Ông Dương Trung Quốc: Có sự dung túng trong "hoàng hôn nhiệm kỳ"?

Hoàng Đan |

Theo ông Quốc, lời cảnh báo của đại biểu Lê Như Tiến về "hoàng hôn nhiệm kỳ" là rất đúng, vì hiện tượng đó đã tồn tại rất lâu và pháp luật phải có quy định, biện pháp ngăn chặn.

"Trách nhiệm thì tập thể, mà quyền lợi thì cá nhân"

Câu chuyện về "tư duy nhiệm kỳ" đã được nói đến rất nhiều trong thời gian qua nhưng dường như vấn đề vẫn chưa biến chuyển được bao nhiêu.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có những chia sẻ, đánh giá khá thẳng thắn về vấn đề này.

PV: Câu chuyện "tư duy nhiệm kỳ" lâu nay vẫn được nhắc đến nhiều và sau phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trước Quốc hội, vấn đề này lại được đặt ra.

Cá nhân ông đánh giá như thế nào về thực trạng câu chuyện trong bộ máy của chúng ta hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Nhiệm kỳ là một yếu tố hết sức quan trọng để bảo đảm thời lượng thích ứng tạo ra sự thay đổi về nhân sự. Tôi nghĩ, nói tư duy nhiệm kỳ là gắn với 1 nhiệm kỳ thôi.  

Chúng ta hay nói tư duy nhiệm kỳ để trong ngoặc kép hiểu theo nghĩa tiêu cực của nó. Đó là tầm nhìn ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn và buông xuôi trách nhiệm.

Tư duy nhiệm kỳ là một lời cảnh báo, nhắc nhở giống như phát biểu của ĐB Lê Như Tiến về “hoàng hôn nhiệm kỳ” thường nảy sinh ra vấn đề tiêu cực.

Còn phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh với tư cách là một chính khách thì hơi vụng về, rất dễ tạo ra phản cảm. Nhưng ít nhất Bộ trưởng nói lên một sự thật ở cả 2 chiều.

Mỗi nhiệm kỳ sau trao truyền lại di sản có cả những mặt tích cực và cũng có hạn chế, hiện nay có hiện tượng tạm gọi là vô can.

Nhiều khi cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm gì về những vấn đề mà mình để lại, điều đó rất nguy hiểm, nhất là dấu ấn cá nhân.

Trách nhiệm thì trách nhiệm chung, nhưng tài khoản là tài khoản riêng, tôi hay nói như vậy. Tôi thấy, ở các quốc gia mỗi một nhiệm kỳ của một cương vị nào đó người ta rất có ý thức để lại một dấu ấn tốt đẹp.

Như ở nước Pháp mỗi một Tổng thống để lại một công trình, Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng để lại một thư viện... còn các quốc gia khác, mỗi một nghị sĩ thì để lại một dấu ấn như bằng một đạo luật, sáng kiến pháp luật… điều đó rất cần thiết.

Đồng thời phải thấy trách nhiệm trước những di sản thất bại. Cụ thể, ngày hôm qua ông đang ở cơ quan hành pháp, ngày hôm nay, ông sang cơ quan lập pháp, mà nói việc kia như không ấy, điều đó tôi cho rằng cần phải thấy rõ.

Trở lại câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, tôi thấy đó là nói thật và là lời nhắc nhở. Còn đương nhiên là chính khách nên ăn nói khôn ngoan hơn.

PV: Tại sao ở các nước, với các chính khách thì câu chuyện "dấu ấn cá nhân" được thể hiện rất rõ nhưng ở nước ta thì lại không làm được?

Ông Dương Trung Quốc: Ở nước ta do cơ chế của mình lãnh đạo theo tập thể nên mất dấu ấn cá nhân, kể cả phong cách cá nhân.

Tôi nghĩ, ông Nguyễn Bá Thanh mất rồi nhưng để lại một phong cách tốt, tôi rất quý trọng những mặt tích cực của ông ấy. Tại sao mỗi người không tạo ra cái đó và tôi cho đó là điều rất quan trọng.

Vai trò cá nhân cực kỳ quan trọng, đừng có nhân danh chống chủ nghĩa cá nhân mà tất cả đều là tập thể. Tôi vẫn nói vui rằng, “trách nhiệm thì tập thể, mà quyền lợi thì cá nhân”.


Phiên họp kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Phiên họp kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

PV: Vậy thì chúng ta cần làm gì để tạo được "dấu ấn, trách nhiệm" cá nhân, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Ở nhiều nước đã là trách nhiệm thì anh phải chịu đến cùng, vấn đề hồi tố và dư luận xã hội đóng vai trò rất quan trọng.

Cho nên câu chuyện của An Giang, một bình luận của người dân thành một xử lý phạt hành chính, điều chuyển công tác, xử lý Đảng là không được.

Các cụ nói rồi, bia đá, bia miệng, đó là những yếu tố góp phần tích cực điều chỉnh nhận thức xã hội cũng như trách nhiệm xã hội.

"Hoàng hôn nhiệm kỳ"

PV: Nói đến câu chuyện nhiệm kỳ, có một thực tế là nhiều vị mới nhận chức thì thường có những lời hứa, hành động được dân ủng hộ, càng về cuối nhiệm kỳ lại xuất hiện yếu tố tiêu cực, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Dương Trung Quốc: Lời cảnh báo của đại biểu Lê Như Tiến về "hoàng hôn nhiệm kỳ" là rất đúng, vì hiện tượng đó tồn tại rất lâu rồi, phải có biện pháp ngăn chặn và pháp luật phải có quy định.

Ví dụ trước khi kết thúc nhiệm kỳ bao nhiêu thì không được ký bổ nhiệm nữa. Thứ hai, bổ nhiệm phải đúng luật. Bổ nhiệm một số lượng lớn hay đưa ra các biến thể của nó như là "hàm" cũng là một cách.

Cuối cùng là để lại những gánh nặng cho Nhà nước, hậu quả rất khó giải quyết sau này về mặt tổ chức. Cái đó về mặt tổ chức người dân còn biết thì làm sao các nhà lãnh đạo, có trách nhiệm không biết. Nhưng tại sao lại cứ để dung túng, kéo dài?

PV: Có ý kiến cho rằng, khi một vị Chủ tịch, Bộ trưởng nhận chức thì phải đưa ra một lời cam kết, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Dương Trung Quốc: Thực ra cam kết đã có rồi, vấn đề là thực thi cam kết, giám sát cam kết, chế tài cam kết như thế nào. Có một yếu tố mà tôi rất hoan nghênh trong Hiến pháp 2013 là tuyên thệ.

Tôi thấy tuyên thệ sâu sắc hơn, trong đó còn có trách nhiệm và danh dự của anh nữa. Đương nhiên một người vô trách nhiệm, không có danh dự thì sẽ tự đào thải mình.

PV: Nhưng ông có lo ngại như vụ việc ở An Giang, khi người dân vừa chê lãnh đạo đã bị xử lý bằng nhiều hình thức như vậy không?

Ông Dương Trung Quốc: Từ hiện tượng này các cơ quan chức năng phải vào cuộc nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Tôi nhớ một câu mà Bác Hồ đã định nghĩa một cách dân dã về dân chủ: “Dân chủ là làm sao để dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, điều đó còn nguy hại hơn là dân không thiết mở miệng”.

Mà khi người dân không cộng tác thì ta đánh mất đi quyền lực rất căn bản của thể chế chúng ta.

Cho nên tôi cho rằng việc này phải vào cuộc một cách nghiêm túc để xử lý, công bằng và quan trọng là để lại một quy định thành văn hoặc không thành văn về quan hệ giữa người lãnh đạo và người dân.

đại biểu lê như tiến (Quảng trị)
 
Thực ra trong thời gian qua, có một vài đã lần cảnh báo về chuyện cuối nhiệm kỳ, nhiều người có nói những từ như xế chiều, hoàng hôn nhiệm kỳ.... Thời kỳ này là thời kỳ nhạy cảm, dễ phát sinh ra suy nghĩ, tư duy không đúng đắn. Cuối nhiệm kỳ, thường có thể không làm nữa, nghĩ rằng là chẳng còn gì để mất, trước khi hạ cánh làm chuyến tàu vét cuối cùng. Đó chính là biểu hiện của tham nhũng vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Tôi muốn rung tiếng chuông cảnh báo để các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật người đứng đầu cần phải quan tâm đến thời điểm nhạy cảm là cuối nhiệm kỳ, cuối khoá làm việc. Trong thực tế đã có, có người đề bạt cấp tốc 50-60 người trong vòng 6 tháng; có người tranh thủ ký dự án khổng lồ mà hậu quả đến đâu không biết, những người sau phải gánh chịu. Đó là sự gấp rút chạy đua, gấp rút để tham nhũng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại