Những 'quả bom xăng' và nỗi sợ hãi mơ hồ của người Hà Nội

Minh Ngọc |

(Soha.vn) - Theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu thì hầu hết 489 cây xăng trên địa bàn thành phố đều không đạt chuẩn.

Vô tư sống cạnh “bom xăng”

Vụ cháy lớn tại cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để lại hậu quả khá nghiêm trọng, nhiều người bị thương và tài sản thiệt hại…

Lúc này đã có rất nhiều thông tin đăng tải trên báo chí xoáy vào vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ, cũng có những ý kiến liên quan đến khoảng cách an toàn của cây xăng trong quy hoạch khu dân cư.

Người dân mới giật mình nhận ra sự bất ổn về tính mạng, “ngọn lửa thần” như một quả bom nổ chậm luôn thường trực bên họ và các cơ quan chức năng mới lộ ra nhiều bất cập….

Phóng viên khảo sát thực tế một số cây xăng đặt tại các điểm ngay trong nội đô nhận thấy hầu hết cây xăng nào của Hà Nội cũng không đạt yêu cầu như: quá gần khu dân cư, bệnh viện trường học và di tích…

Theo quy định từ trạm xăng tới những khu vực tập trung đông người là 100m, tới các công trình công cộng là 50m chỉ với một quy chuẩn như vậy mà hầu như các trạm xăng tại Hà Nội vi phạm nguyên tắc trên.

cây xăng lọt vào giữa dân
Cây xăng lọt vào giữa dân

Nằm giữa khu nhà người dân và đối diện với di tích lịch sử đền voi phục là cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 14 mặt tiền phố Thụy Khuê. Cách đó không xa, cảnh họp chợ tràn lan ngay bên cạnh cây xăng dầu nằm cạnh dốc Tam Đa.

cây xăng ngã tư  Đội Cấn- Liễiu Giai
Cây xăng ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai

Trên phố Đội Cấn cũng tồn tại một cửa hàng xăng ngay sát chợ nằm góc ngã tư Văn Cao – Đội Cấn, cửa hàng này do không đủ không gian để xe ô tô ra vào nên vào năm ngoái đã xảy ra tai nạn chết người khi một ô tô lùi vào đổ xăng.

sát cạnh tòa nhà chung cư là cây xăng

Sát cạnh tòa nhà chung cư là cây xăng

Có nhiều cây xăng hiện nay vốn tận dụng lại từ cửa hàng kinh doanh dầu hóa chất đốt có từ thời bao cấp như cây xăng đầu phố Khâm Thiên giáp với ô chợ Dừa, cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng…

Nhiều người dân khi được hỏi về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có vẻ rất thờ ơ. Anh Trần Hữu Đạt ở Hàng Bún cho biết: “Hàng ngày người dân chúng tôi vẫn phải lo lắng bao nhiêu việc từ chuyện bé như hàng xóm tranh nhau khoảng sân chung, tranh nhau vỉa hè để buôn bán nên những chuyện an toàn cháy nổ ở cây xăng chả mấy ai quan tâm”.

Còn anh Anh Trần Mạnh Tuấn ở KTT Nguyễn Công Trứ cho biết, “tôi thấy chính quyền quận Hai Bà Trưng vận động bà con di dời để phục vụ nhu cầu cải tạo KTT nhưng việc tồn tại một cây xăng ngay đầu khu tập thể Nguyễn Công Trứ gần UBND phường Phố Huế quá lâu và nhiều bức xúc mà không thấy nói gì đến việc di dời, quy hoạch”.

Thực tế, người dân dường như quá thờ ơ với tính mạng của mình nên chẳng mấy ai đoái hoài đến những bất cập tại những cây xăng gần nơi mình cư trú. Có hay chăng, cơ quan chức năng mới chỉ ghi nhận việc cây xăng dầu nằm ở khu vực ngã tư Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ bị tước giấy phép tới hai lần. Qua hai sự cố đó, đến nay cây xăng này vẫn mặc nhiên tồn tại khi thay đổi chủ sở hữu…

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó GĐ Sở CS PCCC Hà Nội cũng khẳng định, kể từ khi đi vào hoạt động Sở CS PCCC chưa tiếp nhận một đơn thư nào của bà con phản ánh về tình trạng mất an toàn tại cây xăng gần nơi mình sinh sống.

Lý giải về hiện tượng này, bà Hoàng Thị Bích  Diệp, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cũng khẳng định, ngoài các bức xúc dân sinh như xây nhà che mất cửa sổ, lấn chiến khoảng sân chung… UBND phường chưa hề nhận được đơn thư phản ánh về việc người dân bị ảnh hưởng bởi đơn vị kinh doanh xăng dầu trên phố Minh Khai thuộc địa phận phường quản lý.

Do tồn tại từ lâu đời.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó GĐ Sở CS PCCC Hà Nội cho biết đơn vị cùng với Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng nằm trong tổ quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu thành phố tầm nhìn 2020 – 2030.

Theo quy hoạch những cửa hàng xăng dầu đạt tiêu chuẩn phải nằm xa khu dân cư, có đầy đủ điều kiện an toàn cháy nổ. Đại tá Sơn cũng thừa nhận, thực tế phát triển đô thị quá nhanh đã khiến những cửa hàng kinh doanh xăng dầu trước đây vốn đứng độc lập đã tiến sát vào khu vực dân cư gây ra tình trạng một số cửa hàng xăng dầu công cộng nằm quá sát khu vực nhiều người dân sinh sống và khu vực buôn bán sầm uất.

Hiện tại, theo thống kê toàn thành phố có 52 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải cải tạo, nâng cấp, 65 cửa hàng phải di dời. Hiện tại Sở CS PCCC đang phối hợp với đoàn Sở Công thương chủ trương giới thiệu những địa điểm đã được quy hoạch cho những doanh nghiệp nào có nhu cầu và đầy đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Hàng năm Sở PCCC vẫn kiểm tra định kỳ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật và chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. Còn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị kinh doanh xăng dầu phải kiểm tra thường xuyên, đột xuất đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, trong năm 2012, Sở CS PCCC xử lý 2789 trường hợp vi phạm kinh doanh

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội: Sắp tới Sở này sẽ kiến nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập thuộc Sở để vào cuộc điều tra nguyên nhân các vụ hỏa hoạn, xử lý những nơi kinh doanh sản xuất không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy.

xăng dầu dưới mọi hình thức phạt với số tiền trên  2,5 tỷ đồng, trong đó 129 trường hợp liên quan đến kinh doanh vận chuyển. 6 tháng đầu năm 2013 đơn vị cũng đã xử phạt 1356 trường hợp, phạt với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Còn riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nơi xảy ra vụ cháy cây xăng, theo Thượng tá Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng CS PCCC quận Hoàn Kiếm đang tồn tại 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Theo quy định, khoảng cách an toàn giữa cửa hàng này với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100m. Tuy nhiên,  đa số các cửa hàng ngày đều vi phạm quy định về khoảng cách.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là bởi những cửa hàng này đều đã có từ lâu, như cây xăng Trần Khát Chân có “tuổi thọ” đến 20 năm. Về cơ bản, bên trong cửa hàng đều đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy nổ. Nhưng theo thời gian, rất nhiều cửa hàng kinh doanh các dịch vụ khác mọc lên bên cạnh, vi phạm quy định về khoảng cách an toàn. Thực trạng này đòi hỏi việc phối kết hợp giải quyết giữa các ngành chức năng trong cấp phép  cho các dịch vụ khác.

Cũng như các quận, huyện khác thời gian tới, Phòng CS PCCC quận Hoàn Kiếm sẽ tham mưu tới GĐ Sở CS PCCC tổng rà soát, kiểm tra các quy định an toàn PCCC tại các cửa hàng xăng dầu toàn TP; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm trong quy trình nhập hàng, bán hàng, nhất là các quy chuẩn về mặt kỹ thuật cho bể chứa xăng, xe nhập hàng, hệ thống chống điện, chống sét…

Thượng tá Trần Văn Vụ nhận định, trước thời điểm xảy ra cháy, cây xăng 2B Trần Hưng Dạo đã vi phạm nhiều quy định như cho phép nhập xăng vào buổi trưa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên khi gặp sự cố dẫn đến vụ hoả hoạn nghiêm trọng mà theo ông thì “chưa có trận chiến với “giặc lửa” xăng dầu lớn đến vậy!”.

Nhân chuyện này đem quy định đặt vị trí của cây xăng so với việc lắp đặt trạm chuyển phát sóng BTS ở Hà Nội cách đây chưa lâu của các đơn vị viễn thông ở khu dân cư nào là đơn vị chủ quản lại bị người dân khiếu kiện bằng mọi giá vì lý do sóng vô tuyến không nhìn thấy được ảnh hưởng đến sức khỏe và có khả năng gây vô sinh…

Cho đến bây giờ, các nhà khoa học cũng chưa đưa ra được bằng chứng sóng phát ra từ trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nhưng các đơn vị viễn thông vẫn gặp khó bởi những kiến nghị có tổ chức và có tập thể của người dân.

Vậy việc từ trước đến nay các đơn vị chức năng chưa hề nhận được phản ánh của người dân về việc mất an toàn tại các trạm xăng đặt gần khu dân cư chứng tỏ rằng: người Hà Nội ngoài việc quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như chuyện tranh giành lối đi chung, tranh giành vỉa hè, vài centimet đất… và chuyện trên giời như trạm BTS thì chẳng quan tâm đến những chuyện gì khác. Chỉ đến khi “quả bom xăng” phát nổ thì người dân mới nhận ra tính mạng mình đang đặt ở đâu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại