Tướng Rinh lên tiếng vụ phạt tiền vì chê chủ tịch trên facebook

Hoàng Đan |

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc bị phạt vì chê chủ tịch tỉnh trên facebook sẽ khiến cho người dân xa lánh chính quyền, những người có chức có quyền.

Dân có quyền khen, chê

Chê chủ tịch UBND tỉnh "nhìn cái mặt kênh kiệu" trên facebook, bà Lê Thị Thùy Trang, giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Long Xuyên và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang đã bị Sở TTTT An Giang xử phạt mỗi người 5 triệu đồng.

Lý do cả hai đã vi phạm quy định truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác.

Còn bà Phan Thị Kim Nga, phó văn phòng Sở Công thương bị nhắc nhở trong vụ việc, không bị xử phạt.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ĐBQH đoàn Hải Dương).

PV: Gần đây có chuyện 2 công dân ở An Giang bị phạt 5 triệu đồng vì chê Chủ tịch tỉnh An Giang. Theo quan điểm của ông, khi viết trên facebook chê Chủ tịch tỉnh có mặt kênh kiệu mà đã bị phạt thì có hợp lý không?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đó là quyền tự do công dân, tất cả mặt trái và phải của xã hội người công dân đều có quyền tự do ngôn luận, những bình luận đó không ảnh hưởng gì đến cá nhân hay vị trí.

Nếu nói về công dân thì ông cũng là một công dân, tôi và ông đều có quyền bình luận là khen hay chê.

Còn khác là xúc phạm đến danh dự của một người đang giữ chức vụ cao ở địa phương. Lời nói đó chưa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, chức danh của ông Chủ tịch chứ cá nhân là quyền con người.

Theo tôi, mức phạt đó không đúng với luật pháp vì luật pháp không quy định phải như vậy.

PV: Thưa ông, Sở Thông tin & Truyền thông căn cứ Nghị định của Chính phủ và cho rằng hành vi của đôi vợ chồng này là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch tỉnh An giang. Liệu quy kết như vậy có phải là gượng ép không?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nói như vậy là Chính phủ đã có Nghị định quy định việc nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là không cho phép nên Sở Thông tin Truyền thông An Giang tiến hành phạt.

Nhưng nếu có trong Nghị định của Chính phủ, thậm chí trong Luật vi phạm hành chính đi chăng nữa thì cũng chưa quy định mức phạt như thế và cũng không đến mức phạt từng ấy tiền.

Căn cứ vào Luật pháp cho phép mới được phạt. Tôi cho việc phạt đó là không thuyết phục. Ở đây, chúng ta nên có cảnh báo với ông, bà ấy làm như thế là sai còn phạt thì nặng quá.

PV: Ông có cho rằng việc phạt này sẽ tạo ra một lệ xấu là khiến người dân không giám nói ra tiếng nói của mình?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nếu như thế này thì ai chê ông phạt hết à. Nếu Sở Thông tin Truyền thông phạt thì cũng phải có sự chỉ đạo.

Nhưng người ta không nói là Chủ tịch chỉ đạo mà Sở phạt. Người ta băn khoăn liệu bình luận về ông Chủ tịch mà bị phạt như vậy thì sẽ như thế nào đây?

Rõ ràng người ta bình luận dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ kiểm điểm Chủ tịch tỉnh An Giang?

Theo quan điểm của đại biểu nhận xét như vậy thì cũng chưa đủ để cho rằng là đang xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cho dù người đó là công dân bình thường, chứ không phải Chủ tịch tỉnh.

Kênh kiệu thì nhiều nghĩa. Ông ấy cũng là một con người, một công dân chứ không ai nói đến chức vụ Chủ tịch.

Người dân xa rời chính quyền?

Thông qua vụ việc này ông có thấy vị trí của người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương dần dần xa cách khi cứ áp dụng hình phạt kiểu như vậy?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Theo tôi nếu cứ phạt như vậy mà người dân không có quyền nói, quyền khiếu nại thì dân sẽ xa lánh hết người có chức có quyền.

PV: Như vậy, có sợ người dân sau này sẽ không nói, không góp ý với những chủ trương, chính sách của tỉnh?

Sau này dân sẽ không dám nói hay đụng chạm gì tới lãnh đạo, người có chức có quyền, tránh hết. Vậy thì còn gì là nghe dân?

PV: Phải chăng quyền tự do ngôn luận của người dân đang bị xâm phạm?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ở đây, tôi thấy chỉ là ở mức độ nhẹ thôi. Còn rõ ràng phạt 5 triệu đồng phạt là to rồi, nếu xem đó là phạt hành chính thì ngang với tội gì, phạm vào tội gì.

Nói và phạt người ta 5 triệu đồng thì ở đây cần phải xem là phạt vào khung hình phạt gì? Cần phải nói rõ.

PV: Nếu pháp luật cũng có quy định mức phạt như thế, theo ông đánh giá khi nói những lời như vậy mà bị phạt 5 triệu là to?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nếu muốn phạt hành chính thì phạt bao nhiêu cùng được, tra xem rơi vào khung phạt gì.

Còn phạt hành chính là vi phạm thủ tục hành chính, giao thông đi đường cũng không có hình phạt nào 5 triệu đồng như thế đâu.

PV: Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu tiếp tục sẽ tạo ra tiền lệ xấu khiến người dân không nói gì?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đúng như vậy, việc này sẽ làm cho người dân xa lánh chính quyền, những người có chức có quyền.

Đã phạt người ta, còn lấy quyền cấp trên để điều người ta đi chỗ khác, rồi lại xử lý về Đảng thì đó cũng là một hình thức kỷ luật nặng nề.

Đại biểu dương trung quốc
 
Tôi chưa thấy có luật nào quy định nói xấu lãnh đạo khác với nói xấu người dân thường. Nếu xúc phạm cá nhân thì phải xử lý tất cả, chứ ở đây lại đưa ra hoàn cảnh là trước đại hội. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình. Việc đầu tiên trong trường hợp đó là hãy soi vào mình. Công chúng - những người đọc cái đó - sẽ phán xét đúng hay sai như thế nào. Nếu xử lý bằng hành chính thì phải đúng luật. Đúng luật thì mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Thế nên tôi cho rằng việc này là không đáng làm, không nên làm. Cụ Hồ đã nói khái niệm “dân chủ” rất dân dã rằng dân chủ làm sao cho dân mở miệng. Cái sợ nhất là dân không thèm nói, không thiết nói nữa. Cái đó là cái nguy hiểm nhất. Đừng để dân sợ mà không nói. Nhưng nguy hiểm nhất là đừng để dân chán mà không tha thiết, không gắn bó với cái sự lãnh đạo của anh nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại