Phải làm gì để lực lượng phòng cháy chữa cháy không... 'cháy'?

X.Hải |

(Soha.vn) - Nhiều độc giả bày tỏ nỗi băn khoăn về sự thiếu thốn của lực lượng PCCC liệu có khiến họ bị 'cháy' trước khi làm nhiệm vụ.

Trước tiết lộ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội về bộ quần áo chống cháy có giá 300 triệu đồng trong buổi thông tin với báo chí về vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo vào chiều ngày 4/6, dư luận tỏ ra rất lo lắng, băn khoăn cho sự khó khăn của lực lượng PCCC của thành phố hiện nay. Rất nhiều câu hỏi cũng như băn khoăn của người dân về thực trạng thiếu trầm trọng trang phục cứu hỏa cho cán bộ chiến sĩ PCCC đã được đặt ra.

Xung quanh câu chuyện này, bạn đọc Trần Văn Hanh ở Từ Liêm - Hà Nội bày tỏ: "Nếu để lực lượng chữa cháy mặc quần áo bình thường khi chữa cháy vừa không hiệu quả lại nguy hiểm đến tính mạng. Cần có giải pháp khác như quần áo bảo hộ chuyên dụng để tối ưu công tác chữa cháy".

Còn độc giả Nguyễn Huy Khanh (Tuyên Quang) thì đưa ra nhận xét: "Không thể lấy chứng chọi đá và đương nhiên cũng không thể mặc quần áo vải là chất liệu dễ cháy để đi dập lửa được. Như vậy có khi chưa kịp chữa cháy thì mình đã bị bỏng, bị cháy mất rồi. Da thịt người làm sao chịu được. Tôi nghĩ Nhà nước xem thế nào phải trang bị cho anh em chữa cháy đầy đủ dụng cụ và trang phục chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả sức chiến đấu của con người, cán bộ, chiến sĩ PCCC với "giặc lửa" chứ".


	Cần trang bị bảo hộ chữa cháy cần thiết để lực lượng PCCC không bị "cháy" trước khi dập được cháy (ảnh Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ)

Cần trang bị đồ bảo hộ chữa cháy cần thiết để lực lượng PCCC không bị "cháy" trước khi dập được lửa (ảnh Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ chụp tại vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, ngày 3/6)

Trao đổi về vấn đề này, Trung Tá Nguyễn Quang An, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay lực lượng PCCC thường có hai bộ quần áo cấp phát cho cán bộ chiến sĩ. Bộ quần áo chữa cháy làm bằng vải dày hơn vải thường và một bộ quần áo chống cháy bằng chất liệu vải Amiăng.

Trong khi bộ quần áo bằng vải dày hơn vải thường không có tác dụng chống cháy. Còn bộ quần áo làm bằng vải Amiăng gồm áo, quần có tác dụng hạn chế sự tác động của nhiệt và một mũ trùm đầu nhưng rất hạn chế trong thao tác, vì vậy lực lượng chỉ dùng mũ bảo hộ thường.

Bộ quần áo Amiăng có tác dụng đặc biệc nhưng khá nặng (khoảng 20 kg) rất khó khăn khi thao tác nên chỉ sử dụng cho người nào phải tiếp cận sát đám cháy. Tuy nhiên, bộ quần áo này không có găng tay cũng như ủng nên các chiến sĩ làm nhiệm vụ phải dùng ủng cao su thường.

Từ khi Sở thành lập chưa mua được bộ nào. Hiện Sở chỉ có 166 bộ và những bộ này là những đồ cũ của Bộ Công an cấp phát trước đây và một số bộ thuộc diện viện trợ của Đức, Nhật, một số bộ đi kèm khi thành phố mua xe.

"Những bộ áo quần chống cháy này giá thành rất đắt, trên 200 triệu đồng /bộ. Không chỉ quần áo chống cháy, các phương tiện, thiết bị cho công tác PCCC cũng khá đắt. Như xe chữa cháy có giá trung bình khoảng 10 tỷ đồng/xe và không phải xe công nghệ cao. Thiết bị thở có giá 85 triệu đồng/bộ và đặc biệt mặt nạ lọc khí độc có giá 21 triệu/bộ nhưng chỉ dùng được một lần" - Trung tá An cho biết thêm.

Hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội có 10 phòng Cảnh sát PCCC khu vực và 6 đội chữa cháy trên 29 quận, huyện, thị xã; trong khi đó lại có hơn 800 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng các thiết bị dành cho lực lượng hiện nay vừa thiếu, vừa cũ.

Toàn đơn vị hiện chỉ có 145 xe các loại (trong đó chỉ có 5 xe công nghệ cao), 166 bộ quần áo chống cháy Amiăng, 108 thiết bị thở… Vì vậy, sắp tới Sở sẽ xin thành phố cung cấp mua thêm 200 bộ quần áo chống cháy Amiăng, 200 bộ lọc chống khí độc và 200 thiết bị thở.

"Giá của các phương tiện, thiết bị này do các đơn vị báo giá và sẽ đấu thầu, phần lớn là từ Nhật, Đức và Israel. Đây là những hàng đặc chủng nên khi đặt hàng mua thì bên bán sẽ phải thiết kế cho phù hợp với thể trạng, kích cỡ của người Việt. Tổng kinh phí cho các thiết bị này và một số điều kiện cơ sở vật chất khác dự toán khoảng 6 nghìn tỷ chia theo từng giai đoạn" - Trung tá An cho hay.

Trên thực tế, nhiệm vụ của lực lượng PCCC là dập tắt "hỏa công" nên với trang thiết bị như hiện nay thì thực sự vô cùng khó khăn và nguy hiểm với chính tính mạng khi phải làm việc trong môi trường có thể lên đến hàng nghìn độ C. Bởi nếu với dụng cụ bảo hộ mà lực lượng PCCC hiện có thì rất có thể sẽ "cháy" trước khi chữa được cháy!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại