Ông Chấn được minh oan, bao giờ được bồi thường?

Sau 10 năm ngồi tù với sự hy sinh, mất mát của gia đình mình, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn mới được đền bù oan sai?

Ngày 25/1, ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại xã Nghĩa Trung (Việt Yên - Bắc Giang) đã được cơ quan chức năng minh oan sau 10 năm phải chịu ngồi tù vì bị kết tội giết người. Sau 10 năm ngồi tù với sự hy sinh, mất mát của gia đình mình, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn mới được đền bù oan sai?.

Muốn được bồi thường phải chứng minh thiệt hại

Theo luật sư Hà Hải - thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: TAND Tối cao sẽ có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Còn việc lấy tiền từ đâu thì quy định của pháp luật hiện nay cũng đã có.

Cụ thể nguồn tiền bồi thường là từ ngân sách nhà nước được ứng ra để bồi thường khắc phục sai lầm trước. Sau đó, sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân (thẩm phán) đã tham gia xét xử vụ án ở cấp phúc thẩm để quy trách nhiệm và buộc cá nhân bồi thường lại.

Luật sư Lý Ngọc Hải (Văn phòng luật sư Lê Thị Minh Nhân) cho rằng, ngân sách nhà nước có được từ tiền thu thuế của người dân nộp, vấn đề bồi thường oan sai cũng chỉ mới dừng lại ở việc lấy ngân sách bồi thường. Như vậy, chẳng khác nào lấy tiền thuế của dân để trả cho những việc làm sai trái của cán bộ công chức.

Chưa thể khẳng định được mức bồi thường bao nhiêu. Vì khi bị tù oan, ông Chấn chịu thiệt hại rất nhiều gồm các khoản sau: thiệt hại về tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại do tổn thất tinh thần; thiệt hại về tổn thất về sức khỏe. Với các tổn thất này, rõ ràng cần có thời gian thống kê và chỉ mình ông Chấn mới có thể tính toán.

Luật sư Dương Kim Sơn – Giám đốc công ty luật TNHH TGT và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng chỉ rõ rằng cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại chô ông Chấn vì thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

"Trong trường hợp trước khi xảy ra vụ việc, nếu ông Chấn có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của ông Chấn trước khi xảy ra thiệt hại làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế" -Luật sư Dương Kim Sơn nói.

Luật sư Sơn cho biết thêm: Các cá nhân trong HĐXX phiên phúc thẩm (TAND Tối cao) phải bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn những thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ (nếu có).

Trả lời về việc đền bù cho ông Chấn, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết: Cục Bồi thường Nhà nước cũng đã tham mưu cho Bộ Tư Pháp những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu).

Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất,…

Kinh tế kiệt quệ, vợ lại phải vào viện tâm thần điều trị

Trong khi đó, sau 10 năm sống trong cảnh tù tội, khi được về với gia đình, điều khiến ông Nguyễn Thanh Chấn và người thân trăn trở nhất đó là ông biết làm gì để mưu sinh khi sức khoẻ ông ngày càng yếu, chậm chạp hơn rất nhiều so với những người đồng trang lứa ở quê.

Ông Chấn cho biết trước đây ông cũng là người nhanh nhẹn, nhạy bén, đã trải qua nhiều nghề như nghề thồ xe ngựa, bán quán, là dịch vụ xay xát gạo, làm nông..., bất kể việc gì có thể kiếm ra tiền một cách chính đáng thì ông xắn ngay tay vào làm ngay, không nề hà bất cứ việc gì cả.

Bà Chiến - vợ ông Chấn đắng cay kể về quãng thời gian đi đòi công lý cho chồng.

Bà Chiến - vợ ông Chấn đắng cay kể về quãng thời gian đi đòi công lý cho chồng.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 10 năm ngồi tù, sức khoẻ của ông đã yếu đi rất nhiều. Mọi hoạt động đã trở nên chậm chạp, đầu óc thiếu minh mẫn, nhiều lúc cứ nhớ nhớ, quên quên. Theo ông Chấn, so với bạn bè cùng trang lứa với mình ở quê thì sức khoẻ của ông yếu hơn rất nhiều. Ông thường cảm thấy đau đầu, tay chân nhức mỏi mỗi khi trái gió, trở trời.

Đây là hậu quả ảnh hưởng bởi những năm tháng ở trong tù, biết mình oan nhưng không thể nào chứng minh mình vô tội được, khiến đầu óc ông luôn lo nghĩ về án oan của mình, càng nghĩ lại càng cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Thậm chí ông Chấn đã 3 lần định tìm đến cái chết ở trong tù để giải thoát bản thân khỏi những câu chuyện nặng nề, u ám.

Theo lời kể của bà con hàng xóm, nếu như 10 năm trước đây, khi chưa chịu án oan thì kinh tế gia đình ông khi đó cũng thuộc diện khá ở thôn. Thậm chí, vào thời điểm xảy ra vụ án, ông Chấn đã sắm cho mình một chiếc xe máy Honda Dream Việt Nam - đây được coi là tài sản lớn ở vũng quê nghèo của ông Chấn. Thời điểm đó, ngoài việc bán quán, gia đình ông còn mở dịch vụ xay xát thóc lúa, lúc nào cũng đông nghịt khách.

Nhưng kể từ khi ông Chấn bị bắt vào năm 2003, kinh tế gia đình ông “xuống dốc không phanh” khi trụ cột gia đình thì bị vướng vòng lao lý, người con trai lớn của ông là anh Nguyễn Văn Quyết lúc đó đang học dở lớp 12 cũng phải bỏ học; mọi thứ trong nhà cũng dần ra đi để lấy tiền cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Chiến mang đơn đi kêu oan khắp nơi.

Về phần mình, có thời gian bà Chiến đã phải vào bệnh viện điều trị bệnh tâm thần. Sau một thời gian xin phép bệnh viện để đón chồng được minh oan trở về với gia đình, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn - lại phải quay lại bệnh viện tâm thần để điều trị dứt điểm bệnh tình của mình. Mãi đến những ngày gần cuối năm bà mới trở về nhà đón Tết cùng với gia đình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại