PGĐ Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc bình trà miễn phí bị thu giữ?

Hoàng Đan |

PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, việc xử lý, thu hồi, trả lại bình trà từ thiện để nhắc nhở người dân hiểu rằng, khi làm phải tìm hiểu, tuân thủ các quy định pháp luật.

Xử lý, thu hồi, trả lại để nhắc nhở

Trả lời tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 4/8, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, bình trà từ thiện là việc làm rất tốt của người dân.

Tuy nhiên, nếu tất cả việc làm từ thiện không tuân thủ theo quy định của pháp luật thì không thể khuyến khích được.

"Nhưng việc chúng ta xử lý các bình nước này mà không xử lý các vi phạm khác thì đúng là gây bức xúc cho người dân và hiểu sai về cơ quan quản lý.

Trong việc này, tôi cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và phổ biến, tuyên truyền cho người dân hiểu là làm từ thiện nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Không phải cứ từ thiện là hôm nay để bình nước, ngày mai để can nước, téc nước từ thiện ra vỉa hè. Như vậy sẽ rất không tuân thủ trật tự", ông Linh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Linh đang đứng trả lời.

Ông Nguyễn Hoàng Linh (người đứng).

Ông Linh cũng nhấn mạnh thêm, Sở rất ủng hộ nhưng nên nghiên cứu, tuân thủ quy định của pháp luật để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.

"Việc xử lý, thu hồi sau đó trả lại là để nhắc nhở cho người dân hiểu khi đã làm việc gì thì phải tìm hiểu tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Linh bày tỏ.

Sẽ xử lý nghiêm tình trạng tranh cướp khách

Ngoài vấn đề trên, ông Linh cũng thừa nhận về thực trạng, các rào chắn thi công của tuyến đường sắt trên cao đoạn qua đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến vấn đề giao thông và rất bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, để đảm bảo thi công và an toàn cho người dân đi lại phía dưới thì phải chấp nhận ùn một tý, tắc một tý còn hơn để xảy ra mất an toàn cho người tham gia gia thông.

Về đoạn dốc Bưởi có nhiều xe đi ngược chiều, trong đó có cả xe biển xanh, biển đỏ, ông Linh cho biết, do tại đây đang được thi công nên phải thường xuyên thay đổi các phương án tổ chức giao thông.

Từ đó dẫn đến việc một số phương tiện vẫn đi theo thói quen, đôi khi đi vào đường ngược chiều và việc này cần phải có lực lượng hướng dẫn giao thông ở đây.

Vị này nói: "Chúng tôi sẽ yêu cầu các lực lượng phối hợp với phía nhà thầu thi công để hàng ngày phải có người hướng dẫn, tổ chức giao thông ở đây.

Còn đối với vi phạm thì biển xanh, biển đỏ hay biển trắng... thì đều sẽ bị xử phạt như nhau theo quy định của pháp luật, không phân biệt".

Đối với vấn đề xe vượt nhau, cướp khách, gọi điện dọa dẫm xảy ra ở một số tuyến xe khách, ông Linh cho hay, đây là hiện tượng mà cách đây một vài năm cực kỳ phổ biến.

"Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi đã phải phối hợp với C45 làm và đến giờ mới lắng xuống. Đây là việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đến giờ phút này, hiện tượng này vẫn xảy ra trên một số tuyến.

Chúng tôi đang bắt đầu quản lý xe khách bằng GPS và quản lý các xe chấp hành theo đúng biểu đồ chạy, thời gian vận hành, phương án kinh doanh đã trình bày báo cáo.

Sau khi xem xét, chúng tôi sẽ xử lý tới doanh nghiệp quản lý vận tải.

Chúng tôi cũng đã xây dựng các phương án cụ thể nhưng do số lượng phương tiện xe khách về Hà Nội rất nhiều nên việc này sẽ cần phải có thời gian để thực hiện", ông Linh cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại