừ, mời làm việc khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 18-2.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2014-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong hai năm tới là tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH).

Ông Phạm Viết Muôn (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN) cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo các đề án này, số DN CPH còn lại trong hai năm 2014-2015 là 432 DN, như vậy bình quân mỗi năm sẽ cần CPH 216 DN. Đồng thời sẽ phải đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đạt tổng số gần 22.000 tỉ đồng đã xác định.

Theo ông Muôn, DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh.

Không hoàn thành cổ phần hóa sẽ điều chuyển

Trên cơ sở kết quả CPH ba năm qua, chúng tôi sẽ triển khai CPH quyết liệt hơn nữa. Chúng tôi đã phân công cho một số đồng chí thứ trưởng trực tiếp phụ trách việc CPH của các DN. Nếu DN không hoàn thành đúng tiến độ, trách nhiệm trước hết sẽ ở các đồng chí thứ trưởng, sẽ điều chuyển làm việc khác. Chủ tịch và tổng giám đốc không hoàn thành cũng sẽ phải điều chuyển. Một bộ phận không đáp ứng thì phải chấp nhận nghỉ, vì đó là quy luật, không phải là muốn hay không muốn nữa.

Ông ĐINH LA THĂNG

(Bộ trưởng Bộ GTVT)

Đề nghị CPH cả DN công ích

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng đối với những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối thì dứt khoát bán.

“Đã xác định là Nhà nước không cần chi phối thì dứt khoát không chi phối” - ông Thăng nói.

Ông Trần Bắc Hà (chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) nêu đề xuất đối với hệ thống ngân hàng, nên để lại một số ngân hàng của Nhà nước như ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển và có thể là ngân hàng nông nghiệp.

Còn lại các ngân hàng CPH rồi nên duy trì tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước có lộ trình, ngay sau chào sàn niêm yết lần đầu thì có thể ở mức 65%, sau đó có thể cho tụt xuống 51-55%, về bản chất Nhà nước vẫn sở hữu chi phối. “Vì như vậy mới tạo tính hấp dẫn” - ông nói.

Theo dự thảo quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, các DN hoạt động trong lĩnh vực thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị... thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà (phó chủ tịch UBND TP.HCM) cho rằng không nên quy định như trên, “không tìm thấy lý do gì để xác định các DN này phải là DNNN, hơn nữa sai phạm trong thời gian vừa qua thì chính các DN này sai phạm. Không cần thiết giữ lại là DNNN. Cái này xã hội làm có khi hiệu quả hơn, rẻ hơn”.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng nêu hiện tượng công ty vệ sinh môi trường tư nhân tự đầu tư, tự làm thì rất hiệu quả. Trong khi công ty vệ sinh môi trường nhà nước không hiệu quả bằng.

Ông Lê Mạnh Hà kiến nghị Thủ tướng cho phê duyệt danh sách các DN không CPH, nghĩa là tất cả DN còn lại phải CPH.

CPH đường sắt, hàng không, cảng biển

Sức cạnh tranh của DNNN yếu

Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch BIDV, bày tỏ quan ngại mặc dù DNNN có đóng góp khoảng 33% GDP nhưng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cung ứng cho các DNNN chiếm tới 60% (tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty). Đây là vấn đề cần suy nghĩ. Năng suất, sức cạnh tranh ở một số DNNN đang có xu hướng suy giảm, không tăng. Nợ đọng tích tụ của DNNN lên 145.000 tỉ đồng, trong đó dự báo 20-30% là nợ không đòi được.

Theo ông Trần Bắc Hà, “có vấn đề là hiện cái gì cũng theo nguyên tắc thị trường hết, chỉ có tiền lương trong DNNN là không theo thị trường”. Tiền lương chủ tịch tập đoàn nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, “không nói cao hay thấp nhưng thị trường là theo nguyên tắc hiệu quả”, do vậy cần nghiên cứu sửa đổi.

Ông Thăng cho rằng trong điều kiện thị trường khó khăn thì phải tìm được nhà đầu tư chiến lược. Ngay trong quý 1 này, Bộ GTVT CPH 10 tổng công ty.

Bộ GTVT cũng sẽ thực hiện tách quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt, thành lập một tổng công ty quản lý hạ tầng riêng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và CPH toàn bộ DN vận tải đường sắt, tiếp tục CPH các cảng biển.

Thí điểm CPH Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, qua đó có vốn dùng làm vốn đối ứng đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Thăng thông tin thêm sẽ chuẩn bị thủ tục để CPH Vinalines và SBIC (Vinashin cũ) trong năm 2015...

Thủ tướng đồng tình với quan điểm cho rằng Vinashin, Vinalines nếu CPH sớm hơn thì chắc không xảy ra tiêu cực.

Theo chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Phạm Viết Thanh, đến nay VNA đã lựa chọn xong nhà tư vấn quốc tế và tư vấn định giá theo quy định.

Ngay sau tết, VNA đã làm việc với VVFC (công ty định giá), qua đó bước đầu giá trị DN của VNA do VVFC xác định khoảng trên 21.000 tỉ đồng.

Dự kiến VNA sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần trong năm 2014, bắt đầu hoạt động theo công ty cổ phần từ đầu năm 2015.

Bổ sung thêm DN phải CPH

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh DNNN là công cụ của Nhà nước để điều tiết nền kinh tế, cơ bản đã làm được.

Tuy nhiên, DNNN còn nhiều khiếm khuyết, phải đổi mới để hiệu quả hơn. Kết quả làm được của DNNN thời gian qua, theo Thủ tướng, chưa tương xứng với nguồn lực, yêu cầu, lợi thế.

“Vốn tăng, tài sản, doanh thu, đóng góp ngân sách tăng nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì có thể làm tốt hơn. DNNN vay hơn 60% nguồn vốn tín dụng nhưng đóng góp khoảng 33% GDP thì thấp quá”.

Thủ tướng cho rằng thực hiện tái cơ cấu DNNN thời gian vừa qua còn chậm, ba năm qua mới sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN, riêng Bộ GTVT đã chiếm 44 DN.

“Nếu các bộ khác cũng làm được như Bộ GTVT thì cơ bản xong rồi”. Thủ tướng cũng nhắc nhiều nơi đề án tái cơ cấu đều đã được phê duyệt rồi nhưng chậm triển khai. Như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có 16 DN được phê duyệt mà chưa làm gì cả... “Phải quyết liệt, phải có tinh thần trách nhiệm” - Thủ tướng nói.

Đặc biệt, về định hướng CPH, Thủ tướng chỉ đạo bên cạnh 432 DN đã được xác định CPH trong hai năm tới, cần tiếp tục rà soát để bổ sung vào danh sách theo hướng giảm mạnh số DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm giữ cổ phần chi phối. “Vấn đề là giữ được thương hiệu” - ông nói.

Về tiền lương, Thủ tướng cho rằng lương không phù hợp thị trường thì cũng không tạo động lực tốt, nhưng quá mức cũng không được.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thành phải đề cao trách nhiệm, quyết tâm làm, các cấp ủy cũng phải có nghị quyết để thống nhất hành động. “Ai chần chừ trong việc tái cơ cấu, CPH DNNN thì đề nghị bộ trưởng mời làm việc khác, đừng đề bạt lên cao hơn” - Thủ tướng nhắc lại.

4 loại DNNN nắm giữ 50% cổ phần trở lên

Theo dự thảo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN của Bộ Kế hoạch - đầu tư, DNNN được chia ra bốn loại gồm:

* Thứ nhất là Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như: trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, truyền tải hệ thống điện quốc gia...

* Thứ hai là những DN thực hiện sắp xếp, CPH, Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên, hoạt động trong các lĩnh vực như: quản lý, khai thác, bảo trì cảng hàng không, sân bay; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, khai thác khoáng sản quy mô lớn; khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên...

* Thứ ba là những DN thực hiện sắp xếp, CPH, Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên, hoạt động trong các lĩnh vực như: chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên; sản xuất thuốc lá điếu; trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn chiến lược; những DN chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như bán buôn thuốc, bán buôn lương thực, bán buôn xăng dầu...

* Thứ tư là những DN thực hiện sắp xếp, CPH, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần, hoạt động trong các lĩnh vực như: thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán)...

Tập trung kiểm toán việc sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước

Ngày 18-2, tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014, ông Lê Minh Khái - phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - cho biết sẽ tập trung đánh giá hiệu quả trong quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Cụ thể, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc thực hiện đề án tái cơ cấu của 42 tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, cơ quan này còn tập trung kiểm toán chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại Công ty cho thuê tài chính 1 (ALC1) và ALC2 thuộc Ngân hàng Agribank; các công ty cho thuê tài chính của các ngân hàng BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Khái quát kết quả kiểm toán năm 2013, lãnh đạo KTNN cho biết đã kiến nghị xử lý tài chính trên 22.778 tỉ đồng, tăng hơn 8.000 tỉ đồng so với năm trước. Điểm đáng chú ý, theo ông Khái, KTNN đã chuyển năm vụ việc cho các cơ quan chức năng để điều tra, thanh tra, xử lý những vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán.

Vụ thứ nhất là hồ sơ liên quan tới lĩnh vực ngân hàng là vụ bán ngoại tệ cho Tập đoàn Hóa chất VN của ba ngân hàng: HSBC VN, BIDV chi nhánh Cần Thơ, Agribank. Vụ thứ hai là quản lý vốn gây thất thoát ở Tổng công ty Tài chính Sông Đà. Vụ thứ ba là kinh doanh có khả năng gây mất vốn ở Tổng công ty Thủy sản.

Hai vụ việc còn lại xảy ra ở hai chi nhánh của Agribank. Đó là chi nhánh Bình Phú và TP.HCM đã cho vay dự án bất động sản, đến nay không thu hồi được vốn. Theo đánh giá của KTNN, hai chi nhánh này đã không chấp hành đúng quy định về cho vay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại