"Ông Hoàng Hữu Phước không lập dị nhưng thiếu khiêm tốn"

Theo Kienthuc |

Theo giáo sư Phạm Đức Dương, cách đánh giá về nhà Hồ trong bài viết trên blog của ông Hoàng Hữu Phước không phải là lập dị nhưng gắn cho "tiền nhân ngu xuẩn khi chống Hồ" là không được.

Bài viết nói xấu đại biểu Dương Trung Quốc của ông Hoàng Hữu Phước chưa lắng xuống thì mới đây, độc giả của một tờ báo lại tìm thấy bài viết phê phán “tiền nhân Việt ngu xuẩn” khi chống nhà Hồ trên blog cá nhân của ông này.

Độc giả này cho rằng, không thể im lặng khi “tiền nhân Việt” chính là tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam bị một người xưng “danh đại biểu Quốc hội” xúc phạm như vậy.

Bài viết trên blog của ông Hoàng Hữu Phước phê phán “tiền nhân Việt” “tệ hại và ngu xuẩn”.

 Trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc  và cho rằng bài viết thể hiện sự ngạo mạn, thiếu tôn trọng lịch sử. "Nói xấu đồng nghiệp đã không chấp nhận được, đằng này ông Phước còn dám phê phán cả tiền nhân. Đúng là ngạo mạn, thất lễ. Chắc hẳn những cử tri bỏ phiếu bầu cho đại biểu quốc hội này sẽ rất thất vọng sau khi đọc hai bài viết gây sốc này", ý kiến trên một diễn đàn mạng. 

Tuy nhiên, một số độc giả sau khi độc bài viết “Ông Hoàng Hữu Phước còn viết 'tiền nhân Việt… ngu xuẩn' trên một trang báo điện tử lại không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết và cho rằng, cần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan. 

“Bàn về vấn đề lịch sử Việt Nam thì rõ ràng còn rất nhiều chuyện để nói. Ai đúng ai sai vẫn còn là dấu hỏi mà các nhà sử học vẫn chưa thể nào khẳng định. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến thái độ của 2 người, đó là ông Hoàng Hữu Phước và tác giả bài viết này, Trúc Nam Sơn. Mấy ngày qua, ông Phước bị dư luận chê cười. 

Rõ ràng trong vấn đề này, ông ta đã sai và cách nhận lỗi của ông ta làm nhiều người vẫn còn bức xúc. Nhưng bài viết giống như kiểu "vạch lá tìm sâu" của tác giả khiến độc giả cảm thấy người này cũng chẳng hề rộng lượng gì”, độc giả Lê Ngọc viết ở mục phần bình luận về bài viết “Ông Hoàng Hữu Phước còn viết 'tiền nhân Việt… ngu xuẩn' trên Vietnamnet.

Độc giả Nguyễn Xuân Thông cũng không đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết này. Chúng ta trân trọng và không xúc phạm đến tiền nhân nhưng sự đánh giá đối với tiền nhân cần khách quan. 

Độc giả Thanh Tung Nguyen cũng cho rằng : “Người viết chưa hiểu rõ về lịch sử. Hãy tìm hiểu kỹ xem cha con nhà Hồ Quý Ly - Hồ Nguyên Trừng là những người như thế nào”. 

Trao đổi với phóng viên, giáo sư, tiến sĩ Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng viện Đông Nam Á cho rằng, cách đánh giá hiện tượng lịch sử trong bài viết của ông Hoàng Hữu Phước không phải là cái lập dị bất thuờng nhưng thiếu khiêm tốn.

Theo giáo sư Dương, khi đánh giá về nhà Hồ, đang có hai cách nhìn nhận đối ngược nhau. Những người theo cách đánh giá của phong kiến cho rằng cách làm của nhà Hồ lúc đó đi trái với quyền lợi của đất nước. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh đó nhà Hồ đã có những bước cải tiến mới, phát triển đất nước. Hiện nay, những ý kiến đánh giá về nhà Hồ ngày càng tích cực hơn.

“Nhà Hồ là một hiện tượng và có thể có những đánh giá khác nhau và ngày nay người hậu thế ngày càng hiểu giá trị cái tiến bộ nhà Hồ. Nhiều người hiện vẫn chưa đồng tình với cách đánh giá này nhưng đó là quyền của mỗi người.

Xung quanh những đóng góp cả tiến lúc bấy giờ không phải là nguyên nhân trực tiếp để nhà Minh đưa quân đánh nhà Hồ. Bởi, thực ra phong kiến phương Bắc bất kỳ hoàn cảnh nào cho phép, họ cũng sẽ tiến hành chiến tranh xâm lược nước mình chứ không phải nhà Hồ cướp ngôi vua làm rối loạn mà họ đưa quân sang xâm chiếm được”, ông Dương lý giải.

Như vậy, bài viết của ông Hoàng Hữu Phước thể hiện quan điểm đứng về phía ngày càng nhìn nhận đúng hơn, bảo vệ nhà Hồ. Thế nhưng, giáo sư Dương cho rằng, việc ông Phước gắn cho “tiền nhân chống nhà Hồ là ngu xuẩn” là không được, không nên.

“Chính sách của nhà Hồ khi đó mang tính cải cách đương thời mà cải cách đương thời ấy chống lại cách làm của nhà Trần đang trong giai đoạn suy thoái. Vì thế, tầng lớp bảo thủ càng về sau càng có cách nhìn nhận đúng đắn về lịch sử.

Thế nhưng, khi đánh giá về lịch sử, phải khiêm tốn bởi sự khiêm tốn là cái cần thiết nhất của nhà khoa học. Khiêm tốn trước hết ở cách ăn nói, ở những chỗ dẫn chứng, cứ liệu đặt ra”, giáo sư Phạm Đức Dương nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại