Mai Tết nở muộn, mong được bán đến giao thừa

Hàng ngàn hộ dân trồng hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành và Hưng Khánh Trung B (Bến Tre) đang như ngồi trên lửa vì sợ mai không bung cánh.

Nhiều ngày qua, thời tiết miền Nam thấp nhất chỉ từ 18-23 độ. Với nhiệt độ này thì nguy cơ bông mai sẽ không nở bung được. Dân trồng hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành và Hưng Khánh Trung B (xứ hoa kiểng Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre) đang lo lắng chở hoa đi bán khắp nơi.

Như một canh bạc

Ông Bùi Thành Liêm, trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết hàng năm nông dân của huyện sản xuất khoảng 1,5- 1,7 triệu sản phẩm cây hoa kiểng trong đó, có khoảng 450 ngàn sản phẩm hoa mai. Năm nay, trong số 450 ngàn cây mai thì có khoảng 120 000 cây bị ảnh hưởng của thời tiết không ra hoa được.

Cũng theo ông Liêm, năm nay nông dân trồng hoa kiểng gặp thời bất lợi nhưng lại trúng giá. Tại nhà vườn các loại hoa kiểng đã bán được với giá tăng gấp đôi so với năm trước. Các loại bông cúc, vạn thọ tăng từ 40.000-80.000 đồng/cặp. Hàng năm, người dân trồng hoa kiểng ở huyện Chợ Lách sản xuất đưa ra thị trường trên 11 triệu sản phẩm, trong đó 50% sản phẩm được bán trong dịp tết, đem về nguồn thu từ 300-400 tỷ đồng.

Khuya 25 tết, chúng tôi đến khu vực cầu Cái mơn nhỏ thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, nơi vẫn còn nhiều nông dân đang hối hả thuê xe tải chở hoa kiểng đi các tỉnh để bán. Ông Nguyễn Văn Thuấn, ở ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành đang sốt lo vì ông đã đầu tư trên 200 triệu đồng để trồng 200 cây mai vàng (dạng mai ghép) nhưng khi tới vụ tết thì nụ mai lại không chịu nở.

Ông chua chát: “Tui trồng mai ăn trong mùa tết mà như chơi một canh bạc. Đầu tư vốn liếng nhiều nhưng không cây nào cho hoa. Ông trời đã làm khó nhà vườn rồi! Thôi thì chịu lỗ tiền công chăm sóc cùng phân tro trong một năm vậy”.

Ông Thuấn vừa là nhà vườn vừa là chủ bãi xe tải rộng 300m2 ở cặp mé cầu Cái Mơn Nhỏ. Đây là một trong hàng chục bãi xe tàu giúp nông dân tập kết hoa kiểng đem đi các nơi bán. Ông cho biết mấy năm trước những ngày giáp tết có 70-80 chiếc xe tải về để chở hoa mai đi các nơi bán nhưng năm nay giảm chỉ còn khoảng 30-40 chiếc.

Khoảng 23g ngày 25-1, ông Thuấn đưa chúng tôi ra bãi xe, gặp ông Nguyễn Văn Túc Ly (ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành). Trong cái giá lạnh của đêm khuya, ông Ly đang cùng hai người em hì hục chuyển 400 chậu mai đã được tuyển chọn đưa đi Bảo Lộc bán. Ông Ly than: “tui và anh em trồng hàng ngàn cây nhưng chỉ tuyển được chừng này cây có nụ, có hoa chút đỉnh, mà cũng chưa biết thị trường có thuận lợi không. Nếu tình hình xấu, cây mai không ra hoa đều thì tui sẽ bị lỗ tiền thuê xe tải 11 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền công cán hàng trăm triệu đồng nữa trong suốt năm qua. Thời tiết bây giờ thất thường quá!”.

Ông Phạm Văn Rê, ở xã Vĩnh Thành cũng đem 1.500 chậu mai ghép, mai tàng, mai con lên 6 điểm bán hoa trên TP.HCM bán từ ngày 20 tết. Sáng sớm 26 tết, khi ngồi uống cà phê ở khu vực cầu Cái Mơn nhỏ, ông Rê cho biết toàn bộ mai của ông dù đã ra nụ nhưng vẫn không thể bung vỏ trấu để nở thành hoa. Ông vừa điện thoại cho vợ con mua thuốc xịt kích thích cho hoa nở nhưng chưa biết thế nào. “Nếu hoa không nở thì tui lại tốn thêm 50 triệu đổng tiền thuê ghe và chi phí nhân công vận chuyển chở về. Đó là chưa kể số tiền vốn đầu tư trên nửa tỉ bạc đầu tư vào việc trồng mai trong suốt một năm”.

Ông Rê đang mong chính quyền ở các quận thuộc TP.HCM cho người nông dân ở Chợ Lách được bán hoa cho đến tận đêm giao thừa để có thể tiêu thụ phần nào số mai ra hoa muộn của ông.

Người dân ở xã Vĩnh Thành thuê xe tải chở cây tắc đi các tỉnh bán

Chọn chợ quê để “gửi vàng”

Ông Nguyễn Tấn Anh, 57 tuổi, vừa thuê ghe chở 350 chậu cây trái hạnh (hay còn gọi là trái tắc) và 100 chậu mai đi chợ Giồng Riềng (Kiêng Giang) bán. Ông nói do ảnh hưởng thời tiết nên hoa kiểng chỉ đạt chất lượng ở mức trung bình. Do vậy ông phải chọn khu vực bán hoa phù hợp với túi tiền của người dân chứ nếu đưa lên TP.HCM thì nguy cơ sẽ bị hàng chất lượng đè bẹp.

Ở xã Vĩnh Thành này không chỉ có ông Tấn mà nhiều người khác đã phải quyết định “chọn chợ huyện” để “gửi vàng”. Theo thông tin của các nhà vườn thì người mua đang phân vân so sánh về chất lượng hoa bởi hoa năm nay vẫn chưa ra hoa. Nhiều cây mai có dáng đẹp được "kêu" giá 5-10 triệu đồng nhưng qua 5 ngày trưng bán ở chợ, cây mai vẫn không cho hoa nên chỉ để làm kiểng cho người xem.

Ông Nguyễn Tấn Anh nói: “nếu không bán được cây mai thì phải tốn thêm chi phí bạc triệu để thuê ghe 30 tấn chở về. Và như thế nợ ngân hàng của tui vẫn còn y nguyên”. Vậy là công việc chăm sóc hàng trăm cây mai bị “ế hàng” lại phải cắt tỉa cành chăm sóc lại từ đầu với một nỗi lo mới về tài chính ngày càng khó khăn hơn.

Ở làng hoa Cái Mơn xã Vĩnh Thành có hàng ngàn nông dân phải thế chấp tài sản là đất đai của mình để vay tiền ngân hàng. “Nếu ngân hàng không cho đáo nợ thì người trồng hoa mai sẽ long đong”, nói tới đây, ông Nguyễn Tấn Anh, thở dài vì không biết vợ con ở Giồng Riềng có bán được cây mai nào chưa?

Một mùa xuân hoa mai đe dọa không nở khiến lòng người ở xứ hoa kiểng Cái Mơn héo hon theo hoa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại