Dự thảo sửa đổi HP 1992, trong phần Lời nói đầu có sử dụng một cụm từ mới: chủ quyền nhân dân. Mới vì đây là lần đầu tiên khái niệm vốn vẫn được giới học thuật sử dụng lâu nay, giờ được nâng lên thành hiến định.
Nhưng cũng không thực sự mới, bởi chủ quyền nhân dân vẫn đang hiện diện, ít nhất dưới quan điểm đã được khẳng định từ lâu: tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc nhân dân.
Chuyện người...
Trở lại lịch sử phát triển nhân loại, giá trị đã trở nên phổ quát này chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau cách mạng tư sản. Đây là bước tiến lịch sử, là sự thay thế mang tính cách mạng, xóa bỏ chế độ chuyên chế của nhà nước phong kiến, nơi mọi quyền lực thuộc về một người - nhà vua, mọi bổng lộc quốc gia đặt dưới sự chi phối của nhà vua và hoàng tộc.
Các quốc gia văn minh đương đại kế thừa và phát huy giá trị phổ quát ấy, với hệ thống chính trị luôn gồm các thành tố cơ bản như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức xã hội. Các thành tố này vận hành trong sự chi phối của chủ quyền nhân dân. Theo đó, đảng chính trị là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Mô hình nhà nước, chính thể, tổ chức quyền lực nhà nước, sự phân công quyền lực cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi thiết chế nhà nước được quy định bởi hiến pháp - khế ước nhân dân. Và các tổ chức xã hội dân sự vận hành như một biểu hiện khẳng định quyền công dân trên những lĩnh vực cụ thể mà tổ chức đó hoạt động.
Tại các quốc gia theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng, quyền lực nhà nước được tổ chức và vận hành chủ yếu theo lý thuyết phân quyền. Ở đó, chủ quyền nhân dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức dân chủ trực tiếp, đồng thời qua dân chủ đại diện - thể hiện rõ nhất qua các cuộc bầu cử.
Các đảng chính trị tranh cử, được cử tri lựa chọn và giao cho quyền lực nhà nước để quản lý xã hội theo nhiệm kỳ 5 hoặc 4 năm. Các cuộc bầu cử dẫn tới hình thành cơ quan lập pháp (với các nước theo chính thể cộng hòa nghị viện), và có khi bầu cả người đứng đầu hành pháp (các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống), mà cơ cấu thành phần trong đó phản ánh tương quan giữa các đảng chính trị tham gia cầm quyền.
Ở các quốc gia đó, chủ quyền nhân dân còn được thực hiện qua quyền lựa chọn tham gia đảng chính trị và các tổ chức dân sự, quyền lựa chọn mô hình nhà nước thông qua cơ chế phúc quyết hiến pháp…
Chuyện ta...
Hệ thống chính trị nước ta, qua biến động lịch sử, đến nay được tổ chức, vận hành theo nguyên tắc nhất nguyên chính trị, với Đảng Cộng sản VN là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nhưng không vì vậy mà chủ quyền nhân dân không được thực thi.
Chẳng hạn, dưới hình thức dân chủ đại diện, QH thông qua Hiến pháp với điều khoản về vị trí lãnh đạo của Đảng. Đảng là lực lượng lãnh đạo nhưng không đương nhiên cầm quyền, mà phải thông qua giới thiệu thành viên ưu tú của tổ chức mình, thông qua bầu cử, để nhân dân lựa chọn giao cho quyền lực nhà nước.
Tương tự, quyền lựa chọn, tham gia đảng chính trị của công dân, dù chưa được luật hóa, nhưng đã thể hiện phần nào qua Điều lệ Đảng.
Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước trong hơn 20 năm qua, cùng những khó khăn mà đất nước đang gặp phải cho thấy chủ quyền nhân dân chưa được nhận thức và thực thi đầy đủ, nguyên tắc “tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân” ( Hiến pháp 1946 ) chưa thực sự được coi trọng.
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém ấy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngoài việc đưa vào và khẳng định trong Lời nói đầu về chủ quyền nhân dân, đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung.
Chẳng hạn, ở điều 4 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời đòi hỏi Đảng phải “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Dự thảo, tại điều 2 đặt ra nguyên tắc phải có “ kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nhân dân không chỉ thực hiện quyền lực nhà nước dưới hình thức dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội, HĐND - theo Hiến pháp 1992), mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.
Chủ quyền nhân dân, theo dự thảo, còn được làm rõ hơn qua việc Quốc hội không còn là “cơ quan duy nhất” thực hiện quyền lập hiến...
Những sửa đổi ấy mở ra khả năng nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn, trực tiếp hơn, có tính chất quyết định hơn vào tổ chức và quản trị đời sống xã hội.
Quyền tự do - nền tảng của đời sống dân sự
Nhưng chủ quyền nhân dân không chỉ biểu hiện dưới các quy phạm Hiến pháp. Quan trọng hơn, nó được thực thi hàng ngày trong đời sống của xã hội công dân.
Trong thực thể sống động ấy, ở nước ta có một chủ thể đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các chủ thể ấy liên quan mật thiết tới thực thi chủ quyền nhân dân.
Nhìn vào lịch sử hình thành, MTTQ và các tổ chức thành viên là các hình thức tập hợp lực lượng, tổ chức lực lượng của Đảng, ra đời trong quá trình đấu tranh giành chính quyền.
Vấn đề đặt ra là trong điều kiện hòa bình, và Đảng đã xác lập được quyền lãnh đạo tới Nhà nước và toàn xã hội, thì việc tổ chức, phương thức hoạt động, quyền thành lập các tổ chức dân sự cần được đổi mới phù hợp.
Đổi mới ấy phải thể hiện được chủ quyền nhân dân trong tổ chức đời sống xã hội, gắn với thể chế hóa chủ trương củng cố, phát huy tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đại hội XI đặt ra.
Yêu cầu đổi mới ấy quay trở lại đòi hỏi việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải diễn đạt rõ hơn, chặt chẽ hơn để đảm bảo người dân thực hiện được các quyền ngôn luận, hội họp, lập hội với đúng bản chất là quyền tự do.
Các quyền ấy phải được coi là quyền tự do hiến định, và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật, chứ không phải là “có quyền […] theo quy định của pháp luật ”.
Đấy cũng là khẳng định chủ quyền nhân dân, đúng như vị trí trang trọng của nó, ở phần đầu tiên của Hiến pháp - Lời nói đầu.
TS. Nguyễn Văn Thuận