Bảo tàng Bến Tre tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật mộ cổ tại khu phố 2, thị trấn Chợ Lách.
Việc khai quật mộ cổ được tiến hành với mục đích phục vụ dự án xây dựng trên phần đất khu hành chính cũ của huyện, thuộc khu phố 2, thị trấn Chợ Lách.
Dòng mộ vua chúa và quý tộc
Theo đó, những giá trị khoa học căn bản của mộ cổ ở Chợ Lách, bình đồ và thiết đồ: quần thể kiến trúc nổi gồm 2 ngôi mộ ngang 3m, dọc 2,4m, cao 1,85 - 2,05m. Mộ lớn song táng thiết kế kiểu nhà chữ Nhị tứ trụ chồng rường hướng Nam với kiến trúc Nhà Bia gắn Nhà Mồ. Mộ nhỏ đơn táng nằm hướng Tây, vuông góc vào thân tả mộ lớn.
Các nhà đều giả lợp ngói ống âm dương, cặp hương án chân quỳ, cửa giả, kèo quyết, điểm nhãn, trang trí lưỡng long, phượng, xi vĩ, khảm sứ đặc trưng thời Nhà Nguyễn.
Quan tài gỗ mộ song táng đã bị phân hủy gần hết chỉ còn lại các tàn tích, tuy nhiên trong mộ đơn táng, chiếc quan tài còn nguyên hình hài.
Di cốt người được tìm thấy ở mộ song táng chỉ còn một mảnh sọ người trưởng thành, trong mảnh sọ có 5 tiêu bản bi đồng gắn chặt cùng bùn đất.
Riêng mộ đơn táng qua giám định y khoa kết quả cho thấy là di cốt trẻ em khoảng 3 tuổi, cao 87cm, có khả năng là nam.
Ngoài ra, đoàn khai quật còn tìm thấy đinh sắt, móc sắt, nút áo đồng, bi đồng, tàn tích thực vật như xơ dừa (làm vật chèn trong áo quan), trái dừa nước, lá ô dước, bời lời…
Đoàn công tác khai quật mộ cổ Chợ Lách và lãnh đạo Sở VHTT&DL chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T. Thảo
Một số vật liệu xây dựng gồm có gạch đá ong, gạch đinh, đồ sành và gốm tráng men, gốm mộc, gốm sứ, gốm sứ nhập khẩu, trong đó có hai chiếc đĩa sứ là đồ “quan dụng”.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định, hai ngôi mộ hợp chất vừa khai quật ở Chợ Lách là loại hình kiến trúc mai táng dành riêng cho quý tộc Việt đương thời ở vùng này, mang những đặc trưng chung của dòng mộ vua chúa và quý tộc gọi là “lăng tẩm hợp chất - tam hợp - ô dước - xác ướp” ở Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng.
Dù bia ẩn danh, minh tinh bị phân hủy, lăng quý tộc Chợ Lách bề thế không thua gì lăng tẩm quý tộc Nguyễn quyền thế nhất ở nội đô Sài Gòn.
Thực tế này ghi nhận chủ nhân mộ Chợ Lách tầm cỡ các danh nhân gốc huyện Bảo An (Tiền dinh Đô thống chế Phạm Văn Triệu) và gốc huyện Bảo Hựu (Thiếu bảo Lê Văn Đức, Tổng đốc Định Biên Nguyễn Văn Trọng…).
Chôn kèm theo “quý tử” toàn thây
Theo kết quả phân tích niên đại thì mộ cổ Chợ Lách có niên đại cuối thế kỷ 17, vào loại xưa nhất Nam bộ. Các giá trị khoa học lớn nhất là di tích mộ hợp chất đầu tiên khai quật khoa học ở Bến Tre.
Đây là một quần thể kiến trúc mộ hợp chất còn giữ được gần như nguyên vẹn hình hài nguyên thủy và thuộc loại hiếm có trong loại hình di tích kiểu này từng được đoàn nghiên cứu ngay trên đất Biên Hòa - Gia Định và cả miền Tây Nam bộ xưa.
Mộ cổ ở Chợ Lách song táng “tả nam - hữu nữ” chung nhà bia, nhà mồ nhưng mang đặc điểm lần đầu có ở Việt Nam như: kim tĩnh không xây bể hợp chất mà huyệt đất, chôn sâu nhất Việt Nam 2,75m, nền móng là đá ong Biên Hòa và 4 lớp gạch đinh; độc đáo nhất lần đầu thấy chôn kèm theo “quý tử” toàn thây trong nhà mồ riêng.
Mộ cổ ở Chợ Lách thu nhiều thông tin khoa học quý còn hơn cả các phát hiện mộ quý tộc có bạc vàng ở Nam bộ gần đây (với giới khảo cổ học đó là một trái dừa nước, cây bần, cây ráng bản xứ chứa “thông điệp tiền nhân” còn quý hơn cả bạc - vàng - gốm sứ “ngoại nhập” khác).
Di sản khai quật khoa học - phục nguyên trạng cấu trúc mộ nhỏ độc đáo nhất Việt Nam để phục vụ nghiên cứu, giáo dục thế hệ trẻ “tri ân tiên tổ”.
Ngoài ra, trong quá trình khai quật mộ cổ Chợ Lách, đoàn công tác còn được nhân dân chỉ dẫn khám phá thêm 7 di tích mộ cổ hợp chất ngay trên địa bàn huyện Chợ Lách (1 ở thị trấn Chợ Lách, 3 mộ ở khu nghĩa trang Nhà thờ Cái Nhum - xã Long Thới và 3 mộ ở xã Phú Phụng).
Dù các mộ này khác biệt về loại hình, quy mô nhưng có chung chức năng là “đặc quyền” dành riêng cho giới quý tộc thời Nhà Nguyễn có danh tiếng và tài lực toàn vùng này thời cận đại.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đức Mạnh - Trưởng Bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Trưởng đoàn công tác kiêm chủ trì khai quật: “Mộ cổ ở Bến Tre có rất nhiều. Đáng quý hơn cả là loại hình di tích khảo cổ học lịch sử này trên xứ Dừa gắn kết khá chặt với nhiều danh nhân đất Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước thời trung và cận đại.
Những di tồn thiêng liêng và đặc sắc này rất cần nghiên cứu thực địa hệ thống để “phục sử” và phục vụ các yêu cầu bảo vệ di sản văn hóa và phát triển đất nước”.
>> Xem thêm clip: Khai quật mộ cổ hơn 200 năm (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA