PGS. TS Lê Quân: “Khuyến khích tư nhân và nước ngoài phát triển giáo dục”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Theo PGS.TS Lê Quân (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội), Hiến pháp hiện nay còn chưa rõ ràng trong chính sách phát triển giáo dục.

PGS. TS Lê Quân (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội): “Nên bổ sung Chương 3, Điều 66 và Điều 67 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc Nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức tư nhân và nước ngoài tham gia phát triển giáo dục và khoa học công nghệ cho rõ ràng hơn nữa”.

Trí thức trẻ ngày nay có cái ‘tôi’ lớn hơn trước

Trực tiếp giảng dạy kiêm công tác tổ chức và quản lý cán bộ, với khối lượng công việc lớn như thế anh thường gặp những khó khăn gì?

Tôi được giao công việc trưởng ban tổ chức cán bộ và trưởng ban tổ chức đảng uỷ của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Công việc hiện nay khá thú vị, cho phép tôi được tiếp tục học qua thực tiễn, cũng như được triển khai ứng dụng quản trị nguồn nhân lực tiên tiến vào trong môi trường đại học.

ĐHQGHN có đến 43,5% giảng viên là tiến sĩ và hơn 500 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài về. Quản trị nhân lực trong môi trường này có rất nhiều thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội để triển khai các ý tưởng đổi mới và sáng tạo, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là cơ chế chính sách về tự chủ đại học, về quyền và nghĩa vụ của giảng viên đại học chưa rõ ràng hơn cả là yếu tố bình quân chủ nghĩa còn rất nặng trong ngành giáo dục.

Tuy vậy, điểm thuận lợi là ĐHQGHN là đơn vị được Chính phủ, các Bộ, ngành cho tiên phong thí điểm các cơ chế chính sách mới. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi cần thực hiện trong thời gian tới để thu hút và đãi ngộ, sử dụng các nhà khoa học có trình độ.

Anh nhận xét gì về đội ngũ trí thức trẻ hiện nay so với thế hệ trước?

Mỗi thế hệ nhà khoa học có quan điểm và hoài bão riêng nhưng điểm chung là đều vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Các bạn bè tôi dường như có nhịp sống và làm việc nhanh hơn, mong muốn được sáng tạo và được thể hiện mình nhiều hơn. Tuy nhiên, cái ‘tôi’ cũng lớn và nhu cầu thể hiện cũng mạnh mẽ hơn các thế hệ đi trước.

PGS.TS Lê Quân (Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh (Trường ĐHQGHN).

PGS.TS Lê Quân

“Về là yêu nước, ở lại là vì nước”

Là một người từng nhiều năm du học nước ngoài, theo anh trình độ của tiến sĩ trong nước so với tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài có sự khác biệt không?

Về sự tương xứng trình độ giữa tiến sĩ đào tạo trong nước và nước ngoài thì đã có rất nhiều thảo luận. Tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài rõ ràng điều kiện học hành tốt hơn, cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu tốt hơn, ngoại ngữ tốt hơn, thời gian dành cho học nghiên cứu sinh nhiều hơn nhưng khi về nước, sự thích nghi và tư duy thực tiễn cũng rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là không nhìn vào bằng cấp để đánh giá. ĐHQGHN đang nghiên cứu chính sách đãi ngộ không phân biệt tiến sĩ đào tạo trong hay ngoài nước, mà quan trọng là tiến sĩ đó làm được việc gì? Có sản phẩm khoa học công nghệ gì?

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều tiến sĩ trẻ không về nước làm việc là do mức lương không đủ sống?

Khi tôi học ở nước ngoài, tôi đã rất thích câu nói “về là yêu nước, ở lại là vì nước”. Về hay ở không quan trọng, quan trọng là anh đóng góp được gì cho đất nước. Nếu ở lại vì có thu nhập cao nhưng mang ngoại tệ về cho đất nước thì cũng tốt. Tuy nhiên, tôi lại thấy không sòng phẳng với những người nhận học bổng của đất nước đi đào tạo và cam kết quay về, lại phá vỡ cam kết đó.

Khó khăn nhất là các bạn tiến sỹ có thâm niên dưới 5 năm do khởi điểm trong thang bảng lương thấp và ít có cơ hội có thu nhập bổ sung từ nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ. Chính sách tiền lương hiện nay rất khó thu hút trí thức trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

“Hiến pháp cần quy định rõ hơn về phát triển giáo dục”

Quan điểm của anh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay?

Là người làm việc trong ngành giáo dục, tôi rất vui mừng khi Hiến pháp được lấy ý kiến rộng rãi đến từng gia đình. Qua đó, người dân được thông tin, đóng góp ý kiến và thể hiện quyền công dân.

Tuy nhiên, tôi thấy trong dự thảo Hiến pháp hiện nay có mấy điểm chưa rõ ràng về chính sách phát triển giáo dục. Cụ thể là: 1 - Xã hội hoá giáo dục, khoa học công nghệ; 2 - Vai trò của đầu tư nước ngoài trong phát triển giáo dục và khoa học công nghệ.

Theo tôi nên bổ sung Chương 3, Điều 66 và Điều 67 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức tư nhân và nước ngoài tham gia phát triển giáo dục và khoa học công nghệ cho rõ ràng hơn nữa.

Hiện nay, ĐHQGHN tham gia rất sâu vào quá trình xây dựng và góp ý Hiến pháp. Việc góp ý được tổ chức tại tất cả các đơn vị trong ĐHQGHN.

Là một chuyên gia kinh tế, anh có nhận xét gì về tình hình phát triển của đất nước giai đoạn hiện nay?

Đất nước đang trong giai đoạn cần có những cải cách mạnh hơn trên tất cả các phương diện để có sự chuyển biến về chất trong phát triển.

Sự phát triển của đất nước trong những năm tới phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố: Đổi mới cơ chế chính sách; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường hội nhập sâu rộng quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế chính sách là bước đột phá.

Đối với trí thức, chính sách đãi ngộ của Nhà nước hiện nay còn rất nhiều bất cập, lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, điều cần thiết là Nhà nước cần phải đưa ra được những chính sách tương tự như ‘chính sách khoán 10’ trong việc đãi ngộ và sử dụng các nhà khoa học.

- Xin cảm ơn anh.

PGS.TS Lê Quân sinh năm 1974 tại Hà Nội. Hiện đang là Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, ĐHQGHN, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN).

Năm 1996, anh tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh Đại học Thương mại. Năm 1998: MBA: CFVG Hà Nội; Năm 1999, anh làm Thạc sĩ nghiên cứu khoa học quản trị tại trường Đại học Grenoble 2; Tháng 1/2003 làm luận án Tiến sĩ Khoa học quản trị tại Đại học Toulon-Var, Cộng hòa Pháp. Anh được công nhận Phó giáo sư vào năm 2009.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại